Vứt đồ đạc để đổi lấy hạnh phúc

15/04/2016 - 07:00

PNO - Sống với những vật dụng tối thiểu, khi cần có thể nhét tất cả trong một chiếc balô đang là con đường đến với hạnh phúc được nhiều người lựa chọn.

Minimalism - sống tối giản là phong cách sống được 2 anh chàng người Mỹ Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus thổi bùng thành trào lưu vào đầu thập niên 2010.

Millburn và Nicodemus, cùng 34 tuổi, đã viết 2 cuốn sách kể lại câu chuyện của chính mình, rằng họ lớn lên trong nghèo khó như thế nào ở Ohio, có công việc với mức lương 6 con số khi chưa đi hết tuổi 20, bước vào cuộc đua tồn tại của con người, nhận ra mình không hề hạnh phúc và thực sự vứt bỏ gần như tất cả để sống cuộc đời trên chiếc xe lưu động.

Vut do dac de doi lay hanh phuc
Ryan Nicodemus và Joshua Fields Millburn - người sáng lập theminimalists.com. Ảnh: thedeliciousday

Millburn, Nicodemus chỉ là hai trong hàng ngàn người theo chủ nghĩa tối giản. Họ tống khứ những thứ vật chất không sử dụng hoặc không cần, để dành không gian và thời gian cho những thứ mà họ cho là quan trọng nhất: gia đình, bạn bè, trải nghiệm, sở thích.

Millburn và Nicodemus khởi tạo trang web về Minimalism vào tháng 12/2010 chỉ với 52 người truy cập mỗi tháng. Năm 2014, họ có hơn 2 triệu lượt truy cập và hàng trăm ngàn người theo dõi trên mạng xã hội.

Con đường dẫn tới minimalism của họ bắt đầu vào tháng 10/2009 khi mẹ Millburn đột ngột qua đời cùng lúc cuộc hôn nhân của anh kết thúc. Thời điểm đó Millburn đang điều hành 150 cửa hàng viễn thông ở miền trung nam Ohio. Anh có một căn nhà 3 phòng ngủ, 70 chiếc áo sơ mi hiệu Brooks Brothers. Ở tuổi 28, anh không có đòi hỏi gì hơn về mặt tài chính. Nhưng chỉ trong một tháng, những biến cố dồn dập đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Millburn.

"Tôi có mọi thứ tôi muốn nhưng không hạnh phúc" - Millburn phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Time.

Vut do dac de doi lay hanh phuc
Những ngôi nhà minimalism thường là những ngôi nhà với rất ít đồ dùng, gọn gàng và sạch sẽ. Ảnh: iStock

Không lâu sau đó, Millburn phát hiện ra Colin Wright - một người đi vòng quanh thế giới với hành trang chỉ gồm 51 vật dụng, đựng vừa trong một chiếc balô gọn nhẹ. Trong khi phần lớn chúng ta sở hữu hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn vật dụng. Khi đó, Millburn bắt đầu kết nối những người có lối sống tương tự và quyết định thử nghiệm.

Anh khởi đầu thận trọng với quy tắc mỗi ngày loại bỏ 1 thứ, trong vòng 1 tháng. Anh loại bớt áo sơ mi. Chia tay bộ sưu tập DVD. Thanh lý TV. Bán giày. Tiếp đó là vật dụng nhà bếp, đồ điện, một số tác phẩm nghệ thuật có tính trang trí. Anh chuyển tới một căn nhà nhỏ hơn và thuyết phục Nicodemus - người bạn thân từ hồi lớp 5 - làm điều tương tự.

2 người chuyển tới Montana, gọi mình là những người theo chủ nghĩa tối giản và viết sách về nó. Họ kết bạn với Joshua Becker - một người đàn ông 2 con ở Arizona, theo đuổi lối sống tối giản từ năm 2008 sau khi nhận ra anh dành nhiều thời gian để dọn dẹp garage hơn là chơi với con và cuộc chạy đua mua sắm với những người xung quanh là vô nghĩa.

Không thể phủ nhận, những người Minimalism đang là bằng chứng sống cho kết quả của hàng chục cuộc nghiên cứu: Sở hữu vật chất không mang lại cho chúng ta hạnh phúc.

Giáo sư tâm lý Đại học Cornell Thomas Gilovich - người đã nghiên cứu về hạnh phúc trong mối quan hệ với trải nghiệm và sở hữu hơn thập kỷ qua - cho biết có 3 lý do tại sao làm một điều gì đó mang lại cảm giác hài lòng và khoan khoái hơn sở hữu vật chất: trải nghiệm trở thành một phần định danh của chúng ta, chúng thúc đẩy kết nối xã hội và không gây ra tâm lý ghen tỵ mà chúng ta thường có khi nghĩ tới vật chất của người khác.

Vut do dac de doi lay hanh phuc

Như trên trang web của mình, Millburn và Nicodemus viết, sống tối giản là công cụ giúp bạn tìm thấy tự do thực sự trong nền văn hóa tiêu dùng mà con người hiện đại đang mắc kẹt. Sở hữu vật chất không có gì là sai trái. Vấn đề ngày nay là chúng ta khoác lên những ngôi nhà to, chiếc xe đẹp, máy tính xịn,... quá nhiều ý nghĩa. Với không ít người, đó là bộ mặt, là danh dự, là khoái cảm thích thú khi thấy mình trên cơ và khiến người khác phải thèm thuồng. Khi đó, chúng ta đã bỏ quên sức khỏe, mối quan hệ, niềm đam mê đích thực.

Sống đơn giản khiến chúng ta tốn ít chi phí hơn và từ đó không cần kiếm nhiều tiền để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Thay vào đó, dành thời gian cho bản thân, gia đình. Tiền bạc được tiêu vào việc mua trải nghiệm, thực hiện những hoạt động yêu thích. Có ít đồ vật hơn cũng khiến cho nhà cửa gọn gàng, giảm thời gian dọn dẹp và có không gian rộng rãi hơn.

Vut do dac de doi lay hanh phuc

Tuy nhiên, từ bỏ lối sống dựa vào vật chất, đi ngược với tâm lý thông thường của xã hội không phải là điều dễ dàng. Như Đức Giáo Hoàng Francis từng nói: "Nếu chúng ta cần can đảm để hạnh phúc thì chúng ta cũng cần can đảm để sống đơn giản".

Phương Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI