WHO cảnh báo thiếu hụt ống tiêm sẽ làm trầm trọng thêm đại dịch vào năm 2022

10/11/2021 - 10:39

PNO - WHO cảnh báo tình trạng khan hiếm ống tiêm trên toàn cầu có thể sẽ gây ảnh hưởng đến những nỗ lực của chiến dịch chủng ngừa.

Cần thêm 2 tỷ ống tiêm vắc xin COVID-19

Người phát ngôn chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt ống tiêm cho các chương trình tiêm chủng vắc xin toàn cầu. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ và sự an toàn của chiến dịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hứa hẹn một làn sóng tấn công mới.

Những con số thống kê trước đây cho thấy có hàng tỷ ống tiêm được sử dụng trong các chiến dịch tiêm phòng, cho thấy nhu cầu sử dụng tăng vọt hơn nhiều lần so với mức bình thường mà nguồn cung ứng chưa kịp đáp ứng. Sự thiếu hụt này có thể gây ra việc chậm trễ tiêm phòng bao gồm cả những chiến dịch tiêm chủng định kỳ cho trẻ em mà hệ quả của nó có thể dẫn đến việc sử dụng lại ống và kim tiêm không an toàn.

Thiếu hụt kim tiêm sẽ làm kéo dài tiêm chủng và đại dịch vì thế cũng kép dài thêm
Thiếu ống tiêm sẽ làm kéo dài tiêm chủng và đại dịch vì thế cũng kéo dài thêm

WHO ước tính thế giới sẽ cần đến hơn 2 tỷ ống tiêm vào năm 2022 bởi cho đến nay, theo một cuộc kiểm đếm của Agence France-Presse, đã có khoảng 6,8 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, gần gấp đôi lượng vắc xin tiêm định kỳ. Trong khi đó thì tổng sản lượng ống tiêm phục vụ cho việc tiêm chủng chỉ vào khoảng 6 tỷ ống trong năm. Con số này gần gấp đôi số lần tiêm chủng định kỳ được tiêm mỗi năm - và gấp đôi số lượng ống tiêm được sản xuất trong thời gian nhất định.

Cố vấn cấp cao của WHO Lisa Hedman kêu gọi giới chức y tế các nước cần lập kế hoạch về nhu cầu của quốc gia mình để khi nguồn cung cấp các liều vắc xin COVID-19 tăng lên thì việc đảm bảo đầy đủ ống tiêm cần phải theo kịp tốc độ.

Bà nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ: “Chúng tôi đang thực sự lo ngại rằng thế giới có thể sẽ thiếu hụt ống tiêm, từ đó dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng cho nỗ lực phủ vắc xin toàn cầu. Điều này sẽ tùy thuộc vào cách thức và thời gian mà các nước triển khai tiêm ngừa, theo ước tính cho thấy sự thâm hụt dao động hơn 2 tỷ ống tiêm”.

WHO mong muốn có vắc xin COVID-19 qua dạng uống và xịt mũi

Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan cho biết, bà rất mong đợi "thế hệ vắc xin COVID-19 thứ hai" có thể bao gồm thuốc xịt mũi và thuốc uống. Bởi những loại vắc xin như vậy có thể có lợi thế hơn so với dạng tiêm qua tĩnh mạch như hiện tại vì chúng sẽ dễ dàng được cung cấp hơn và thậm chí có thể tự sử dụng.

Một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của trường đại học đang thực hiện dự án phát triển vắc xin xịt mũi chống lại Covid-19 ở Pháp vào ngày 15 tháng 9 năm 2021. ẢNH: REUTERS
Một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của trường đại học ở Pháp đang thực hiện dự án phát triển vắc xin xịt mũi điều trị COVID-19 vào ngày 15/9/2021 - Ảnh: Reuters 

Tiến sĩ Swaminathan cho biết hiện có 129 loại vắc xin ứng viên khác nhau được thử nghiệm lâm sàng - đang được thử nghiệm trên người - trong khi đó có đến 194 loại khác còn trong quá trình phát triển và vẫn đang được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm.

"Có thể có những lợi thế đối với một số vắc xin thế hệ thứ hai... rõ ràng nếu bạn sử dụng vắc xin dạng uống hoặc được xịt vào mũi, điều này sẽ dễ dàng cung cấp hơn so với tiêm", tiến sĩ nói.

Tiến sĩ Swaminathan giải thích những ưu điểm của vắc xin được xịt vào mũi: "Nếu vắc xin này được xịt vào khoang mũi, nó sẽ tạo nên một phản ứng miễn dịch cục bộ chống lại virus trước khi virus di chuyển và tấn công phổi. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh nặng".

WHO mới chỉ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho bảy loại vắc xin COVID-19: Loại được tạo ra bởi Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và Bharat Biotech của Ấn Độ vào tuần trước.

Tiến sĩ Swaminathan nói: "Không có loại vắc xin nào là 100%. Không ai từng tuyên bố rằng vắc xin sẽ có khả năng bảo vệ 100%. Nhưng 90% là mức bảo vệ tuyệt vời so với con số 0".

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 7,25 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới.

Trọng Trí (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI