WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 của Ấn Độ

03/11/2021 - 22:26

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 được phát triển và sử dụng trong nhiều tháng qua ở Ấn Độ.

Hôm 3/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho một loại vắc xin COVID-19 được phát triển ở Ấn Độ, cung cấp sự đảm bảo cho mũi tiêm mà các cơ quan quản lý của quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã cho phép sử dụng từ rất lâu, trước khi hoàn thành thử nghiệm nâng cao về tính an toàn và hiệu quả.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã cấp quyền cho Covaxin, do Bharat Biotech của Ấn Độ sản xuất. Hành động này khiến Covaxin trở thành vắc xin COVID-19 thứ tám nhận được đèn xanh của WHO.

Tiến sĩ Mariângela Simão, Trợ lý tổng giám đốc WHO cho biết: “Danh sách sử dụng khẩn cấp này mở rộng sự sẵn có của vắc xin, những công cụ y tế hiệu quả nhất mà chúng ta có để chấm dứt đại dịch”.

Covaxin trở thành loại vắc xin COVID-19 thứ tám được WHO phê duyệt dử dụng
Covaxin trở thành loại vắc xin COVID-19 thứ tám được WHO phê duyệt dử dụng

Covaxin được phát triển bởi Bharat Biotech hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cơ quan nghiên cứu của chính phủ. Vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng một loại coronavirus đã bị làm yếu để tạo ra phản ứng miễn dịch và được yêu cầu tiêm hai liều.

WHO cho biết loại vắc xin này có hiệu quả khoảng 78% trong việc ngăn ngừa ca COVID-19 nghiêm trọng và “cực kỳ phù hợp” cho các nước nghèo do yêu cầu bảo quản dễ dàng hơn nhiều.

Một nhóm chuyên gia do WHO triệu tập cho biết không có đủ dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin đối với phụ nữ mang thai; các nghiên cứu đang được lên kế hoạch để giải quyết những câu hỏi đó.

Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã cấp phép lưu hành Covaxin vào tháng Giêng, vài tháng trước khi quá trình thử nghiệm rộng rãi trên người được hoàn thành, khiến các chuyên gia y tế lo ngại rằng mũi tiêm được đưa ra quá sớm.

Bharat Biotech công bố kết quả vào tháng Bảy cho thấy vắc xin này có hiệu quả khoảng 93% trong việc ngăn ngừa COVID-19 nghiêm trọng và khoảng 65% chống lại sự lây nhiễm với biến thể Delta. Công ty cho biết họ đang đặt mục tiêu đạt công suất hàng năm là 1 tỷ liều vào cuối năm 2021, hoặc hơn 80 triệu liều mỗi tháng, nhưng từ chối trả lời các câu hỏi về công suất hiện tại.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiêm mũi vắc xin hai liều đầu tiên vào tháng Ba. Đến giữa tháng 10, hơn 110 triệu mũi tiêm vắc xin đã được tiêm, khiến Covaxin trở thành mũi tiêm COVID-19 được sử dụng nhiều thứ hai ở Ấn Độ sau AstraZeneca.

Trên thực tế, Covaxin đã được tiêm cho người dân Ấn Độ suốt nhiều tháng qua. Từ khi dữ liệu thử nghiệm còn chưa đầy đủ
Trên thực tế, Covaxin đã được tiêm cho người dân Ấn Độ suốt nhiều tháng qua,từ khi dữ liệu thử nghiệm còn chưa đầy đủ

Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã cấp phép khẩn cấp cho các loại vắc xin COVID-19 do AstraZeneca và đối tác của họ - Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, vắc xin của Pfizer-BioNTech, Moderna Inc., Johnson & Johnson, và hai hãng dược phẩm Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac.

Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp Covaxin của WHO cũng có nghĩa là hàng triệu người Ấn Độ đã tiêm chủng sẽ được phép đi du lịch quốc tế bởi các quốc gia công nhận vắc xin được WHO ủy quyền, bao gồm Anh, các thành viên Liên minh châu Âu và Canada.

Linh La (theo AP, ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI