Tìm thấy hạnh phúc sau đổ vỡ
Chị Nguyễn Ngọc Phương Trinh (36 tuổi) và anh Quan Lý Bình (33 tuổi), ngụ TPHCM, hiện đang hạnh phúc ngập tràn với công việc như ý, cuộc sống viên mãn bên 3 con (gồm 1 con riêng, 2 con chung, 1 bé đang trong bụng mẹ). Cả hai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, quen biết nhau trong sinh nhật một người bạn chung.
Trước khi gặp Lý Bình, Phương Trinh từng có 1 con gái lớn, nhưng chưa hề kết hôn. Việc phải bươn chải lo toan cho cuộc sống rất sớm giúp cô có nhiều kinh nghiệm sống, cá tính độc lập và chủ động.
|
Gia đình hạnh phúc của Phương Trinh - Lý Bình - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau gần 10 năm làm mẹ đơn thân, khi gặp Lý Bình, thấy sự đồng điệu về tâm hồn và tính cách, Trinh mở cửa trái tim cho Bình tiến tới, dù trước đó, cô vô cùng thận trọng trước những lời tán tỉnh. Cả hai bước vào mối quan hệ yêu đương, chung sống, tìm hiểu nhau 5 năm mới tổ chức đám cưới.
“Tôi không bận tâm chuyện đối phương lớn tuổi hơn hay đã từng có con. Theo tôi, trong tình yêu, không có khoảng cách tuổi tác; quan trọng là 2 người đồng cảm và thấu hiểu nhau. Mình cảm thấy thích nghi được, thấy thương đứa nhỏ đó thì mình chấp nhận” - Lý Bình cho biết.
Hiện vợ chồng đang háo hức chờ đón con thứ ba chào đời. Dù công việc bận rộn, Bình thường xuyên đưa cả gia đình đi chơi xa để tạo sự gắn kết. Con riêng của Phương Trinh đặc biệt yêu quý ba Bình cũng như thân thiết với bà nội.
Từng là mẹ đơn thân, phải xoay xở đủ công việc nuôi con, đến nay, chị Nguyễn Vũ Mi Sa (sinh năm 1989, hiện sinh sống tại huyện Hóc Môn, TPHCM) đã có công việc mang lại thu nhập ổn định và xây dựng hạnh phúc bên người chồng thứ hai là anh Võ Minh Hiếu (sinh năm 1992) cùng 3 con (2 con với chồng cũ, 1 con với chồng mới).
Hạnh phúc viên mãn ngày hôm nay của chị Mi Sa được đánh đổi bằng hành trình dài đầy nỗ lực. Ngay lần gặp mặt đầu tiên, Hiếu đã cảm mến cô gái hơn mình 3 tuổi, quyết tâm theo đuổi. “Trước khi gặp Mi Sa, tôi đã nghe chị bạn kể về hoàn cảnh của cô ấy. Tôi chỉ thấy trong lòng dâng lên sự đồng cảm, tự hỏi sao số phận có thể vùi dập một cô gái như vậy. Tới lúc gặp trực tiếp, tôi thật sự ấn tượng vì Mi Sa không chỉ xinh đẹp mà còn cư xử khéo léo, lễ phép, kính trên nhường dưới” - anh Minh Hiếu nhớ lại.
|
Chị Nguyễn Vũ Mi Sa hạnh phúc bên anh Võ Minh Hiếu cùng con chung của 2 người - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Mi Sa cũng chia sẻ rằng, khi chỉ mới yêu đương chính thức được vài ngày, anh Hiếu đã ngỏ ý san sẻ gánh nặng, lo lắng cho sức khỏe của chị khi thấy chị đi làm quá vất vả. “Anh đưa hết tiền lương làm thợ hàn xì cho tôi, kêu tôi cầm về nuôi con. Khoảnh khắc đó, tôi linh cảm, mình đã yêu đúng người” - Mi Sa kể.
Bên cạnh suy nghĩ, quan niệm cởi mở của những đấng mày râu hiện đại, ngày nay các mẹ đơn thân cũng tự tin mở lòng đón nhận tình cảm để xây dựng hạnh phúc mới. Họ vượt qua rào cản, định kiến, tự tin bước vào mối quan hệ vốn có nhiều sự chênh lệch về xuất phát điểm với tâm thế “tôi xứng đáng”.
Tình cờ gặp gỡ, chia sẻ rồi đồng cảm với nhau, chị Cao Thị Hồng Hoa (45 tuổi) và anh Hoàng Phước (30 tuổi) đã quyết định về chung một nhà sau 4 tháng tìm hiểu. Chị Hoa và anh Phước hiện đang kinh doanh quán cà phê, bán tranh gỗ, đồ trang trí handmade ở TP Thủ Đức (TPHCM). Trước khi gặp anh Phước, chị Hoa từng kết hôn và có 2 con riêng.
Chị Hồng Hoa nhớ lại hành trình đầy thử thách của mình: “Nhiều năm làm mẹ đơn thân không ai có ý kiến gì, tới khi tôi quyết định kết hôn với một chàng trai kém mình tới 15 tuổi, lại chưa từng có vợ, ngay lập tức tôi gặp biết bao sóng gió từ cả gia đình, bạn bè thân và xã hội. Anh xã nhà tôi cũng vậy. Chúng tôi chọn giải pháp bình tĩnh, nhẹ nhàng nhưng rất cứng rắn, cố gắng giải thích cho gia đình, bạn bè thân hiểu để họ tôn trọng và đồng cảm với quyết định của chúng tôi”.
|
Chị Cao Thị Hồng Hoa (45 tuổi) và chồng - anh Hoàng Phước (30 tuổi) đã kết hôn được 4 năm |
Sự ủng hộ của phụ huynh là động lực to lớn
Gia đình, vốn là yếu tố quan trọng trong việc định hình quan niệm hôn nhân, cũng đã dần thay đổi tư duy. Nhiều phụ huynh, khi chứng kiến tình yêu chân thành và trách nhiệm của con trai mình đối với người phụ nữ từng có chồng, con; họ đã nhận ra hạnh phúc của con quan trọng hơn những quy tắc, định kiến cứng nhắc của xã hội.
Với chị Nguyễn Vũ Mi Sa, chỉ sau 2 tháng yêu nhau, cô may mắn được bạn trai đưa về Sóc Trăng gặp gia đình và ngay lập tức được gia đình Minh Hiếu vun vén.
Bà Tống Thị Út (72 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) - mẹ chồng chị Vũ Nguyễn Mi Sa - kể: “Khi Hiếu dẫn Mi Sa về nhà, tôi ưng ngay từ lúc con bước chân vào cổng. Mi Sa hiểu chuyện, mạnh mẽ, biết vun vén làm ăn, kính trên nhường dưới. Tôi cũng là phụ nữ, đẻ tới 7 đứa con, tôi hiểu nỗi khổ của phụ nữ nuôi con mà không có sự hỗ trợ của chồng. Thương Mi Sa một thì tôi thương thằng cháu nội lớn (con riêng chị Mi Sa) tới mười. Thằng nhỏ thiếu tình thương của cha từ bé đã tủi rồi, tôi chỉ hy vọng gia đình mới sẽ phần nào bù đắp được cho mẹ con Mi Sa những mất mát đó”.
Bà Út còn cho biết, đôi khi bà còn lén Mi Sa để cho con riêng của cô tiền tiêu vặt. “Mi Sa dạy con nghiêm khắc, kiểm soát chi tiêu của con khá chặt chẽ. Tôi thương thằng bé đi học, ra ngoài không đủ tiền tiêu lại làm điều gì dại dột. 2 con đi làm bận rộn, tôi cũng dành thời gian hỏi han, quan tâm cháu nhiều hơn” - bà Út bộc bạch.
Còn với ông Nguyễn Đạt (ngụ quận 7, TPHCM), khi nghe con trai 35 tuổi thông báo sẽ kết hôn với một phụ nữ đơn thân đã có 2 con, ban đầu vợ chồng ông khá lo lắng. Ông sợ con trai mình không đủ trải nghiệm để ứng biến và hòa hợp với người phụ nữ có nhiều kinh nghiệm trong hôn nhân.
“Sau nhiều cuộc trò chuyện cùng nhau, cả những chuyến đi riêng tư của 2 cha con, tôi đã yên tâm và tin tưởng vào lựa chọn của cháu. Tôi nghĩ thoáng hơn, rằng nếu lấy một cô gái trẻ, ít tuổi, non nớt kinh nghiệm, chưa biết lo toan cho gia đình… chắc gì con đã hạnh phúc khi phải gánh trên vai quá nhiều gánh nặng” - ông Đạt tâm sự.
|
Ông Nguyễn Đạt (quận 7, TPHCM) cho rằng, phụ nữ từng qua một lần đò, có con riêng, sẽ chín chắn, vững mạnh về kinh tế và để tâm vun vén gia đình |
Cũng theo ông Đạt, thực tế hôn nhân của con trai ông sau đó chứng minh rằng, kết hôn với phụ nữ đã có con riêng, người đàn ông cảm thấy được san sẻ nhiều hơn trong gia đình. Phụ nữ từng đổ vỡ sẽ trân trọng và giữ gìn hạnh phúc hơn. Họ cũng đủ trưởng thành để biết những gì nên và không nên làm, cũng có ý thức chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình cùng chồng. Vợ chồng còn có điều kiện hỗ trợ, hợp tác để thúc đẩy sự nghiệp của nhau.
Ông Đạt “bật mí” thêm, sở dĩ ông có tư tưởng cởi mở với tình yêu chênh lệch một phần nhờ nhìn vào tấm gương hạnh phúc của chú thím mình. Ngày đó, chú ruột ông Đạt có một quyết định “chấn động” khi cưới bạn thân của… mẹ ruột mình. Cô dâu khi đó đã qua 1 đời chồng và có 4 con riêng.
“Thời đó, 2 người phải đưa nhau đi thật xa, dựng chòi nhỏ trên doi đất giữa hồ ở một tỉnh lẻ để sinh sống. Vậy mà ông bà sống với nhau theo đúng nghĩa “đầu bạc răng long”. Tôi nhớ năm chú ngoài 70 tuổi, còn thím khi đó đã yếu hơn nhiều. Mỗi lần về thăm, chú ngồi nhậu với tôi mà thím nằm trong giường chỉ hơi ú ớ kêu tên chồng là chú sẽ bỏ nhậu vào nằm cạnh thím, vỗ về, xoa lưng vợ, ôm cho đến khi thím ngủ say mới thôi” - ông Đạt kể.
Ý kiến: Phó giáo sư, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình: Kinh nghiệm sống và sự hy sinh giúp mẹ đơn thân tìm thấy hạnh phúc Hiện nay, chúng ta có thể thấy ngày càng phổ biến mô hình hôn nhân mà người vợ là mẹ đơn thân lấy trai tân làm chồng. Chẳng những trai tân, còn là trai tân kém gần hoặc hơn 10 tuổi. Điều này phản ánh quan niệm xã hội đã dịch chuyển theo hướng tích cực hơn. Sự dịch chuyển này bắt nguồn từ quan niệm, đánh giá nhìn nhận từ cả hai phía: người chồng và người vợ. | Phó giáo sư, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình |
Thứ nhất, người đàn ông không bị lụy vào quan niệm cần phải tráng trí, mạnh mẽ, phải trưởng thành, nhiều tuổi hơn, phải thật sự là chỗ dựa cho người phụ nữ, mà đôi khi, đơn giản chỉ là thỏa mãn tình yêu thực sự giữa 2 người. Thứ hai, trong sự kết giao này, thế mạnh của người phụ nữ chính là sự trưởng thành. “Người vợ” ở ngưỡng của sự chín, không chỉ về thể xác, mà còn về cả tâm hồn và nhân cách. Ở họ có sự trải nghiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố của cuộc hôn nhân trước. Chúng ta đừng vội đánh giá hay đổ lỗi cho phụ nữ đơn thân. Đôi khi sự đơn thân đó xuất phát từ không may đổ vỡ hoặc xuất phát từ một sai lầm nho nhỏ… Điều đó chỉ càng khiến phụ nữ đã làm mẹ trở nên vững chãi và mạnh mẽ. Trong các cuộc hôn nhân giữa trai tân và mẹ đơn thân, có thể sự chăm chút về phía người phụ nữ sẽ nhiều hơn. Họ sẽ hy sinh nhiều hơn. Ngoài tình yêu cá nhân của họ còn đi tìm một mẫu hình người cha, một ngôi nhà cho bầy con nhỏ của mình. Không phải tất cả, nhưng dường như trong mô hình đó, người vợ thường là người chủ động trang bị những tri thức, hiểu biết, ứng xử, kinh nghiệm cần thiết… để duy trì một tổ ấm hạnh phúc. Người chồng, dưới sự hỗ trợ, cổ vũ của vợ, sẽ trải nghiệm vai trò đó theo thời gian, trong chính gia đình mới của mình. Thay vì xung khắc, mâu thuẫn như những cặp vợ chồng truyền thống khác, ở đây họ sẽ có sự thấu hiểu, cảm thông, do ngay từ đầu người chồng đã xác định trước những rào cản mà mình phải vượt qua. Đó chính là lý do khiến những cặp trai tân - mẹ đơn thân khi kết hôn lại trở nên ngày càng hạnh phúc, gắn kết. Anh L.T.Nghĩa (sinh năm 1992, nhân viên IT, ngụ tại TPHCM): Phụ nữ từng trải hấp dẫn nhờ sự chín chắn và trách nhiệm với cuộc sống Tôi chia sẻ luôn: tôi là người nhiều năm yêu và theo đuổi một phụ nữ là mẹ đơn thân. Tôi cho rằng, một trong những lý do khiến đàn ông độc thân yêu mẹ đơn thân là vì họ tìm thấy ở người phụ nữ đó sự chín chắn, từng trải. Phụ nữ từng trải có sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống, không phí thời gian, công sức vào những giá trị ảo. Họ cũng là những phụ nữ sống thực tế, biết lo lắng cho gia đình và có khả năng chăm sóc con cái tốt. Ngày nay, cuộc sống quá nhiều mệt mỏi và áp lực, đàn ông chúng tôi cũng cần có một chỗ dựa tinh thần để lấy lại năng lượng sau ngày dài làm việc. Tôi không có ý so sánh giữa những cô gái trẻ và những chị em đã qua đổ vỡ hôn nhân. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, phụ nữ là mẹ đơn thân có rất nhiều ưu điểm hấp dẫn cánh mày râu và hoàn toàn có cơ hội để tìm thấy hạnh phúc bền vững. Chị Cao Thị Hồng Hoa (45 tuổi, ngụ TPHCM): Hãy mạnh mẽ tin vào tình yêu và quyết định của mình “Việt Nam ta dù đã văn minh hơn, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều định kiến dành cho phụ nữ. Chẳng hạn khi kết hôn, xã hội đặt cho phụ nữ nhiều tiêu chuẩn, nhiều vai trò. Khi hôn nhân không hạnh phúc, họ cũng đổ lỗi do phụ nữ không biết giữ gia đình. Với phụ nữ làm mẹ đơn thân, hành trình tìm kiếm hạnh phúc còn khó khăn bội phần. Có thể nói, hạnh phúc với họ luôn là một cánh cửa hẹp. Ai có dũng khí bước qua, đồng nghĩa với việc phải sẵn sàng tâm thế đón nhận cả sự ủng hộ lẫn phản đối từ xã hội. Là phụ nữ từng đổ vỡ trong hôn nhân trước khi tìm thấy hạnh phúc mới, tôi nhận ra rằng, những ai đã hiểu mình sẽ càng yêu thương mình hơn. Những người vẫn giữ định kiến, một nửa chọn im lặng, nửa còn lại sẽ chọn tranh biện. Còn tôi, tôi chọn tôn trọng những người yêu thương, tin tưởng mình. Người thân tất nhiên sẽ lo lắng cho chúng tôi bằng một sự lo lắng có thể gọi là “hơi thái quá”. Bạn bè thân 2 bên cũng vậy, số còn lại là người quen, các mối quan hệ xã giao; theo tôi, trong sự quan tâm của họ, có kèm theo sự quan ngại. Từ câu chuyện bản thân, tôi khuyên các cặp đôi: mẹ đơn thân - trai tân, nếu thật sự đến với nhau bằng tình yêu chân chính, trước tiên, cả hai phải thật sự cứng rắn, mạnh mẽ tin tưởng vào tình yêu và quyết định của mình. Tiếp theo, phải luôn chuẩn bị tinh thần để đối phó với dư luận xấu cả từ gia đình, người thân và xã hội, đặc biệt với những đôi có sự chênh lệch lớn về tuổi tác và điều kiện kinh tế. Cuối cùng, tôi mong các bạn hãy luôn sống cho mình, vì mình, vì không ai sống thay cho cuộc đời bạn được. Tiến sĩ Bàn Thị Quỳnh Giao (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Cần bản lĩnh đối diện những thách thức khác biệt Tôi từng có một khảo sát nhỏ trên mạng xã hội về chủ đề “Mẹ đơn thân kết hôn với trai tân”. Nhiều người cười và nói rằng, lấy trai tân làm chi cho mệt; song rất nhiều anh chị em sinh sống tại các thành phố lớn cho rằng đó là “chuyện nhỏ”. Số khác cho rằng, mẹ đơn thân nếu độc lập về kinh tế, biết thu vén cho gia đình, biết tôn trọng người đàn ông mình sẽ lấy làm chồng thì chắc chắn hạnh phúc sẽ mỉm cười với họ. | Tiến sĩ Bàn Thị Quỳnh Giao |
Bên cạnh đó, cũng có một số nghĩ rằng người trai tân sẽ chịu thiệt thòi khi bắt đầu một gia đình với trách nhiệm lớn hơn hoặc đặt ra những kỳ vọng cao về việc duy trì dòng họ, nòi giống. Tuy nhiên, những quan niệm này đang giảm dần khi xã hội dần hiểu rõ giá trị của hạnh phúc và tôn trọng lựa chọn cá nhân. Theo tôi, việc một người đàn ông chọn kết hôn với một người mẹ đơn thân đặt ra một vai trò đặc biệt cho họ: ngoài việc làm người yêu, làm chồng, anh phải đảm nhận luôn vai trò của một người cha, trước khi trở thành người chồng chính thức. Điều này đòi hỏi người đàn ông phải có sự trưởng thành, trách nhiệm và sự sẵn lòng đối diện với những thách thức có thể rất khác biệt so với một cuộc hôn nhân bình thường. Đồng thời, việc “làm cha” trước khi “làm chồng” không chỉ giúp anh ta trưởng thành, còn giúp người đàn ông xây dựng những giá trị gia đình vững chắc ngay khi chớm bước chân vào cuộc sống gia đình. Anh ấy sẽ học được cách đặt lợi ích của gia đình lên trên những nhu cầu cá nhân, phát triển kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. Điều này có thể tạo nên nền tảng vững chắc hơn cho mối quan hệ vợ chồng, bởi cả hai đã bắt đầu từ sự hy sinh, trách nhiệm và lòng yêu thương. Kim Ngân (ghi) |
Kim An