"Ngôi sao xanh - Gương mặt điện ảnh và truyền hình hôm nay 2019", là giải thưởng thường niên của kênh truyền hình Today TV, chỉ co cụm trong phạm vi phim truyền hình phía Nam. Nhưng cuộc tổng kết cuối năm đang cho thấy web drama ngày càng phát triển, thậm chí còn trở thành “đối thủ đáng gờm” của phim truyền hình thời gian tới.
Khi web drama được vinh danh
Năm 2019 bội thu web drama với đủ thể loại: giang hồ, hành động, trinh thám, cổ trang, hài, tình cảm lãng mạn… Trong đó, đình đám nhất là Trật tự mới, thu hút hàng triệu lượt xem trên kênh YouTube của nghệ sĩ hài Việt Hương. Đây cũng được xem là phần tiền truyện của series web drama Giang hồ chợ mới trước đó. So với nhiều phim chiếu mạng khác, Trật tự mới quy tụ “dàn sao” khá hùng hậu: NSND Hồng Vân, Hứa Minh Đạt, Puka, Hoàng Mèo, Hữu Tín…
|
Web drama Trật tự mới đình đám của nghệ sĩ Việt Hương |
Trong khi đó, Bệnh viện thần ái (đạo diễn Văn Công Viễn) cũng tạo được chú ý với bộ ba diễn viên Thúy Ngân - Quang Trung - Xuân Nghị. Phim dài 16 tập, thay vì phát sóng trên truyền hình, nhà sản xuất YA phim và Nam Việt Media lại chọn cách tiếp cận khán giả mạng (phim đăng tải trên trang YouTube Nhạc Pro tháng 5/2019).
Phim chiếu mạng có lợi thế là không phải qua “ải” kiểm duyệt. Các nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, tương tác nhanh chóng với người xem. Thể loại này ban đầu chủ yếu làm để “vui là chính”, yếu tố hài hước làm chìa khóa giữ chân khán giả: Bà Năm Bống của Duy Khánh, Thắm ơi về đi con của Long Đẹp Trai, Nam Phi liên hoàn kế, Thập tứ cô nương, Anh muốn quên em không? của Nam Thư…
Thời gian qua, khá nhiều web drama đã được đầu tư cả nội dung lẫn hình thức, nhất là các phim hành động, phim dành cho tuổi teen: Săn rồng, Bao lô, Thiếu gia ở đợ, Ê nhỏ lớp trưởng… Khi màn ảnh nhỏ nhiều năm qua hoàn toàn thiếu vắng bộ phim hay về học đường, thì những thước phim chiếu mạng đánh trúng tâm lý của công chúng trẻ. Ở giải thưởng “Ngôi sao xanh“, phim đề tài học đường bước đầu nhận được sự quan tâm của các thành viên ban giám khảo.
Nghệ sĩ hài Việt Hương, diễn viên Huỳnh Lập đều cho biết họ bỏ tiền tỷ để làm web drama. Mức kinh phí dành cho phim chiếu mạng có khi vượt xa tiền đầu tư phim truyền hình.
|
Một cảnh trong Nam Phi liên hoàn kế |
Phim phía Nam cứ mãi "ì ạch"?
Bảy phim truyền hình được đề cử: Ngũ hợi tấn hỷ (Điền Quân Media & Entertainment sản xuất), Cô Thắm về làng 4 (D.I.D TV), Nhà ông hoàng có vàng (hãng phim Hoàng Thần Tài), Hôn lễ mùa thu (IMC – Today TV) và ba phim của hãng TFS: Mùa cúc Susi, Sóng mồ côi, Sóng ngầm không phản ánh hết diện mạo của phim truyền hình Việt 2019.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách lèo tèo vài phim truyền hình phía Nam trong bảng đề cử, chỉ thấy có Cô Thắm về làng 4 ăn khách khi phát sóng vào dịp tết 2018, còn lại, hầu như các phim đều chưa nổi trội.
Web drama chỉ mới thịnh hành tại Việt Nam khoảng hai năm trở lại đây, nhưng phim Việt đã khởi từ phong trào “giờ vàng phim Việt” từ năm 2004. 15 năm sau, truyền thông cho phim gần như trở về vạch xuất phát. Không phải người làm nghề bất tài, thiếu nỗ lực, nhưng ở thời đại số, phim truyền hình không thể chỉ dựa vào khung giờ phát sóng trên các kênh truyền hình. Rating (chỉ số người xem) không còn là thước đo duy nhất, bây giờ còn có lượt views trên YouTube, lượt truy cập trên các đường link phim đã phát sóng.
Mùa cúc Susi vừa khai thác đề tài thế giới ngầm, vừa kể chuyện tình cảm lãng mạn nên có thể chinh phục nhiều đối tượng khán giả. Tiếc là, phim lên sóng khung 22g của HTV9 (quảng cáo rất ít), lại không được tiếp tục phát trở lại trên kênh riêng của hãng phim hoặc nhà đài. Trong khi đó, khán giả muốn xem lại các tập phim của VFC có thể truy cập dễ dàng trang web kênh VTV giải trí.
Những tên phim như Sóng ngầm, Sóng mồ côi… dù được thực hiện bởi các nhà làm phim có nghề, cũng không thể so được bằng sức lan tỏa đại chúng của các web drama: Ghe bẹo ghẹo ai, Tay buôn - buông tay (web drama của Võ Đăng Khoa), Bao lô (của Ngọc Thanh Tâm), Gia đình Mén, Thiên Ý (của Hari Won)…
|
Phim Mùa cúc sushi |
Việt Nam đang trong top 10 các quốc gia dùng Facebook. Các nghệ sĩ làm web drama dùng mạng xã hội quảng bá rất hiệu quả. Theo nghiên cứu của công ty Nielsen, sáu tháng đầu năm 2019, hơn 90% lượng người dùng truy cập các video trực tuyến hằng tuần. Một khảo sát cuối năm 2018 được báo cáo trong khuôn khổ Liên hoan phim truyền hình lần thứ 38, cho thấy số khán giả trẻ còn xem các chương trình, phim ảnh trên ti vi là rất ít.
Mạng xã hội là công cụ khai thác tiềm năng, không chỉ web drama, các youtubers, facebookers, các nhóm cộng đồng cũng có thể tự đưa sản phẩm lên cạnh tranh. Smartphone đang làm nhiệm vụ thay thế ti vi truyền thống. Phim truyền hình phía Nam nếu không nỗ lực tiếp cận khán giả bằng “hướng đi công nghệ”, e rằng sẽ mãi bị lép vế.
Lục Diệp