WHO: Ca nhiễm vi rút H5N2 đầu tiên ở người tử vong là do nhiều yếu tố

08/06/2024 - 13:48

PNO - Ngày 7/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên được xác nhận ở người tử vong là do nhiều yếu tố khác nhau.

WHO cho biết người đàn ông 59 tuổi qua đời có tiền sử bệnh thận, tiểu đường loại 2 và tăng huyết áp và kết luận đây không phải là cái chết do H5N2. ẢNH: REUTERS
WHO cho biết người đàn ông 59 tuổi qua đời có tiền sử bệnh thận, tiểu đường type 2, tăng huyết áp và kết luận đây "không phải là cái chết do H5N2" - Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp tại Thụy Sĩ, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho biết trường hợp trên tử vong (một người dân 59 tuổi ở Mexico) là do nhiều yếu tố, chứ không phải do vi rút H5N2.

Ông Lindmeier cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của người này cho thấy dương tính với vi rút H5N2. Ngoài ra, sau khi xét nghiệm với 17 người tiếp xúc với bệnh nhân tại bệnh viện, nhưng kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút cúm. 12 người tiếp xúc tại nơi ở của người bệnh nhiều tuần trước cũng cho kết quả xét nghiệm âm tính.

"Hiện chúng tôi đang điều tra nguồn lây nhiễm cho ca bệnh nói trên" - đại diện WHO thông tin thêm.

Bộ Y tế Mexico cho biết bệnh nhân nam, 59 tuổi, có tiền sử bệnh thận mãn tính, bệnh tiểu đường type 2 và huyết áp cao lâu năm. Người này đã nằm liệt giường 3 tuần trước khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính là sốt, khó thở, tiêu chảy, buồn nôn... vào ngày 17/4. Bệnh nhân được đưa tới bệnh viện ở Mexico City một tuần sau đó và tử vong ngày 24/4.

"Bệnh nhân chết do nhiều yếu tố, không phải do H5N2. Bệnh nhân đến bệnh viện sau nhiều tuần mắc nhiều bệnh". Tiến sĩ Lindmeier cho biết thêm rằng bệnh nhân đã được xét nghiệm thường xuyên để phát hiện bệnh cúm và các loại vi rút khác và đã phát hiện ra H5N2.

Dựa trên thông tin có sẵn, cơ quan y tế của Liên hiệp quốc đánh giá rủi ro hiện tại của người dân với cúm gia cầm ở mức thấp. Tiến sĩ Markus Lipp, quan chức cấp cao về an toàn thực phẩm tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), cho biết nguy cơ mắc bệnh cúm gia cầm khi ăn thịt gia cầm là “thấp và không đáng kể”.

Ông nói trong cuộc họp báo qua liên kết video từ trụ sở chính của FAO ở Rome: “Trong suốt hàng trăm năm xảy ra dịch cúm gia cầm… chưa có bất kỳ trường hợp lây truyền qua thực phẩm nào được chứng minh. Tất nhiên, những người tiếp xúc rất gần với động vật có thể bị nhiễm vi rút nhưng đó là rủi ro nghề nghiệp. Đó không phải là lây truyền qua thực phẩm. Vì vậy, có khả năng rất nhỏ" - ông nói.

Cùng ngày 7/6, WHO cũng đưa ra thông báo về ca nhiễm vi rút cúm gia cầm H5N1 đầu tiên ở người được ghi nhận tại Úc đã đến thành phố Kolkata, Ấn Độ vào tháng trước. Gia đình bệnh nhân cho biết họ không tiếp xúc với người mắc bệnh hay động vật trong khi lưu trú tại Ấn Độ.

Theo WHO, ca bệnh tại Úc là một bé gái 2 tuổi rưỡi, đến Kolkata từ ngày 12 - 19/2 và trở lại Úc ngày 1/3 vừa qua. Bé nhập viện tại bang Victoria một ngày sau đó và điều trị tại đây trong hơn 2 tuần. WHO cho biết bé gái được báo cáo trong tình trạng sức khỏe tốt. Cho đến thời điểm này, chưa có người thân nào của bé này tại Úc hay Ấn Độ có triệu chứng mắc cúm.

WHO cho biết trình tự gen cho thấy vi rút này thuộc phân nhóm H5N1 và là một phần của chủng lưu hành ở Đông Nam Á và đã được phát hiện trong các ca nhiễm bệnh trước đây ở người và gia cầm.

Ông Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Johns Hopkins, cho biết cần phải có một cuộc điều tra để xem liệu đứa trẻ có tiếp xúc với gia cầm hoặc các loài chim khác hay không, hoặc nếu gần đó đã có đợt bùng phát phiên bản H5N1 này. “Vi rút H5N1 không lây truyền hiệu quả giữa người với người và tôi nghi ngờ rằng có một sự phơi nhiễm tiềm ẩn ở động vật đã dẫn đến lây nhiễm” - ông Adalja nói.

Trọng Trí (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI