Nỗ lực để tự làm chủ cuộc sống
|
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (thứ hai từ trái sang) - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM - tặng hoa cho các gương phụ nữ khuyết tật điển hình giao lưu trong chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” - Ảnh: Diễm Trang |
Bước đi nhanh nhẹn, đầy tự tin trên sân khấu chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, với giọng ca trong veo, Nguyễn Ngọc Quỳnh Trân - 27 tuổi, ở P.1, Q.11 - đã nhận được nhiều tình cảm của khán giả.
Ngồi ở hàng ghế khán giả, chị Nguyễn Thu Trang - mẹ của Quỳnh Trân - mỉm cười hạnh phúc:
“Tôi luôn có mặt và đi cùng con trong hành trình cuộc đời con. Nhìn con gái trưởng thành và có thể tự chủ trong mọi việc, tôi thấy thật may mắn, hạnh phúc. Trân còn có một người chị em song sinh cũng bị khiếm thị là Quỳnh Trâm. Quỳnh Trâm hiện đã xin được học bổng toàn phần về vật lý trị liệu và đang ở nước Mỹ để chuẩn bị hành trang mới cho cuộc đời mình”.
Chị Thu Trang mang song thai và sinh non lúc thai nhi chỉ mới bảy tháng mười ngày. Sau thời gian được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính, đón con trở về nhà, bà mẹ trẻ tỉ mỉ chăm sóc con từng chút một. Niềm vui chưa được bao lâu thì chị phát hiện hai con không tự tìm kiếm, cầm nắm đồ chơi, chỉ hứng thú với mấy món đồ chơi phát ra âm thanh. Chị bồng con đi khám, mới biết mắt các con bị mù. Nén đau thương, chị gượng dậy mạnh mẽ để chăm sóc và nuôi dạy các con.
Quỳnh Trân là một cô bé vui vẻ, tự tin và tràn đầy nghị lực. Từ nhỏ, Trân đã có thể tự phục vụ bản thân. Trân cũng có năng khiếu ca hát và tự tin tham gia các hoạt động biểu diễn văn nghệ dành cho người khuyết tật. Năm Trân học lớp Bảy, thầy cô Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu phát hiện năng khiếu và giới thiệu Trân vào đội tuyển điền kinh TPHCM.
|
Nguyễn Ngọc Quỳnh Trân giao lưu trong chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” |
15 năm qua, Trân là vận động viên đoạt nhiều giải thưởng trong các giải điền kinh dành cho người khuyết tật cấp thành phố ở nhiều cự ly. Trong năm 2020, Trân đã đoạt hai huy chương bạc ở cự ly chạy 400m và 800m, huy chương đồng ở cự ly 1.500m và huy chương bạc cho phần thi tiếp sức ở giải quốc gia.
Trân hào hứng kể về những cảm xúc của ngày đầu tham gia bộ môn chạy: “Mỗi lần ra sân tập luyện, em lại thấy luống cuống, lo lắng. Em luôn sợ mình sẽ vấp ngã trên đường do không nhìn thấy”. Với Trân, khó khăn nhất ở mỗi giải đấu là cô chỉ có khoảng hai tháng để tập luyện nên khi không có giải, cô luôn tự luyện tập sức khỏe.
Trân chia sẻ thêm: “Trong thi đấu, quan trọng nhất là mình và người chỉ đường phải có bước chạy đều nhau và giữ được sức bền. Chính vì vậy, mỗi ngày, em đều tập luyện để đảm bảo sức bền”.
Không đầu hàng số phận
Miệng cười rạng rỡ, chị Trần Thị Kim Danh xúc động: “Hôm nay chắc sẽ là ngày vui nhất trong cuộc đời tôi. Tôi thấy mình thật rạng rỡ trên sân khấu và quá đỗi hạnh phúc khi được cả hội trường cùng hát mừng sinh nhật mình”.
|
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng giấy khen cho các gương phụ nữ khuyết tật điển hình |
Chị Danh là trẻ mồ côi sống, lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của các xơ (soeur) nhà thờ. Chị kể: “Khi vừa tròn hai tháng tuổi, tôi bị sốt bại liệt nên đi lại khó khăn”. Để tự nuôi sống mình, chị Danh phải nhận thêu quần áo, đi giúp việc nhà, bán vé số… Chị Danh cũng từng lập gia đình, sinh được đứa con trai nhưng hôn nhân đổ vỡ. Con trai chị ngoan hiền, hiếu thảo, đang là sinh viên đại học. Mấy năm trở lại đây, chị Danh từng bước ổn định cuộc sống với công việc bán đậu hũ. Mỗi ngày, chị chạy xe máy ba bánh đi giao đậu hũ cho các mối hàng và bán dạo. Ngày nào may mắn, chị Danh lời hơn 200.000 đồng.
Dù vất vả mưu sinh nhưng chị Danh luôn truyền năng lượng sống tích cực đến nhiều người. Hiện chị là Chủ nhiệm câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật Q.Bình Thạnh với khoảng 20 thành viên. Chị luôn động viên, lắng nghe tâm tư của các thành viên và giúp đỡ nhau khi khó khăn, đau bệnh. Chị Danh tâm tình: “Phụ nữ khuyết tật không có nhiều sự lựa chọn nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng cần phải sống. Càng khó khăn, chúng tôi càng phải cố gắng, phải tìm mọi cách để vươn lên”.
Tham dự chương trình, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai - 57 tuổi, ở xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi - đóng gói gần 100 chiếc khẩu trang, bao tay vải để trưng bày ở khu gian hàng giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật. Chị Mai bị khuyết tật chân bẩm sinh, đôi chân teo tóp, lưng gù nên việc đi lại khó khăn. Để tự lập, năm 20 tuổi, chị theo học nghề may và nhờ nghề này, chị tự nuôi sống bản thân và nuôi người con trai ăn học.
Chị Mai chia sẻ: “Hôm nay, tôi tham gia gian hàng trưng bày và bán sản phẩm. Mỗi sản phẩm chỉ có giá từ 10.000 - 20.000 đồng nên nhiều người mua lắm. Không những vậy, hôm nay, tôi còn được Báo Phụ Nữ TPHCM - đơn vị đồng hành với chương trình - cho vay 5 triệu đồng không lãi để mua thêm vải và tiết kiệm một phần để sau này mua chiếc máy vắt sổ”.
|
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (ở giữa) được hỗ trợ gian hàng trưng bày khẩu trang, bao tay vải do chị may và được cho vay vốn không lãi trong ngày hội “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” |
Gặp khó không nản chí
“Chú Tâm, chú Tâm phải không chú Tâm?”. Chị Đặng Mỹ Linh - 37 tuổi, ở P.2, Q.4, là người khiếm thị - reo vui khi nghe tiếng xe máy đỗ trước nhà. Tiếng vợ vừa dứt, anh Nguyễn Phương Nam Phát gọi với lên trên lầu: “Bật máy lạnh lên giúp anh Thịnh ơi”. Rồi anh bước nhanh từ trong nhà ra đón lấy đuôi chiếc xe máy của vị khách vừa mới đến, dựng ngay thẳng trên phần sân cơ sở mát-xa của mình. Đó là một ngôi nhà hai tầng ở số 402/19 Hòa Hảo, P.5, Q.10, được anh chị thuê gần hai năm trước để mở cơ sở mát-xa khiếm thị Vinh Phát.
Người khách được gọi là “chú Tâm” bước vào, nở nụ cười thân thương với tất cả các nhân viên. Dường như đã quá quen, chú tự nhiên bước lên lầu mà không cần ai hướng dẫn. “Thịnh ơi, chú lên rồi nghen” - câu thông báo của chị Linh được hiểu là sự phân công công việc cho các nhân viên.
Sau cơn sốt từ năm vừa lên ba tuổi, đôi mắt tự nhiên kéo mây, chị Linh và anh Phát trở thành người khiếm thị. Họ cùng vào trường khiếm thị và gặp nhau. Không chỉ dạy chữ, trường khiếm thị còn dạy cho anh chị những kiến thức cơ bản về mát-xa. Năm 2006, cả hai bắt đầu xin vào làm việc ở các cơ sở mát-xa của người khiếm thị, nhờ đó mà tay nghề được nâng cao. Năm 2018, vợ chồng chị bàn nhau rồi quyết định vay mượn một số vốn để mở cơ sở riêng ở Q.4. Ban đầu, vì lo vốn liếng eo hẹp, chưa có kinh nghiệm, chị Linh thuê một căn nhà lụp xụp nằm sâu trong hẻm nhỏ. Ít khách, tường nhà bị thấm nước, anh chị lại mất mấy tháng trời để đi tìm và thuê mặt bằng khác ở Q.10.
Chị Linh phải gửi con cho mẹ (ở Q.4) chăm sóc và đưa rước học hành. Tháng 11/2020, anh chị khai trương cơ sở mới với tiền thuê mặt bằng 12 triệu đồng/tháng. Cơ sở có bốn nhân viên đều là người khiếm thị. Lương nhân viên được chị trả theo suất, khách nhiều thì hưởng nhiều. Phải mất hơn nửa năm, cơ sở mát-xa Vinh Phát mới hoạt động ổn định, có lượng khách thường xuyên và chị Linh mới có được tiền lời.
Thế nhưng, ngay lúc đó, dịch COVID-19 bùng phát. “Ban đầu, tôi nghĩ chắc tạm dừng chừng một tháng, ai ngờ phải đóng cửa mấy tháng trời. Nhưng cuộc sống mà, ai cũng phải có lúc gặp khó khăn, quan trọng là cách mỗi người chọn để vượt qua” - chị Linh nói về khoảng thời gian đầy khó khăn đó. Khi đó, chị không vội vã bỏ cuộc. Vợ chồng tự kham lấy các khâu dọn dẹp, giặt giũ chăn, drap, tự trông giữ xe để giảm bớt chi phí vận hành cơ sở.
Mấy tháng đầu năm nay, nhịp kinh doanh đã trở lại. Khách vẫn chưa nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người cân nhắc chi tiêu. Thế nhưng, chị Linh vẫn lạc quan: “Lúc này, có khách lai rai, có việc để làm là mừng rồi”.
Chúng tôi luôn có Hội Phụ nữ đồng hành Trong chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm nay, Hội LHPN TPHCM đã tuyên dương 24 gương phụ nữ khuyết tật vượt khó tiêu biểu, đồng thời trao 165 triệu đồng vốn vay không lãi suất cho 20 phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế gia đình, tặng 54 phần quà với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng cho 54 phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dịp này, Báo Phụ Nữ TPHCM đã hỗ trợ nguồn vốn vay 100 triệu đồng cho phụ nữ khuyết tật. Chị Trần Thị Ngọc Hiếu - ở P.Cô Giang, Q.1, khuyết tật đôi chân - là một trong 24 gương được tuyên dương trong chương trình. Dù khuyết tật, chị vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và bán tranh làm từ vỏ ốc, từ đó giúp nhiều người khuyết tật khác có việc làm để làm chủ cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - ở P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân - cũng khuyết tật chân nhưng đã đứng ra thành lập Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice vào tháng 7/2019, làm dịch vụ báo cáo thuế, kế toán, thành lập và giải thể doanh nghiệp, thiết kế web, marketing online. Ngoài việc tạo thêm việc làm cho người khuyết tật, chị còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương. Đặc biệt, khi TPHCM bùng phát dịch COVID-19, chị đã tìm cách kết nối, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho nhiều người khuyết tật khác. Chị Mỹ Ngọc tâm sự: “Tôi cho rằng, những rào cản về ngoại hình chỉ là thử thách. Chỉ cần cố gắng, mỗi người sẽ vượt qua thử thách, từ đó tìm thấy giá trị bản thân. Hãy lạc quan, yêu đời và tự tin, mình sẽ vượt lên tất cả để sống cuộc đời hạnh phúc”. Còn chị Ngọc Hiếu cho rằng, sự đồng hành của các cấp Hội Phụ nữ trong nhiều năm qua đã tiếp thêm nghị lực cho phụ nữ khuyết tật để họ vươn lên trong cuộc sống. |
“Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhân văn, tạo động lực để phụ nữ khuyết tật vượt lên khó khăn, khẳng định giá trị bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Tôi mong chương trình sẽ tiếp tục được duy trì và lan tỏa rộng rãi trong xã hội và mong Hội Phụ nữ ở cơ sở thực sự là cầu nối và là chỗ dựa tin cậy của phụ nữ khuyết tật trong cộng đồng. Hội cần thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích các chị tự lực vươn lên, chủ động học hỏi, nâng cao kiến thức, tiếp cận khoa học công nghệ và hội nhập; kịp thời tuyên dương và nhân rộng gương điển hình vượt khó vươn lên để lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Ông Ngô Văn Luận Phó ban Dân vận Thành ủy TPHCM |
Thu Lê - Song An