Vượt qua nỗi đau, kêu gọi kiểm soát súng đạn để ngăn chặn các vụ thảm sát

15/10/2022 - 06:00

PNO - Những cuộc xả súng gần đây đã thúc đẩy chính quyền phải nghiêm ngặt về kiểm soát súng đạn. Người dân cũng lên tiếng đấu tranh cho sự an toàn cộng đồng.

Những cuộc xả súng nhắm vào các trường học và trẻ em tại nhiều nơi trên thế giới đã thúc đẩy chính quyền đưa ra những quyết định nghiêm ngặt về kiểm soát súng đạn. Cùng với đó, người dân cũng cất tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh cho sự an toàn của cộng đồng.

Quản lý chặt chẽ súng đạn

Hôm 10/10, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ra lệnh cho các cơ quan thực thi pháp luật thắt chặt quy định về sở hữu súng và trấn áp việc sử dụng ma túy, sau vụ giết người hàng loạt tại một trung tâm chăm sóc trẻ khiến cả nước bàng hoàng. Tổng cộng 36 người, trong đó có 24 trẻ em đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng dao và súng hôm 6/10 bởi một cựu cảnh sát ở Uthai Sawan, thị trấn cách Bangkok 500km về phía đông bắc. Đây là một trong những vụ sát hại trẻ em tồi tệ nhất trên thế giới bởi một kẻ tấn công đơn độc. 
Tỷ lệ sở hữu súng ở Thái Lan cao so với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Một gia đình mang theo chăn và bình sữa đến buổi lễ cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ tấn công vào trung tâm chăm sóc trẻ ở thị trấn Uthai Sawan, Thái Lan - ẢNH: AP
Một gia đình mang theo chăn và bình sữa đến buổi lễ cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ tấn công vào trung tâm chăm sóc trẻ ở thị trấn Uthai Sawan, Thái Lan - ẢNH: AP

Do đó, ông Prayuth ra lệnh cho các cơ quan đăng ký thu hồi giấy phép sử dụng súng của những chủ sở hữu được cho là đã hành xử theo cách “đe dọa xã hội”. Cùng với đó là trấn áp các hoạt động buôn bán súng, buôn lậu và sử dụng vũ khí bất hợp pháp. Những người nộp đơn và người sở hữu giấy phép sử dụng súng cũng sẽ phải được kiểm tra sức khỏe tâm thần thường xuyên. Ngoài ra, Thủ tướng Prayuth chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động tìm kiếm và kiểm tra việc sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh việc điều trị cho người nghiện.

Trong một động thái tương tự vào tháng Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành dự luật bạo lực súng đạn có quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Trước đó, thỏa hiệp lưỡng đảng này được đánh giá là bất khả thi.

Tình hình chỉ thay đổi sau khi xảy ra hàng loạt vụ xả súng chết người, bao gồm vụ thảm sát 19 học sinh và hai giáo viên tại Trường tiểu học Robb ở Uvalde (thị trấn cách 130km về phía tây San Antonio, Texas) vào tháng 5/2022.

Luật này giúp tăng cường kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng nhỏ tuổi nhất, giữ súng xa khỏi người phạm tội bạo lực gia đình và giúp các bang ban hành cảnh báo giúp cảnh sát dễ dàng thu giữ vũ khí từ những người bị coi là nguy hiểm.

Đi cùng luật mới là khoản kinh phí 13 tỷ USD giúp thúc đẩy các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ an ninh trường học. Tổng thống Biden cho biết rằng tuy thỏa hiệp “không đạt đến mức ông kỳ vọng”, nhưng “nó vẫn bao gồm những hành động có thể cứu sống nhiều người”.

Vượt qua nỗi đau để hành động

Gần đây, học khu Uvalde, Texas đã tuyên bố đình chỉ toàn bộ lực lượng cảnh sát học khu sau khi đối mặt với những lời chỉ trích về thất bại của cảnh sát trong việc ngăn chặn vụ thảm sát tại Trường tiểu học Robb. Berlinda Arreola - bà của nạn nhân Amerie Jo Garza - nói: “Đây là một tin tốt. Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi đảm bảo rằng những đứa trẻ được an toàn và được bảo vệ, bởi những người sẵn sàng bảo vệ chúng”. 

Trong tháng Chín, một số người sống sót sau vụ xả súng ở Trường tiểu học Sandy Hook đã có một thông điệp đơn giản khi họ tập hợp bên ngoài Thượng viện Mỹ ở thủ đô Washington.

Theo nhóm vận động, lưỡng đảng đã thành công trong việc đưa ra các biện pháp an toàn súng đạn vào tháng Sáu và họ chờ đợi Quốc hội tiếp tục thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công. Vụ xả súng Sandy Hook xảy ra tại bang Connecticut vào tháng 12/2012, khi một tay súng thảm sát 20 trẻ em và sáu giáo viên chỉ trong vòng vài phút. Những học sinh có mặt tại trường hôm đó đã mô tả nỗi đau và chấn thương dai dẳng sau một thập kỷ, và họ cảm thấy đau mỗi khi chứng kiến những cộng đồng khác bị tàn phá bởi bạo lực súng đạn.

Jackie Hegarty - chỉ mới học lớp Hai khi tay súng tấn công vào trường Sandy Hook - cho biết: “Vụ xả súng vẫn ám ảnh tôi vào năm 17 tuổi”. Hegarty nói thêm: “Chúng tôi đã kỳ vọng về sự thay đổi sau vụ xả súng. Điều chúng tôi không ngờ là vụ thảm sát tại Sandy Hook không phải là lần cuối cùng”.

Dù vậy, cuộc chiến chống súng đạn của những người sống sót và gia đình nạn nhân có thể tạo nên sự khác biệt. 26 năm trước, vào tháng 3/1996, một tay súng đã xông vào Trường tiểu học Dunblane ở Scotland (Anh), giết chết 16 học sinh, một giáo viên và làm bị thương 15 người khác. Cho đến nay, đây là vụ xả súng chết chóc nhất trong lịch sử nước Anh.

Sau vụ nổ súng, các bậc cha mẹ ở Dunblane đã vận động và gây sức ép với Quốc hội Anh để cấm sở hữu tư nhân đối với hầu hết các loại súng ngắn, cũng như vũ khí bán tự động và yêu cầu đăng ký bắt buộc đối với chủ sở hữu súng ngắn. Kể từ đó không còn vụ xả súng trường học nào xảy ra ở Anh. Mick North - một trong những thành viên sáng lập của nhóm Gun Control Network sau khi mất đứa con gái năm tuổi, Sophie, tại Dunblane - cho biết: “Chắc chắn, văn hóa sở hữu súng khác nhau ở mỗi quốc gia, điển hình như Mỹ. Nhưng có những quốc gia đã thành công trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với súng, như Canada, Úc”. 

Linh La (theo ABC, NBC News, NPR, Guardian, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI