Đây là lần thứ ba ca khúc này được làm mới lại. Lần này là sự kết hợp của Lionel Richie cùng các ca sĩ trẻ tham gia “American Idol” - cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát nổi tiếng nhất của Mỹ. Đặc biệt hơn, giữa tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức khốc liệt, ca khúc đã được thực hiện đúng với tinh thần “quarantine” (cách ly) khi mỗi nghệ sĩ được thu âm riêng lẻ, không có sự tiếp xúc trực tiếp, sau đó được “mix” lại với nhau tạo thành một bản hợp ca hoàn chỉnh.
Trong suốt lịch sử ra đời và tồn tại của mình, We are the world là ca khúc gắn liền với những ký ức đau thương của nhân loại, từ nạn đói kinh hoàng kéo dài trong giai đoạn 1983 - 1985 tại Ethiopia đến trận động đất ở Haiti năm 2010, và giờ đây là đại dịch Covid-19 đang cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người.
Trong những giờ phút đau thương ấy, We are the world đã luôn vang lên như một khúc ca của tình yêu thương và sẻ chia của nhân loại, để con người nắm chặt lấy tay nhau hơn; tiếp cho nhau sức mạnh cùng vượt qua đói khổ, bệnh tật, thiên tai. Không chỉ có vậy, We are the world cũng là một trong những ca khúc bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới với gần 100 triệu USD doanh thu được quyên góp toàn bộ cho các chương trình hỗ trợ nhân đạo ở châu Phi và Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
35 năm đã trôi qua, bao đau thương rồi cũng dần lùi về quá khứ nhưng We are the world dường như đã mãi mãi trở thành biểu tượng âm nhạc không thể phai mờ trong trái tim người dân Mỹ nói riêng và của toàn nhân loại nói chung.
“Không giúp họ bây giờ, một ngày nào đó chính chúng ta sẽ phải trả giá”
Năm 1983, hạn hán, các cuộc nổi dậy và nội chiến diễn ra liên tiếp ở châu Phi khiến cho hai quốc gia ở phía Đông châu Phi là Eritrea và Ethiopia lâm vào nạn đói thảm khốc nhất trong vòng một thế kỷ. Gần một triệu người đã thiệt mạng.
Trước tình hình đó, Harry Belafonte, một ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhà hoạt động xã hội người Mỹ gốc Jamaica, đã vô cùng đau đớn thốt lên: “Nếu nạn đói ấy xảy ra ở châu Âu, có lẽ cả thế giới sẽ để mắt nhưng điều ấy lại xảy ra tại châu Phi. Chúng ta đừng quên thế giới thứ ba, những quốc gia đang oằn mình trong hạn hán, chiến tranh, bệnh tật và đói khổ. Không giúp họ bây giờ, một ngày nào đó chính chúng ta sẽ phải trả giá”.
Vào thời điểm đó, tại Anh quốc, ca sĩ người Ireland, Bob Geldof cùng các nghệ sĩ nổi tiếng nhất đã tập hợp lại thành một ban nhạc có tên gọi “Band Aid” vừa thực hiện một chương trình thiện nguyện để gây quỹ giúp đỡ những nạn nhân của trận đói kéo dài hai năm lịch sử tại Ethiopia bằng cách chung tay thực hiện ca khúc Do they know it’s Christmas?. Harry Belafonte muốn thực hiện điều tương tự với các nghệ sĩ Mỹ. Ý tưởng cho We are the world ra đời từ đó.
Harry ban đầu đặt hàng Lionel Richie và ca sĩ mù Stevie Wonder nhưng vì Wonder lúc đó quá bận rộn nên Richie mời Michael Jackson, người đang trở thành ngôi sao sáng nhất khi album ngoại hạng Thriller vừa được phát hành và thành công vang dội trên khắp thế giới. Có thể nói, đây là sự kết hợp ngẫu nhiên nhưng lại trở thành một trong những sự kết hợp định mệnh có ý nghĩa quan trọng của lịch sử âm nhạc thế giới.
Ca khúc được sáng tác tại ngôi nhà của gia đình Jackson tại Encino, Hayvenhurst, trong phòng ngủ của Michael. Họ tâm niệm rằng phải viết một ca khúc vừa dễ hát vừa dễ nhớ, một bài hát theo kiểu thánh ca. We are the world đã được hoàn thành trong vòng bảy tuần, vào ngày 20/1/1985.
Việc thu âm ca khúc We are the world có thể nói là một trong những màn kết hợp khó khăn và hy hữu đến mức được nhà sản xuất Quincy Jones ví với việc “phải nhét được quả dưa hấu vào lon nước ngọt”. Quincy đã yêu cầu tất cả những người thực hiện phải kết nối 50 nghệ sĩ nổi tiếng nhất của nước Mỹ lúc bấy giờ cùng xuất hiện trong phòng thu để góp mặt trong ca khúc.
Một cuộc thu âm với quy mô lớn chưa từng có đã diễn ra tại phòng thu A&M tối 28/1/1985, các nhân viên an ninh được huy động tối đa, một “siêu ban nhạc” gồm 50 nghệ sĩ đình đám đã được lập ra với tên gọi tạm thời “USA for Africa”. Một khẩu hiệu đã được dán trước cửa phòng thu “Xin hãy xem lại cái tôi của mình trước khi bước vào”. Và đêm hôm đó, với tất cả tình yêu thương, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, các nghệ sĩ đã mang đến một bản thu âm huyền thoại đầy xúc động.
Đĩa đơn bán chạy nhất trong lịch sử nước Mỹ
Ngày 8/3/1985, We are the world được chính thức phát hành dưới dạng đĩa đơn và ngay lập tức dẫn đầu trên hầu hết các bảng xếp hạng của Mỹ. Trong tuần đầu tiên ra mắt, We are the world đứng ở vị trí thứ 21 trên bảng xếp hạng Hot 100, thứ hạng cao nhất kể từ khi ca khúc Thriller của Michael Jackson mở màn ở vị trí số 20 trên bảng xếp hạng này một năm trước đó. Chỉ mất bốn tuần để bài hát vươn lên vị trí số một. Ca khúc trở thành đĩa đơn nhạc pop bán chạy nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Mặc dù gặt hái được nhiều thành công về thương mại nhưng We are the world chỉ nhận được đánh giá trung bình từ các nhà báo, nhà phê bình âm nhạc sau khi phát hành. Ca khúc được cho là quá đơn điệu, nghe hơi “khẩu hiệu” và khô cứng.
Tuy nhiên, bất chấp những phản biện này, We are the world vẫn liên tục lan tỏa khắp nước Mỹ và lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Hơn 60 triệu USD thu về từ ca khúc và các vật phẩm đi kèm. Một phần lớn số tiền đã được dùng để hỗ trợ những người dân đói khổ, bệnh tật ở châu Phi; phần còn lại dành cho những người đang thiếu đói và vô gia cư ở Mỹ.
Cho tới lúc này, We are the world dường như đã vượt khỏi khuôn khổ của một sản phẩm âm nhạc, với các nghệ sĩ tham gia thực hiện cũng như nhiều người dân. Ca khúc đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ về sự tương trợ và chia sẻ cùng nhau trong cơn hoạn nạn. Dù không quá cầu kỳ về mặt âm nhạc nhưng với những câu hát bình dị, xúc động, ca khúc đã mang những con người thuộc nhiều màu da, hoàn cảnh, địa vị đến gần nhau hơn, xóa đi mọi ranh giới.
Không chỉ dừng lại ở những ý nghĩa và thành công ban đầu, 15 năm sau, We are the world một lần nữa được “làm sống lại” với hơn 75 nghệ sĩ nhằm gây quỹ ủng hộ cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng tại Haiti vào năm 2010 và giờ là giữa đại dịch Covid-19 đang gieo rắc nỗi đau khổ cho con người. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, We are the world đã chứng minh sức sống và sự lan tỏa không chỉ bởi âm nhạc, mà còn bởi ý nghĩa nhân văn và tính đại đồng, khát vọng xoa dịu nỗi đau và hàn gắn thế giới.
35 năm trôi qua, We are the world được công nhận là bài hát có ý nghĩa chính trị quan trọng, đã “tập trung sự chú ý chưa từng có của quốc tế tới các vấn đề tại châu Phi” và tạo ra một xu thế chung để các nghệ sĩ trên toàn thế giới noi theo.
Phiên bản chính thức đầu tiên của We are the world được thu âm bởi các nghệ sĩ (lần lượt theo thứ tự xuất hiện): Lionel Richie, Stevie Wonder, Paul Simon, Kenny Rogers, James Ingram, Tina Turner, Billy Joel, Michael Jackson, Diana Ross, Dionne Warwick, Willie Nelson, Al Jarreau, Bruce Springsteen, Kenny Loggins, Steve Perry, Daryl Hall, Huey Lewis, Cyndi Lauper, Kim Carnes, Bob Dylan, Ray Charles.
Lan Anh