Theo dõi hành trình những hộp dâu đi từ vườn đến tay người tiêu dùng, chúng tôi thấy chuyện thất thoát, hư hỏng là khó tránh khỏi. Những trái dâu mới thu hoạch thường bị phơi dưới nắng trong nhiều giờ liền trước khi chở về kho. Dâu được tuyển chọn, đóng hộp trong kho mát và được đưa lên xe lạnh.
Sau trên dưới sáu giờ vận chuyển từ Đà Lạt về TP.HCM, những hộp dâu thường bị “bỏ mặc” ở nhiệt độ phòng từ 2-3 giờ, chờ kiểm hàng, trước khi được đưa vào kho lạnh. Rồi chúng lại phải qua nhiều công đoạn mà nhiệt độ không ổn định trước khi đến tay người dùng.
Thất thoát do thiếu cung ứng lạnh - mát
Trái cây, rau quả, thịt cá ở Việt Nam đều trải qua hành trình “nóng - lạnh” thất thường như thế. Ở các chợ, cách “đông lạnh” thực phẩm quen thuộc là thùng xốp và đá cây. “Đá này lâu tan lắm, nên đến sáng mai, mở ra, thịt gà vẫn tươi ngon, yên tâm”.
Vừa nói, chị Thu - chủ cửa hàng gia cầm sống ở chợ Hiệp Thành, Q.12, vừa nhanh tay cho những tảng đá to vào thùng xốp, rồi cho những con gà mới được giết mổ, rửa qua loa vào thùng, dán lại bằng băng keo.
|
Thất thoát rau củ quả thường xảy ra trong quá trình sản xuất - ảnh: internet. |
Theo CEL Consulting (một công ty tư vấn và đào tạo trong lĩnh vực quản trị cung ứng đầu tiên ở Đông Nam Á, thành lập năm 2005), thực phẩm trong chuỗi cung ứng lạnh trung bình được kiểm soát 14 lần: từ sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, bán lẻ.
Như bông cải xanh phải trải qua 39 bước kiểm soát trong chuỗi cung ứng lạnh, trong đó có tới 23 lần ở khâu khai thác và 21 lần trong toàn chuỗi trước khi đến tay người tiêu dùng. Nếu kiểm soát nhiệt độ sản phẩm ở một bước không đúng, thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng cả lượng và chất, thậm chí cả tính an toàn.
Tại Úc, ước tính thực phẩm nhiễm khuẩn đã gây ra khoảng 5,4 triệu trường hợp viêm dạ dày - đường ruột mỗi năm. Việt Nam chưa có thống kê, nhưng cũng không phải hiếm.
Theo một báo cáo năm 2011 của Tổng cục Môi trường Việt Nam, lượng thực phẩm thất thoát trên toàn chuỗi khoảng 5,75 triệu tấn mỗi năm. Một trong những nguyên nhân là do diện tích trồng trọt ở Việt Nam rất manh mún. 90% diện tích trồng trọt là của các hộ nông dân, phần lớn dưới 0,5 ha/hộ.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây thất thoát thực phẩm lớn nhất là do thị trường logistics - cung ứng lạnh - mát khá phân mảnh, chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa, nhỏ và chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm.
Cung ứng lạnh xuất hiện trên thế giới từ 140 năm trước, nhưng vẫn rất mới mẻ tại Việt Nam. Trong 10 năm qua, năng lực phục vụ trong cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam tăng bốn lần. Các cơ sở hạ tầng trong cung ứng lạnh - mát thường hoạt động với công suất trên 90% nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Theo nguyên tắc trữ lạnh, thực phẩm cần được trữ ở nhiệt độ mát ngay sau khi thu hoạch. Nhưng hiện nay, phòng đông lạnh và xe lạnh còn khá xa lạ với nông dân, thậm chí chiếc tủ lạnh còn là thiết bị “xa xỉ”. Vì vậy, phần lớn thịt cá, rau quả, sau khi thu hoạch, đều được xử lý ngoài trời và nằm chờ xe.
Cung ứng lạnh tại Việt Nam còn manh mún, đặc biệt trên thị trường thực phẩm tiêu thụ nội địa do nhận thức lẫn kiến thức của người trong ngành chưa đầy đủ. Nhiều nhà phân phối hiện sử dụng xe lạnh không đúng cách - vừa tốn chi phí, vừa không đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Chẳng hạn, thực phẩm ướp lạnh được lấy ra hoặc gửi đi phải giữ ở nhiệt độ từ 5°C - 15°C, trong điều kiện phòng có điều hòa làm lạnh, thời gian đặt ngoài môi trường lạnh tối đa là 20 phút. Tại Việt Nam, thực phẩm vẫn bị phơi ngoài trời hay khu vực lạnh quá 20 phút hay thậm chí vài giờ để hoàn tất thủ tục kiểm hàng. Việc hư hỏng, dẫn đến thất thoát, biến chất thực phẩm là tất yếu.
Theo các chuyên gia về cung ứng lạnh, thùng xốp dùng trữ thực phẩm đông lạnh, tái sử dụng nhiều lần, thường chứa nhiều vi khuẩn.
Đá cây cũng được khuyến cáo là không đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Mặt khác, thực phẩm đã có nguy cơ nhiễm bẩn trước đó, do được sơ chế ngoài trời, không đảm bảo nhiệt độ phù hợp.
Nếu được rã đông “dã chiến” ở nhiệt độ phòng, có khả năng sẽ nhiễm khuẩn rất cao.
|
Tại hội nghị cung ứng lạnh toàn cầu 2018, tổ chức ở TP.HCM mới đây, ông Julien Brun, thuộc CEL Consulting, cho biết: thất thoát thực phẩm ở Việt Nam cần được cải thiện bằng công nghệ bảo quản lạnh - mát trên toàn chuỗi.
Tuy nhiên, cần nghĩ đến các giải pháp chi phí thấp, phù hợp với người nông dân, ví dụ như sáng kiến sử dụng tấm cách nhiệt chuyên dụng - ứng dụng trong vận chuyển thủy sản toàn quốc, trong một số tập đoàn bán lẻ khu vực Đông Nam Á, giúp tiết kiệm chi phí 15-30% so với giải pháp xe lạnh thông thường.
Theo khảo sát của CEL, hiện chỉ có khoảng 14% nhà nông ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh. Đáng mừng là, đã có 23,1% hộ nông dân cho biết, có ý định đầu tư và ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh - mát để giảm thất thoát.
Câu chuyện về tình yêu thực phẩm
“Tất cả thực phẩm hết hạn sử dụng đều phải vứt vào thùng rác hoặc dùng làm phân bón. Kể cả thức ăn còn vài tiếng nữa mới hết hạn cũng không dám cho nhân viên hoặc người nghèo để tránh phải chịu trách nhiệm nếu có vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm” - một nhân viên bán hàng ở cửa hàng Circle K, trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, chia sẻ.
Để tận dụng nguồn thức ăn nhanh dư thừa, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hồng Kông…có các chiến dịch “Giải cứu thực phẩm” - hệ thống thu gom và bán giảm giá thức ăn vào cuối ngày.
Đan Mạch còn có “ngân hàng thực phẩm”, chuyên liên hệ với các siêu thị, công ty sản xuất thực phẩm xin sản phẩm bị loại bỏ để tặng hay bán rẻ trên xe lưu động cho người nghèo, người vô gia cư.
Tổ chức Bàn tròn chuyên liên hệ với các đơn vị tổ chức lễ tiệc, xin thực phẩm thừa sau những buổi lễ, rồi tặng các nhà nuôi người vô gia cư, trung tâm cứu trợ hay tị nạn.
Ở một đất nước có đến 21% trẻ em nông thôn bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn như Việt Nam, việc các cửa hàng thức ăn nhanh, cửa hàng tiện lợi hoặc các nhà hàng vứt bỏ thực phẩm là một sự lãng phí quá lớn.
Đặc biệt là ở các nhà hàng tiệc cưới, thức ăn thường dư với khối lượng lớn. Việc lãng phí thức ăn không chỉ do nhà sản xuất mà cả từ ý thức người dân.
Dễ thấy ở những buổi tiệc buffet, thói quen của rất nhiều người Việt là lấy thức ăn nhiều hơn nhu cầu, sau đó bỏ lại.
Tất cả những thức ăn thừa này đều sẽ phải bỏ vào thùng rác.
|
Ở Philippines còn có dịch vụ chuyên thu gom, phân loại thực phẩm còn dùng được từ thùng rác, rồi chế biến lại thành các phần thức ăn miễn phí cho người nghèo. Có lẽ chúng ta cũng cần những dịch vụ giải cứu thực phẩm như thế.
Vấn đề lãng phí thực phẩm ở người dùng cuối cũng đã được các chuyên gia nhắc đến tại hội nghị cung ứng lạnh toàn cầu 2018. Chất thải thực phẩm là nguồn thải khổng lồ đối với tài nguyên thiên nhiên và gây ra các tác động tiêu cực về môi trường.
Những bãi tập kết rác tập trung la liệt các loại rác thải từ thực phẩm, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Người dân Việt Nam hiện chưa có hoặc rất ít ý thức phân loại rác, nên cứ thừa là quăng, bất kể rác vô cơ hay hữu cơ.
Lãng phí thực phẩm còn do ta kém hiểu biết trong việc bảo quản. Đơn cử là việc sử dụng túi ni-lông bọc kín thực phẩm - khá phổ biến tại các chợ, siêu thị, khiến thực phẩm bị “ngộp thở” và không còn tươi ngon.
Nhiều trường hợp, chúng ta vứt đi những thực phẩm còn dùng được, vì nhầm lẫn giữa hai khái niệm “Best before” và “Expiry date”. “Best before” là khái niệm nhằm chỉ chất lượng thực phẩm hơn là độ an toàn. Đây là ngày cuối cùng mà sản phẩm vẫn đạt chất lượng tốt nhất, rồi giảm dần sau đó. Còn “Expiry date” là ngày thực phẩm không còn chất dinh dưỡng hoặc có thể phát sinh nấm mốc hay chất bất lợi. Ta hoàn toàn có thể ăn các thực phẩm đã qua ngày “Best before”, dù chúng không còn giữ được hương vị thơm ngon nhất.
So với các nước phát triển, tỷ lệ lãng phí thực phẩm ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, vì ta chủ yếu dùng đồ tươi sống.
Tuy nhiên, cùng với xu hướng đô thị hóa, Việt Nam đang tiến dần đến cuộc sống công nghiệp - thực phẩm đóng hộp sẽ ngày càng nhiều hơn trên thị trường, thực phẩm tươi sống ngày càng thu hẹp và tăng giá.
|
Cùng với cam kết giảm 10% thất thoát thực phẩm vào năm 2020 do các nhà lãnh đạo APEC đưa ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ giảm 10% thất thoát, lãng phí ở nhiều sản phẩm như lúa gạo, rau quả, trái cây... Đó không chỉ là để đảm bảo an ninh lương thực mà là sự gắn bó của nông dân với đồng ruộng và tình cảm của người tiêu dùng đối với thực phẩm.
Hiện nay, do thất thoát lớn, giá trị mà người nông dân nhận được khá thấp. Nếu giảm được thất thoát, nông dân sẽ có niềm tin với sản xuất và đời sống của họ sẽ được cải thiện.
Nếu các nhân tố tham gia trên chuỗi cung ứng lạnh, chuỗi thực phẩm nội địa tại Việt Nam cùng hành động, xây dựng nhận thức và tính chuyên nghiệp trong vận hành, người nông dân chắc chắn sẽ nhận về nhiều hơn so với mức họ đã bỏ ra trong quá trình sản xuất, và cũng sẽ bớt những câu chuyên bên lề như nông dân từng chia sẻ: “Đơn hàng khi giao bị rút ruột tầm 3-5% trong quá trình vận chuyển, khi thu hoạch trên đồng bị mất tầm 15-20%, khi kiểm đếm, cân đong, lại mất thêm một ít...”.
So với các nước phát triển, tỷ lệ lãng phí thực phẩm ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, vì ta chủ yếu dùng đồ tươi sống. Tuy nhiên, cùng với xu hướng đô thị hóa, Việt Nam đang tiến dần đến cuộc sống công nghiệp - thực phẩm đóng hộp sẽ ngày càng nhiều hơn trên thị trường, thực phẩm tươi sống ngày càng thu hẹp và tăng giá.
Viễn cảnh đó, chúng ta có thể thấy ở Philippines - quốc gia trồng được những giống xoài rất ngon, nhưng lại ít người được sử dụng những trái xoài tươi, giá đắt đỏ. Việt Nam có muốn rơi vào hoàn cảnh khan hiếm thực phẩm tươi sống như Philippines hay không, điều đó phụ thuộc vào những hành động của chúng ta ngay lúc này.
Theo ông John Mandyck, Phó chủ tịch về Phát triển bền vững của UTC, chúng ta hiện đã sản xuất đủ thực phẩm nuôi sống 10 tỷ người (so với gần 7,5 tỷ người hiện có).
Còn theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), hiện có đến 25% lượng thực thực phẩm đang bị lãng phí và thất thoát. Lượng thực phẩm đang bị thất thoát và lãng phí này có thể nuôi sống 870 triệu người.
Nghiên cứu mới đây của CEL Consulting cho biết, hiện tỷ lệ thất thoát rau củ quả và trái cây mỗi năm là 31,8% (tương đương 7,3 triệu tấn), thịt là 14% (tương đương 694 ngàn tấn), thủy hải sản là 11,8% (tương đương 804.000 tấn).
Đây chỉ là mức thất thoát tính từ khâu trồng trọt, sản xuất, vận chuyển, đến khâu chế biến, chưa bao gồm thất thoát từ khâu phân phối, chế biến đến khâu bán lẻ, tiêu dùng.
Thất thoát rau củ và trái cây chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất, tương ứng với 25,5%, do nhiều nguyên nhân như sâu bệnh, hạn hán, hư hỏng và tuyển chọn khi thu hoạch. Thất thoát sau thu hoạch chỉ chiếm 6,3% do vận chuyển, lưu trữ, bốc dỡ, đóng gói chưa phù hợp.
Đối với sản phẩm thịt, súc sản, thất thoát ở khâu sản xuất chiếm 12%, do tiêm chủng, chăn nuôi hay chuồng trại chưa phù hợp. Thất thoát trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, bốc dỡ chỉ chiếm 2%.Thất thoát thủy hải sản trong quá trình đánh bắt, nuôi chiếm 9,9% và thất thoát sau đánh bắt là 1,9%.
So với dữ liệu thất thoát nông sản tại Đông Nam Á của FAO, tỷ lệ thất thoát tại Việt Nam cao hơn 5,3% so với các nước. Nếu quy đổi mức thất thoát này thành tiền, hằng năm, chúng ta thất thoát khoảng 3,9 tỷ USD, hay 2% GDP cả nước - tức 12,1% GDP ngành nông nghiệp.
|
Xuân Lộc