Trong tâm trí tôi, vùng núi Đại Bình chỉ là những ngọn núi xa xa mà tôi thường thấy khi nhìn qua cửa sổ xe trên hành trình đi Đà Lạt, lúc ngang qua Bảo Lộc. Dù rất mê ngắm cảnh đẹp ở những ngọn núi này mỗi khi đi ngang, tôi chưa bao giờ nghĩ về việc đi đến đó, chưa nói đến chuyện leo lên đỉnh và ngủ lại qua đêm.
Chính vì vậy, khi tình cờ nhìn thấy trên Facebook một cô bạn đăng tấm ảnh cô ấy tạo dáng trên đỉnh núi với mây bay lờ lững dưới chân, trong ánh bình minh rực rỡ, kèm lời chú thích "Bình minh trên đỉnh Đại Bình", tôi ngạc nhiên vô cùng và lập tức nhắn tin hỏi thông tin nơi bạn mình.
Hóa ra, chuyện lên đỉnh núi Đại Bình bây giờ dễ hơn rất nhiều so với những gì tôi từng nghĩ. Nhờ việc có một nhóm người yêu thiên nhiên đã tìm lên và xây dựng một khu lưu trú ở gần đỉnh núi nhằm phát triển du lịch xanh và trồng rừng, hành trình chinh phục đỉnh núi đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Sau khi liên hệ với đơn vị sáng lập Up Base Camp, khu lưu trú trên núi, tôi càng yên tâm hơn khi được biết từ khi đón khách, trong số du khách đến ở, có đến 60% là nữ, chứng tỏ rằng phái đẹp hoàn toàn có thể chinh phục đỉnh núi này.
|
Đặc sản núi rừng qua tay các đầu bếp người Mạ |
Bước vào “con đường đau khổ”
Xe của đơn vị lữ hành đón chúng tôi ở Sài Gòn và khởi hành lúc 7g sáng thứ Bảy. Tại trạm dừng chân đầu tiên ở TP.Bảo Lộc, chúng tôi được thưởng thức bữa ăn miền núi đầu tiên với những món ăn dân dã do gia đình người dân tộc Mạ chủ nhà chiêu đãi. Rất nhiều món có xuất xứ từ mảnh vườn phía sau nhà.
Sau khi ăn uống và nghỉ ngơi, đoàn chúng tôi tiếp tục lên xe để đi thêm một đoạn đường ngắn nữa vào điểm tập kết chuẩn bị lên núi. Thời tiết Bảo Lộc hôm đó vô cùng mát mẻ, nắng sớm không quá gắt đã giúp con đường lên núi của chúng tôi bớt vất vả ít nhiều.
Khác với hình dung của tôi về hành trình leo núi thông thường sẽ phải băng rừng, vượt suốt, đường lên đỉnh Đại Bình thoạt trông có vẻ dễ dàng hơn. Trước mắt chúng tôi là một con đường mòn đất đỏ. Thế nhưng, chỉ mới sau khoảng 100m đi bộ và ngắm cảnh, một con dốc cao và dài xuất hiện trước mắt chúng tôi. Anh chàng hướng dẫn viên đùa rằng, mọi người ở đây gọi đó là con dốc “khởi nghiệp”, báo hiệu một hành trình đầy gian truân.
|
Những ngọn đồi bên dưới khi nhìn từ khu vực nghỉ đêm |
|
Con đường mòn lên núi thơ mộng |
Dốc “khởi nghiệp” không chỉ dài mà còn có độ dốc cao, khiến tôi phải liên tục dừng lại để nghỉ ngơi lấy sức. Thật may mắn là cảnh bên đường rất đẹp khiến chúng tôi luôn kiếm được lý do để dừng chân. Khi thì để ngắt những quả mâm xôi chín mọng ven đường nhấm nháp, lúc lại chụp ảnh bên những bụi hoa dại ven đường. Dã quỳ, loài hoa từng khiến tôi cứ đến những ngày cuối năm lại nôn nao lên Đà Lạt để chụp ảnh, hóa ra lại đang nở vàng rực trên suốt con đường lên núi.
Sau khoảng hơn hai giờ vừa đi vừa nghỉ ngơi và chụp ảnh, trạm dừng chân, căn nhà bên sườn núi, đã hiện ra trước mắt chúng tôi, lối đi vào nhà là con đường nhỏ với hàng giậu trồng nhiều loại hoa và rau quả. Phía sau nhà, khói bếp đang bốc lên trong nắng chiều tạo nên một cảnh tượng bình yên đời thường đẹp đến nao lòng.
Về với thiên nhiên
So với nhiều hành trình du lịch băng rừng lội suối khác, ưu điểm của hành trình mà tôi đi có lẽ chính là sự hiện diện của một chốn nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe giữa nơi núi rừng hoang vắng với đầy đủ tiện nghi. Hệ thống nước nóng dùng năng lượng mặt trời giúp tôi nhanh tróng trút bỏ những mệt mỏi và bụi bặm trên đường để thoải mái đón chờ những thử thách kế tiếp của ngày hôm sau.
Khi màn đêm vừa buông xuống, chúng tôi ngồi quây quần bên mâm cơm đẫm hương vị núi rừng, tranh thủ những giờ phút quý giá mà trại mở điện (từ 18 - 21g hằng ngày) để sạc pin cho điện thoại di động, đồng thời cũng nạp năng lượng cho cơ thể với những món ăn độc đáo nơi núi rừng do đầu bếp địa phương chế biến.
Không chỉ có vậy, chúng tôi còn được chiêu đãi bằng những câu chuyện lý thú từ anh Bùi Văn Ngợi, người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Được biết, anh Ngợi cũng là một trong những người góp phần vào việc phát triển du lịch nơi đây.
Đêm xuống, chúng tôi về lều của mình, tranh thủ chụp vài tấm ảnh "sống ảo" với bầu trời đầy sao mà khi ở nơi phố thị thường bị ánh sáng nhân tạo át mất. Cũng nhờ không còn ánh điện, chúng tôi đã được thỏa thích ngắm nhìn hàng đàn đom đóm bay lập lòe quanh khu trại. Một cảnh tượng khơi dậy ký ức tuổi thơ ở quê nhà mà đã lâu lắm rồi tôi không được chiêm ngưỡng.
Chẳng có gì lạ khi lũ trẻ con, bạn đồng hành trong đoàn của tôi, vô cùng phấn khích khi lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy những con đom đóm vốn chỉ được nhắc đến trong sách vở.
|
“Sống ảo” dưới bầu trời sao và ánh đèn pin |
Đón bình minh trên đỉnh núi
Tờ mờ sáng hôm sau, như đã hẹn trước, hướng dẫn viên đánh thức chúng tôi, khởi động nhẹ nhàng để tiếp tục hành trình lên đỉnh núi "săn mây" cho kịp bình minh. Đường lên đỉnh núi hôm nay khác hẳn chặng đường chiều qua khi đúng là có những lúc chúng tôi phải bỏ lối mòn và xuyên qua các bụi cây để đi lên.
Độ dốc của hành trình sáng nay khó gấp bội phần chiều hôm trước, dù là buổi sớm trời rất lạnh nhưng tôi đã vã mồ hôi như tắm. Tuy nhiên, sau bao nỗ lực vượt lên chính mình, chúng tôi đã chạm đỉnh núi vừa kịp lúc bình minh.
Đứng trên đỉnh núi, hít một hơi dài đầy lồng ngực bầu không khí trong lành, phóng tầm mắt qua biển mây để đón những tia nắng đang dần ló dạng phía xa, chúng tôi quên hết cả mệt nhọc, chỉ muốn được ở nơi này càng lâu càng tốt.
|
Đón tia nắng đầu tiên của bình minh trên đỉnh núi |
Ngắm mây chán chê, chúng tôi trở về trại, ăn sáng và háo hức bước vào một hành trình mới không kém phần thách thức: vượt thác. Trang bị những đôi giày chuyên leo vách đá và đeo đồ bảo hộ xong, chúng tôi đi theo người hướng dẫn tìm đường đến một trong số hơn chục ngọn thác nằm rải rác trên núi. Đây cũng là một trải nghiệm mà bạn không nên bỏ qua.
Ở trải nghiệm không dành cho những ai yếu tim này, bạn sẽ vừa được tắm mình trong làn nước trong mát chảy từ trên đỉnh núi xuống, vừa được thử thách bản thân bằng màn leo ngược vách đá cao gần 10m để lên đỉnh thác. Một thử thách chắc chắn sẽ đem đến cho bạn niềm vui và hãnh diện rất lớn khi có thể lên đến đỉnh thành công.
|
Cảm giác mây trôi lững lờ dưới chân và khắp xung quanh sẽ khiến bạn nhớ mãi |
Sau khi tắm thác, chúng tôi lại tiếp tục được chiêu đãi bữa trưa thịnh soạn từ núi rừng trước khi xuống núi. Chia tay những chủ nhà hiếu khách, chúng tôi hẹn ngày trở lại để khám phá thêm nhiều ngọn thác, đỉnh núi nữa trên dãy Đại Bình. Ở lần hẹn tới, chúng tôi sẽ rủ thêm nhiều bạn bè để trồng thật nhiều cây xanh, góp phần giữ môi trường sống trong lành cho vùng đất bình yên này.
Để chinh phục đỉnh Đại Bình, bạn có thể chọn đi thẳng lên Bảo Lộc, tìm đường đến nhà đón khách ở chân núi Đại Bình rồi gửi xe và đi bộ lên núi. Chi phí ăn ở cho một ngày đêm trên núi kèm hướng dẫn viên đi “săn mây” và vượt thác khoảng 1.500.000 đồng/người.
Bạn cũng có thể đi theo tour có xe đưa rước và hướng dẫn viên từ Sài Gòn (Công ty TropiAd - 75 Trần Khánh Dư, Q.1, TP.HCM) với chi phí 2.800.000 đồng/người.
Đặc biệt, với mỗi khách tham quan đến Up Base Camp, đơn vị này cam kết sẽ trồng một cây để phủ xanh núi rừng.
Trải nghiệm làm trà
Bên cạnh hành trình “săn mây”, đến Đại Bình, du khách còn có thể đăng ký tham gia một hành trình trải nghiệm khác thú vị không kém: lên đỉnh một ngọn núi khác cũng thuộc dãy Đại Bình và ở lại qua đêm tại nhà người dân tộc bản xứ để chinh phục thử thách “săn mây” ở một góc nhìn khác. Ở hành trình này, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu và tham gia trực tiếp vào quá trình từ thu hoạch cho đến chế biến trà thành thành phẩm. Đây cũng là một điều không nên bỏ qua vì Bảo Lộc chính là một trong những địa phương sản xuất trà nổi tiếng của Việt Nam. Bạn sẽ được hướng dẫn chọn những búp trà ngon nhất, sau đó học cách sơ chế và sấy trà trên chảo. Cuối cùng, bạn sẽ được mang những sản phẩm của mình về để làm món quà đầy ý nghĩa cho bạn bè, người thân.
Hoàng Khánh.
Ảnh: Sơn Trần