WHO cảnh báo virus Marburg gây tử vong rất cao đang lây nhanh ở châu Phi

28/03/2023 - 16:55

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo nguy cơ nhiễm virus Marburg là rất cao trong bối cảnh làn sóng lây lan chết người ở châu Phi.

 

Trong các đợt bùng phát sốt xuất huyết do virus như Marburg, việc tiếp xúc với xác chết mà không được bảo vệ là một nguyên nhân lây truyền quan trọng
Trong các đợt bùng phát sốt xuất huyết do virus như Marburg, việc tiếp xúc với xác chết mà không được bảo vệ là một trong những nguyên nhân lây nhiễm 

Virus Marburg có tỷ lệ tử vong dao động từ khoảng 25 - 90%  đã lan rộng từ các huyện nông thôn ở Guinea Xích đạo đến các khu vực đông dân cư hơn và các trung tâm giao thông chính ở châu Phi. Theo WHO, làn sóng này sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền thêm. 

Ít nhất 4 trường hợp đã được phát hiện tại thủ đô thương mại Bata, một thành phố cảng hàng hóa lớn với khoảng 200.000 người, nơi các chuyến bay quốc tế cất cánh và hạ cánh. Các nước láng giềng Gabon và Cameroon đang trong tình trạng báo động cao.

Đợt bùng phát hiện nay ở Guinea Xích đạo được cho là đợt bùng phát lớn thứ 4 từng được ghi nhận. Theo WHO, 7 người đã chết ở nước này kể từ giữa tháng Hai và các quan chức đã thống kê được 29 trường hợp được xác nhận, tăng từ 16 trường hợp vào tuần trước. Tại Tanzania, đã có 8 trường hợp nhiễm bệnh tính đến ngày 22/3, 5 người trong số bệnh nhân này được xác nhận đã chết.

WHO cho biết trong một cảnh báo vào cuối tuần qua rằng nguy cơ nhiễm vi rút Marburg trên toàn nước Tanzania là rất cao. Tuy nhiên, WHO cho biết thêm: "Rủi ro ở cấp độ toàn cầu được đánh giá là thấp".

Bệnh do virus Marburg gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau nhức cơ, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Bệnh nhân Marburg có vẻ ngoài ốm yếu, mắt trũng sâu, thường được gọi là "giống như thây ma". Marburg  gần giống như Ebola, nó là bệnh sốt xuất huyết - gây chảy máu từ nhiều cơ quan trong cơ thể. 

Virus Marburg lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người, bề mặt và vật liệu bị nhiễm bệnh. 

Virus này là loài đặc hữu của các khu vực ở Trung Phi bao gồm cả Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo. Bệnh cũng đã từng xuất hiện ở Kenya.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO cho biết: "Việc xác nhận những trường hợp mới này là một tín hiệu quan trọng để tăng cường các nỗ lực ứng phó nhằm nhanh chóng ngăn chặn chuỗi lây truyền và ngăn chặn khả năng bùng phát quy mô lớn và gây tử vong".

Tại Tanzania, các quan chức y tế đã truy vết với ít nhất 161 người được cho là đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Hiện các quan chức Kenya đã thực hiện các bước để tăng cường giám sát và củng cố cơ sở hạ tầng xét nghiệm dọc biên giới với Uganda và Tanzania. 

Trọng Trí (theo Daily Mail)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI