Vượt qua stress trong mùa giãn cách

24/06/2021 - 06:37

PNO - Thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nếu mỗi người không biết điều chỉnh cảm xúc cũng như duy trì lối sống điều độ sẽ dễ bùng nổ các cuộc xung đột trong gia đình. Đó còn chưa kể tới các di chứng do sự hạn chế giao tiếp gây ra.

 

Các gia đình nên duy trì nhịp sinh hoạt điều độ  cho các thành viên để cùng nhau vượt qua những ngày giãn cách chống dịch
Các gia đình nên duy trì nhịp sinh hoạt điều độ cho các thành viên để cùng nhau vượt qua những ngày giãn cách chống dịch

Bức bối vì ở mãi trong nhà

T.H.N, 47 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú, TPHCM là nạn nhân của chính mình trong đợt giãn cách xã hội lần này. Suốt 14 ngày giãn cách vừa qua, anh và vợ con chỉ có thể ở nhà. Vợ chồng anh có cửa hàng kinh doanh đồ nội thất nhưng phải tạm đóng cửa. Tuy vậy, anh N. vẫn phải gồng tiền mặt bằng mỗi tháng mấy chục triệu, còn phải lo đủ lương cơ bản cho ba nhân viên. Dịch giã, các công trình xây dựng đều ngưng trệ, không làm ăn gì được khiến anh như ngồi trên đống lửa. 

Trước đây, mỗi lần cự cãi với vợ, anh đều ra cửa hàng hoặc đi uống vài chai bia với bạn bè cho khuây khỏa. Thế nhưng, bây giờ chẳng đi đâu được, vợ lại hay càm ràm nên mâu thuẫn gia đình bị đẩy lên cao, tới mức mấy lần anh suýt dùng bạo lực để giải quyết. Thời gian này, anh N. mất ngủ trầm trọng, cả ngày chỉ chợp mắt 2 - 3 tiếng nhưng đều chập chờn, ngủ không sâu. Anh cảm thấy bế tắc muốn đi khám tâm lý nên gọi điện thoại nhờ bác sĩ tư vấn.

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết không chỉ riêng thời gian này mà từ đợt dịch trước, ông tiếp nhận rất nhiều cuộc điện thoại của bạn bè, bệnh nhân nhờ tư vấn do họ cảm thấy đang bị khủng hoảng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình. Cụ thể, vài ngày nay, bác sĩ thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại với câu hỏi: “Bác sĩ ơi tôi thế này đang là F mấy, bây giờ tôi đang rất sợ hãi”...

Thậm chí, có người còn chia sẻ, khi quá bế tắc và cảm xúc bị dồn nén quá mức anh ta chọn cách gọi cho tổng đài 1080 để có người nghe anh ấy nói và trả lời anh ấy. Bởi, ở trong nhà một mình quá lâu không gặp ai khiến anh thèm cảm giác tương tác với mọi người.

Cần duy trì nhịp sinh học

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, cảm xúc bất an, lo lắng của người dân lúc này là điều không thể tránh khỏi. Bởi, đứng trước đại dịch thì căng thẳng, sợ hãi là rất bình thường. Thậm chí, ngay chính các bác sĩ, nhân viên y tế còn cảm thấy áp lực và lo lắng không kém. Thế nhưng, đằng sau những cảm xúc nhân bản đó, chúng ta cần học cách bình tĩnh lại, kiểm soát tốt cảm xúc của mình, duy trì nền nếp sinh hoạt khoa học.

Nếu không làm như vậy thì lúc đợt giãn cách qua đi sẽ để lại di chứng lâu dài về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là sự rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình. Ở các nước phát triển đã có những nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh lý về tâm thần gia tăng sau các đợt giãn cách xã hội.

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh cho biết thêm, giải pháp để mọi người luôn giữ bình tĩnh trong đợt giãn cách, từ đó sống chung lâu dài với dịch bệnh là cần duy trì nhịp sinh hoạt bình thường, ăn ngủ điều độ. Trước đây, thức dậy giờ nào, ăn giờ nào, ngủ giờ nào thì bây giờ vẫn như vậy. Thực tế cho thấy, nhiều người trong thời gian giãn cách ở nhà ngủ tới trưa, chiều mới dậy còn đêm lại thức rất khuya, ngày chỉ ăn 1 - 2 bữa. Rối loạn nhịp sinh học là nguyên nhân khiến đầu óc không tỉnh táo, cơ thể uể oải, dễ cáu gắt, mất bình tĩnh. 

Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng tuy ở nhà nhưng hãy dành cho nhau khoảng thời gian riêng tư, đừng can thiệp quá sâu vào không gian của nhau. Ví dụ, khi vợ hay chồng làm việc online, đọc sách, nghe nhạc thì đối phương nên tôn trọng. Mọi người hãy tìm đọc những tin tích cực, đừng suốt ngày chỉ đọc về dịch bệnh. Ví dụ các tin tức về bóng đá hiện nay rất tích cực, giúp hướng sự chú ý của chúng ta tới sự lạc quan, vui vẻ hơn. 

Tuy bị ở nhà nhưng không có nghĩa chúng ta không có cách giao tiếp với mọi người. Các thành viên trong gia đình hãy cùng nhau xem một bộ phim, cùng nhau trò chuyện hoặc gọi điện hỏi thăm sức khỏe người thân, chia sẻ về các vấn đề của mình. 

Trẻ chậm nói vì bị hạn chế giao tiếp

Nói về hậu quả của thời kỳ hậu giãn cách do hạn chế giao tiếp, bác sĩ Lâm Hiếu Minh còn nhớ rất rõ những trẻ bị chậm nói được cha mẹ đưa đến khám sau đợt giãn cách năm ngoái. Bệnh nhi tên P.T.C.T., ba tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình. Để bảo vệ con khỏi dịch COVID-19, ba mẹ của T. đã cách ly hẳn con với mọi người.

Cả ngày, bé T. phải ở trong nhà, không ra cửa và tiếp xúc với ai ngoài cô giúp việc và ba mẹ. Cô giúp việc lại không có thời gian để chơi với bé, ba mẹ thì ở phòng riêng, ai cũng bận công việc của mình. Chính ba mẹ bé vì thỉnh thoảng phải ra ngoài nên cũng cố tránh gặp con, sợ đem mầm bệnh từ bên ngoài về cho con. Kết quả là đợt giãn cách qua đi, khi được ba tuổi, bé T. vẫn chưa chịu nói. Lúc này, gia đình đưa bé đi khám tâm lý. Bác sĩ ghi nhận vốn từ của bệnh nhi còn chưa tới mười từ. Nguyên nhân khiến bé chậm nói chính là bị hạn chế giao tiếp với mọi người. 

Ngoài ra, đợt hậu giãn cách năm ngoái còn có những bé được đưa tới khám trong trạng thái rối loạn lo âu, trầm cảm. Sau khi tìm cách tiếp cận, các bé tâm sự với bác sĩ rằng, trong thời gian ở nhà, ba mẹ cãi nhau quá nhiều khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng.


Thanh Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI