WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tả ở các nước nghèo

30/09/2022 - 21:07

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tỏ ra lo lắng khi số ca mắc bệnh tả cùng tỷ lệ tử vong đang có dấu hiệu gia tăng không ngừng trong thời gian gần đây ở các nước nghèo.

Số ca bệnh tả đang không ngừng gia tăng cùng tỷ lệ tử vong tăng mạnh trong năm nay với các đợt bùng phát được báo cáo ở 26 quốc gia, phần lớn ở những nơi nghèo đói và xung đột, một quan chức của WHO được hãng tin Reuters dẫn lời cho biết hôm 30/9.

Bệnh tả đang có dấu hiệu gia tăng ở các nước nghèo trên thế giới - Ảnh: Erem News
Bệnh tả đang có dấu hiệu gia tăng ở các nước nghèo trên thế giới - Ảnh: Erem News

Theo đó, chỉ trong năm 2022, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo các đợt lây lan và bùng phát dịch bệnh do con người sử dụng thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm gây tiêu chảy cấp tính.

“Sau nhiều năm có dấu hiệu suy giảm số lượng ca bệnh thì hiện nay chúng ta đang chứng kiến ​​sự bùng phát trở lại rất đáng lo ngại của bệnh dịch tả trên phạm vi toàn cầu”, Tiến sĩ Philippe Barboza, Trưởng nhóm công tác về bệnh Dịch tả của WHO phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ). Ông cũng nói thêm rằng, tỷ lệ tử vong trung bình hiện nay đã tăng gần gấp ba lần so với mức trung bình cách đây 5 năm, và với riêng châu Phi thì tỷ lệ này là khoảng 3%.

Theo các chuyên gia y tế thì bệnh tả có thể gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, mặc dù bệnh này có triệu chứng nhẹ, hoặc thậm chí không có triệu chứng.

Hãng tin Reuters cho biết, một đợt bùng phát dịch tả ở Syria mới đây đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng khiến hàng chục ngàn người đang sống trong các khu trại tập trung với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đã phải di tản trong lo sợ.

Vắc xin phòng bệnh tả hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng - Ảnh: Getty Images
Vắc xin phòng bệnh tả hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng - Ảnh: Getty Images

Tiến sĩ Barboza cũng bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh đang bùng phát ở vùng Sừng châu Phi và một số khu vực của châu Á trong khi hiện chỉ còn vài triệu liều vắc xin trong kho dự trữ khẩn cấp của WHO để sử dụng cho đến cuối năm nay do thiếu hụt nguồn sản xuất.

“Vì vậy, rõ ràng là chúng ta không có đủ cơ số vắc xin để ứng phó với cả các đợt bùng phát dịch cấp tính, và cũng không đủ để có thể triển khai các chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa cho nhiều quốc gia”, ông Barboza cho biết.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI