WHO cảnh báo việc dỡ bỏ “giãn cách” có thể giúp hồi sinh tử thần COVID-19

12/04/2020 - 10:48

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/4 lên tiếng cảnh báo các nước cần thận trọng đối với việc dỡ bỏ phong tỏa và giãn cách xã hội đang áp dụng để khống chế sự lây lan của COVID-19 và báo động việc này bắt đầu xảy ra ở châu Phi.

Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan phát biểu tại một cuộc họp báo về COVID-19 ở Geneva, Thụy Sĩ. Ngồi bên cạnh ông là TGĐ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Reuters
Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan phát biểu tại một cuộc họp báo về COVID-19 ở Geneva, Thụy Sĩ. Ngồi bên cạnh ông là Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, tại cuộc họp báo ở Geneva, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói WHO “muốn thấy một sự nới lỏng”, nhưng ông đồng thời cảnh báo về nguy cơ “hồi sinh chết chóc” của đại dịch COVID-19.

Ông Tedros nói rằng đã có “sự kìm hãm đáng mừng" của dịch bệnh ở một số nước châu Âu như Ý, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, nhưng cũng có “sự gia tăng đáng báo động” ở những nơi khác, bao gồm cả việc lây truyền cộng đồng ở 16 quốc gia châu Phi. Đến nay, cả thế giới ghi nhận 1.780.314 ca nhiễm, trong đó 108.827 người đã tử vong do dịch bệnh.

Đáng chú ý, Yemen hôm 10/4 báo cáo ca nhiễm COVID-19 đầu tiên khi các nhóm viện trợ đang gấp rút chuẩn bị để đối phó với đại dịch trong bối cảnh cuộc nội chiến đã phá nát hệ thống y tế và đói kém, bệnh tật lan rộng trong nước.

Tổng giám đốc Tedros cũng đặc biệt lưu ý đến tình trạng nhân viên y tế phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở mức độ “đáng báo động”. Ông nói, một số quốc gia có tới 10% nhân viên y tế nhiễm bệnh, đây là một tình hình “nguy hiểm, đáng báo động”.

Lực lượng mới của Liên hợp quốc chuyên trách về cung cấp sẽ điều phối, mở rộng quy mô mua sắm, phân phối các thiết bị bảo hộ y tế, công cụ chẩn đoán trong phòng thí nghiệm và máy thở cho các quốc gia cần đến nó nhất.

Ông Tedros cho biết: "Mỗi tháng chúng tôi giao ít nhất 100 triệu khẩu trang và găng tay y tế, 25 triệu bộ xét nghiệm chẩn đoán, áo choàng bảo hộ, tấm che mặt và một lượng lớn máy thở, các thiết bị điều trị lâm sàng khác”.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cơ quan Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ xử lý hậu cần, sẽ triển khai 8 máy bay B-747, 8 máy bay chở hàng cỡ trung bình và một số máy bay chở khách nhỏ hơn để vận chuyển hàng hóa và nhân viên cứu trợ cần thiết đến 8 trung tâm chống dịch trên toàn thế giới. Ông Tedros kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp cho chiến dịch của WFP, có chi phí ước tính khoảng 280 triệu đô la, chưa kể chi phí mua sắm vật tư.

Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO cho biết thế giới “nợ các nhân viên y tế tuyến đầu một món nợ rất lớn”, đó là họ cần được trang bị các thiết bị bảo hộ y tế phù hợp.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO khẳng định, “không có quốc gia nào miễn dịch” với COVID-19. Các trường hợp bùng phát dịch gần đây ở nhiều địa phương Nhật Bản, không có liên hệ trực tiếp đến các ổ dịch khác đã biết, là một báo động cho nhiều quốc gia.

Ông nói: "Không quốc gia nào miễn dịch, không quốc gia nào có thể tuyên bố họ có hệ thống y tế đủ mạnh, chúng ta phải thực sự trung thực để đánh giá và giải quyết vấn đề này”.

Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI