Vứt rác chẳng khác chi ném tiền

02/10/2024 - 06:31

PNO - Cách đây mấy năm, khi đến TP Bremen (Đức), bên cạnh vẻ đẹp cổ kính của thành phố lâu đời này, tôi đặc biệt ấn tượng với dãy thùng rác đầy sắc màu đặt ở các địa điểm công cộng, nơi đông dân cư.

Người Đức để dãy thùng rác nhiều màu - thường có 6 màu - không phải để trang trí cho bắt mắt mà để người dân dễ dàng bỏ vào đó các loại rác tương ứng. Ví dụ, thùng màu xanh để đựng giấy, màu đen đựng rác không thể tái chế. Với quy ước rõ ràng như vậy, cư dân của Bremen - kể cả trẻ em - dễ dàng phân loại rác. Chính quyền thành phố này cũng có chế tài nghiêm khắc cho các hành vi cố tình vi phạm. Nhờ vậy, Đức là quốc gia dẫn đầu về công nghệ tái chế và xử lý rác và thu được hàng tỉ USD từ rác mỗi năm.

Từ 2 năm trước, Tổ chức Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng, Việt Nam lãng phí gần 3 tỉ USD/năm do không tái chế rác thải nhựa sinh hoạt và lãng phí hơn 30 tỉ USD/năm do có khoảng 70% rác thải hữu cơ không được tái chế. Con số ước tính này dựa trên tổng lượng rác thải mỗi năm chỉ khoảng 27 triệu tấn. Dự báo đến năm 2030, lượng rác thải mỗi năm ở Việt Nam sẽ tăng lên 54 triệu tấn, con số lãng phí sẽ càng tăng lên. Từ những dữ liệu trên, ta thấy vứt rác chẳng khác chi ném tiền.

Các loại thùng rác ở Đức (Nguồn: Grasshopper files)
Các loại thùng rác ở Đức (Nguồn: Grasshopper files)

Để biến rác thành tiền, điều cần làm đầu tiên là hoàn thiện hạ tầng thu gom và xử lý rác. Ngay ở đô thị phát triển như TPHCM, chúng ta vẫn còn bắt gặp những chiếc xe tự chế kéo theo một thùng sắt cũ kỹ để thu gom rác. Tất cả rác đều được dồn chung vào một thùng chứa, chở đến điểm trung chuyển, sau đó đến nhà máy rác. Với hạ tầng và phương pháp thu gom như hiện nay, dù người dân có chủ động phân loại rác tại nguồn, cũng không mang lại hiệu quả gì rõ rệt.

Cùng với đó, công nghệ xử lý rác của Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu. Từ khoảng 10 năm trước, chúng ta đã triển khai nhiều dự án đốt rác phát điện với kỳ vọng sẽ thu được hàng tỉ USD từ “điện rác”. Nhưng đến nay, các dự án trên vẫn đang được triển khai khá ì ạch. Điều cần làm ngay đó là, sớm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế để các nhà máy này sớm hoạt động nhằm biến rác thành năng lượng.

Với rác thải hữu cơ, hiện nay, đã có rất nhiều công nghệ hiện đại có thể tái chế chúng thành khí đốt, phân bón. Việt Nam đang có nguồn rác thải hữu cơ rất lớn, nhưng do không được thu gom, xử lý bài bản, bị nhập chung với các loại rác thải khác nên chúng tạo áp lực xử lý rất lớn. Nếu phân loại và có công nghệ xử lý rác thải hữu cơ thành khí đốt, phân bón, áp lực sẽ giảm, đồng thời thu được nguồn lợi cực lớn. Để giảm gánh nặng cho ngân sách, Nhà nước có thể tạo cơ chế để kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

Một trong những khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác ở các đô thị Việt Nam là nhiều nơi đông dân, đường hẻm nhỏ chằng chịt nên các xe thu gom rác chuyên dụng khó hoạt động. Giải pháp là ngành môi trường có thể bố trí các lò xử lý mini bằng công nghệ đốt ngay tại các khu dân cư này. 1 lò đốt mini có thể xử lý 1 tấn rác/ngày, sẽ giúp giảm áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển và cả xử lý ở các nhà máy lớn.

Giải pháp cuối cùng - cũng được xem là then chốt - đó là truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường và phân loại rác tại nguồn. Công tác này phải được chú trọng từ trong mỗi gia đình, mỗi trường học và bắt đầu từ những điều gần gũi nhất. Phải làm sao để trẻ em biết yêu thiên nhiên, biết uống xong hộp sữa thì bỏ vào thùng rác nào.

Chỉ khi giáo dục được một thế hệ trẻ biết yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường thì mai sau, chúng ta mới có được những “công dân xanh” và những “sáng kiến xanh” để góp phần làm cho môi trường thêm xanh.

Vũ Ngọc Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI