WHO: Biến thể lai Anh - Ấn ở Việt Nam không phải là một chủng virus SARS-CoV-2 mới

03/06/2021 - 17:00

PNO - Ông Kidong Park - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam – khẳng định: “Không có biến thể lai mới ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại dựa trên định nghĩa của WHO”.

Trao đổi với trang Nikkei Asia hôm 2/6 trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến, ông Park cho biết: "Biến thể được phát hiện là chủng Delta, với các đột biến bổ sung và cần theo dõi thêm trong vài tuần tới". Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và hiện xuất hiện ở nhiều quốc gia khác.

Ông Park giải thích thêm: "Đột biến này vẫn thuộc về chủng Delta hiện có và chỉ là một đột biến bổ sung. Hiện tại, không có cảnh báo đáng báo động nào từ WHO”; đồng thời nhấn mạnh rằng biến thể Delta rất nguy hiểm vì rất dễ lây lan và lây lan rất nhanh.

Ông Park cho biết rất khó để biết khi nào Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi đặt các nhà máy sản xuất quốc tế bao gồm Samsung Electronics, sẽ có thể chấm dứt dịch bệnh.

Từ cuối tháng Tư, hơn 400 công ty - với 65.000 công nhân - đã ngừng sản xuất tại Bắc Ninh. Tại Bắc Giang, 4 trong số 6 khu công nghiệp buộc phải đóng cửa vào ngày 18/5, ảnh hưởng đến ít nhất 140.000 công nhân.

Chính quyền địa phương cũng yêu cầu bộ phận quản lý nhà máy giữ công nhân bên trong các cơ sở để ngăn virus phát tán ra cộng đồng. Các nhân viên được yêu cầu ăn, ngủ và làm việc trong các nhà máy, với hàng trăm chiếc lều dựng lên làm nơi ở tạm thời.

Hình ảnh trước một khu công nghiệp ở Bắc Giang. (Ảnh: Getty Images)
Cảnh chen chúc trước một khu công nghiệp ở Bắc Giang. (Ảnh: Getty Images)

Do việc tiêm phòng cho công nhân nhà máy chỉ mới bắt đầu trong tuần này ở hai tỉnh, các nhà chức trách và nhà máy sẽ phải tiếp tục các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt bao gồm xét nghiệm, truy vết và cách ly "trong một khoảng thời gian nhất định".

Ông Park thừa nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thách thức hiện nay là đẩy nhanh việc tiêm chủng trong bối cảnh thiếu liều khi các nền kinh tế châu Á gấp rút đảm bảo nguồn cung.

Ông Park nói: "COVAX là một trong những giải pháp", đề cập đến chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu do WHO hậu thuẫn. Cuộc khủng hoảng thiếu hụt vắc-xin xảy ra vào tháng 3 và tháng 4, chủ yếu do sự bùng phát dịch ở Ấn Độ. Ấn Độ là nhà sản xuất chính của vắc-xin COVID-19 nhưng đã phải ngừng xuất khẩu vắc-xin này, kể cả thông qua COVAX.

Nhưng cam kết của COVAX về việc cung cấp vắc-xin cho 20% dân số của các thành viên tham gia vào cuối năm nay vẫn còn hiệu lực. Việt Nam là thành viên của COVAX.

COVAX được dẫn dắt bởi Gavi, Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Phòng dịch, nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng đối với vắc-xin, đặc biệt là giữa các nước đang phát triển.

Trong khi đó, các cư dân nước ngoài cũng kêu gọi nới lỏng các quy định kiểm dịch đối với các nhà đầu tư và người lao động đã được tiêm chủng, khi thời hạn kiểm dịch bắt buộc đối với những người đến từ nước ngoài đã tăng lên 21 ngày.

Dù vậy, ông Park nhắc lại rằng, một số người nhập cảnh vào Việt Nam đã xuất hiện các triệu chứng sau 2 tuần cách ly.

"Đó là lý do tại sao Chính phủ phải thực hiện các biện pháp tạm thời để kéo dài thời gian cách ly", ông nói và cho biết thêm rằng các cơ quan chức năng đang trong quá trình xem xét mọi tình huống có thể.

Linh La (theo Asia Nikkei)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI