WHO cảnh báo: "Cấp phép vắc-xin COVID-19 cần hết sức cẩn trọng và nghiêm túc"

01/09/2020 - 07:34

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới cho biết việc cấp phép khẩn cấp vắc-xin COVID-19 cần đòi hỏi "sự nghiêm túc và cẩn trọng rất lớn".

EU cung cấp 476 triệu USD cho sáng kiến vắc-xin COVID-19

Ngày 31/8, Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ đóng góp vào sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để mua vắc-xin COVID-19. Sáng kiến COVAX nhằm mục đích phân phối cho tất cả các quốc gia trên toàn cầu 2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 tiềm năng từ một số nhà sản xuất vắc-xin vào cuối năm 2021. 

Ủy ban châu Âu thông báo họ sẽ cung cấp 478 triệu USD tiền bảo lãnh, nhưng không làm rõ liệu các quốc gia EU có nhận được các mũi tiêm thông qua chương trình của WHO hay không.

Bên cạnh đó, Ủy ban này cũng đang đàm phán về việc mua trước vắc-xin COVID-19 với một số nhà sản xuất.  

Tính đến nay, ít nhất 172 quốc gia đã đăng ký, bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch COVAX, bao gồm 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Các nước đẩy nhanh quá trình phê duyệt nghiên cứu vắc-xin COVID-19.
Các nước đẩy nhanh quá trình phê duyệt nghiên cứu vắc-xin COVID-19

WHO: Việc cấp phép khẩn cấp vắc-xin COVID-19 cần hết sức cẩn trọng

WHO cho biết việc cấp phép khẩn cấp vắc-xin COVID-19 cần đòi hỏi "sự nghiêm túc và cẩn trọng rất lớn".

Nhà khoa học trưởng của WHO, tiến sĩ Soumya Swaminathan nói trong một cuộc họp báo, mặc dù mọi quốc gia đều có quyền phê duyệt các loại vắc-xin mà không cần hoàn thành các thử nghiệm đầy đủ, nhưng điều này cần phải được xem xét thận trọng.

Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết ông sẵn sàng bỏ qua quy trình phê duyệt thông thường để cấp phép cho vắc-xin COVID-19, miễn là các quan chức tin rằng điều này mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan cho biết cách tiếp cận của WHO để cấp phép cho một loại vắc-xin là phải có trong tay bộ dữ liệu đầy đủ được sử dụng để đánh giá chất lượng sản phẩm. Sau đó, WHO sẽ xem xét tính hiệu quả và an toàn của các loại vắc-xin trên cơ sở từng trường hợp.

“Nếu cấp phép quá nhanh để tiêm chủng cho hàng triệu người, bạn có thể bỏ lỡ một số tác dụng phụ nhất định của vắc-xin” - Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh.

Vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca bước vào giai đoạn cuối thử nghiệm

AstraZeneca cho biết công ty đã bắt đầu tuyển 30.000 tình nguyện viên Mỹ cho giai đoạn cuối nghiên cứu vắc-xin COVID-19, được sự tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ. Theo đó, những người tham gia thử nghiệm sẽ nhận được 2 liều vắc-xin, có tên là AZD1222, mỗi mũi tiêm cách nhau 4 tuần.

Cuộc thử nghiệm đang được tiến hành trong khuôn khổ chương trình Operation Warp Speed của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm tăng tốc phát triển, sản xuất, phân phối vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19.

AstraZeneca kết hợp với các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford, Pfizer với đối tác BioNTech SE cho biết họ có thể có dữ liệu đánh giá đầy đủ về vắc-xin vào tháng 10, nhằm hỗ trợ việc cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc phê duyệt vắc-xin tương ứng của Hoa Kỳ.

Ngoài Mỹ, AZD1222 sẽ trải qua các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở Anh, Brazil và Nam Phi, cùng các nghiên cứu bổ sung được lên kế hoạch ở Nhật Bản và Nga, dự kiến thu hút tới 50.000 người tham gia trên toàn cầu.

Giáo viên Nga sợ phải tiêm vắc-xin "Sputnik V" ngày tựu trường

Các phòng khám ở Moscow vào tuần trước đã bắt đầu nhận được nguồn cung cấp vắc-xin đã được phê duyệt để sử dụng ở Nga, mặc dù các thử nghiệm giai đoạn cuối cùng, với sự tham gia của 40.000 người chỉ mới bắt đầu vào thứ Tư tuần trước.

Các quan chức Nga cho biết, từ tháng 9, các bác sĩ và giáo viên sẽ là những người đầu tiên được cung cấp dịch vụ chích ngừa vắc-xin trên cơ sở tự nguyện. Đây là thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết việc tiêm vắc-xin sẽ được thực hiện bắt buộc đối với các quân nhân.

Các trường học ở Nga mở cửa trở lại vào ngày 1/9 (trường học ở Nga đóng cửa từ tháng 3/2020 đến nay - PV), hiệp hội giáo viên Uchitel đã đưa ra một bản kiến ​​nghị phản đối việc bắt buộc sử dụng vắc-xin đối với giáo viên, trước khi tất cả các thử nghiệm lâm sàng hoàn tất.

“Có khả năng hiệu trưởng các trường học sẽ ép buộc giáo viên phải tiêm chủng”- bản kiến ​​nghị viết. Một đại diện của hiệp hội Uchitel nói rằng đến nay đã có gần 1.400 người ký vào bản kiến ​​nghị này.

Bộ Y tế Nga cho biết việc tiêm chủng sẽ là tự nguyện và chuyển các câu hỏi khác đến Bộ Giáo dục, tuy nhiên Bộ Giáo dục đã không đưa ra lời bình luận.

Văn phòng thị trưởng Moscow cho biết việc tiêm vắc-xin sẽ dựa trên cơ sở tự nguyện và "không có áp lực đối với các trường học, do đó, không có biện pháp trừng phạt nào đối với giáo viên từ chối tiêm vắc-xin". Đến giờ này chỉ duy nhất hiệp hội giáo viên Uchitel đưa ra kiến ​​nghị này.

Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép cho lưu hành vắc-xin COVID-19. Vắc-xin này được đăt tên “Sputnik V” để nhắc nhớ niềm tự nào về vệ tinh đầu tiên trên thế giới đã được Liên Xô (cũ - PV) phóng lên vũ trụ. 

Chung Thu Hương - Khánh Vân (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI