WHO cảnh báo đại dịch tiếp theo có thể đến từ muỗi, bọ ve...

01/04/2022 - 16:15

PNO - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các mầm bệnh do loài chân đốt gây ra có nguy cơ ngày càng tăng, đe dọa dẫn đến đại dịch tiếp theo trong tương lai.

Các loại virus như Zika, sốt vàng da, Chikungunya và bệnh sốt xuất huyết là một nhóm mầm bệnh lây lan qua các loài côn trùng chân đốt như muỗi và bọ ve.

Chúng đứng đầu danh sách những đợt bùng phát dịch bệnh tiềm ẩn tiếp theo có thể leo thang thành đại dịch, đặc biệt là khi chúng phát triển mạnh ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới nơi có gần 4 tỷ người sinh sống. Do đó, giới chuyên gia đang tìm cách đưa ra các chiến lược để ngăn chặn cơn ác mộng tương tự như COVID-19.

Tiến sĩ Sylvie Briand, giám đốc nhóm Chuẩn bị nguy cơ truyền nhiễm toàn cầu tại WHO, cho biết: “Chúng ta đã trải qua 2 năm đại dịch COVID-19 và học được một bài học khó khăn, đắt giá rằng việc chuẩn bị trước các sự kiện có tác động lớn không bao giờ là đủ.

Chúng tôi đã nhận biết các tín hiệu của COVID-19 thông qua những điểm tương đồng với dịch SARS vào năm 2003 và kinh nghiệm từ đại dịch cúm năm 2009 - nhưng vẫn còn khoảng trống chuẩn bị. Rất có thể đại dịch tiếp theo là do một loại arbovirus mới gây nên. Hiện có một số tín hiệu cho thấy rủi ro đang tăng lên”.

Phát biểu của bà Briand tại buổi ra mắt sáng kiến ​​Arbovirus toàn cầu mới của WHO nhằm mục đích tập hợp các nghiên cứu giúp giải quyết mối đe dọa do côn trùng gây ra. Arbovirus (nhóm virus được lây truyền bởi một số loài động vật chân đốt) đang ngày càng phổ biến và hiện là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.

WHO cảnh báo thế giới cần làm nhiều hơn để ngăn chặn nguy cơ đại dịch từ mầm bệnh lan truyền qua loài chân đốt
WHO cảnh báo thế giới cần làm nhiều hơn để ngăn chặn nguy cơ đại dịch từ mầm bệnh lan truyền qua các loài chân đốt

Kể từ năm 2016, hơn 89 quốc gia đã phải đối mặt với dịch Zika, trong khi nguy cơ sốt vàng da không ngừng gia tăng kể từ đầu những năm 2000. Mỗi năm, có 390 triệu người ở 130 quốc gia nơi bệnh lưu hành mắc sốt xuất huyết. Bệnh sốt vàng da có nguy cơ bùng phát cao ở 40 quốc gia, gây xuất huyết nặng và tử vong.

Bệnh Chikungunya lây truyền bởi muỗi ít được biết đến hơn, nhưng nó có mặt ở 115 quốc gia và có thể gây ra viêm khớp nặng, tàn phế. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh sốt vàng da, nhưng đối với mọi người, cách bảo vệ tốt nhất là ngăn ngừa muỗi đốt ngay từ đầu.

Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc cho biết, trọng tâm của sáng kiến ​​Arbovirus toàn cầu sẽ là tập trung nguồn lực vào giám sát rủi ro, phòng chống đại dịch, chuẩn bị, phát hiện và ứng phó.

WHO cũng nhấn mạnh rằng hành động quốc tế là cần thiết, với "tần suất và mức độ bùng phát" đáng lo ngại của arbovirus, đặc biệt là những virus lây truyền qua muỗi Aedes.

Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Đối với mỗi căn bệnh truyền nhiễm trên, các phản ứng giám sát, nghiên cứu và phát triển đều đem đến lợi ích. Dù vậy, tính bền vững thường bị giới hạn trong phạm vi và thời gian của các dự án cụ thể về dịch bệnh. Do đó quốc tế cần đánh giá lại các công cụ hiện có và cách sử dụng chúng khi dịch bệnh xảy ra, đảm bảo phản ứng hiệu quả, thực hành dựa trên bằng chứng, nhân viên được trang bị và đào tạo cũng như sự tham gia của cộng đồng”.

Tấn Vĩ (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI