 |
Hậu phá sản, ông trở thành người đàn ông nát rượu, bạo lực với vợ con. Ảnh Freepik.com |
Ông Đặng Văn Phong (63 tuổi), là một Việt kiều Mỹ vừa trở về thăm quê hương sau 4 năm định cư tại xứ sở cờ hoa. Sự xuất hiện của ông Phong bên cạnh vợ con và 2 cháu ngoại khiến nhiều người quen cũ không khỏi ngỡ ngàng. Vóc dáng mập mạp, nụ cười rạng rỡ và ánh mắt tràn đầy yêu đời của ông Phong hôm nay hoàn toàn trái ngược với hình ảnh một người đàn ông nghiện rượu, tuyệt vọng cách đây gần 2 thập kỷ.
Ít ai có thể tin rằng người đàn ông vui vẻ này từng trải qua những tháng ngày tăm tối của kẻ nghiện rượu. Gần 20 năm trước, trong một đêm mưa gió, bà Hoàng, vợ ông Phong, đã ôm 2 con nhỏ, khi ấy 15 và 13 tuổi, rời bỏ căn nhà đầy nước mắt ở quê để tìm đến Sài Gòn. Lá thư bà để lại chỉ vỏn vẹn dòng chữ "vĩnh biệt", cho thấy sự tuyệt vọng tột cùng khi phải sống bên người chồng nát rượu.
Sau khi phá sản và mất trắng cơ nghiệp là 2 lò gạch, ông Phong chìm trong men say. Dù đã vô số lần hứa hẹn, thề thốt bỏ rượu nhưng ông vẫn không thể thoát khỏi sự cám dỗ của thần ma men. Mỗi lần say, ông Phong mất hết lý trí, trút giận lên vợ con, đập phá đồ đạc. Bà Hoàng một mình đi làm thuê, thu lượm ve chai kiếm tiền nuôi con; nhưng có nhiều bữa, miếng cá, trái trứng con chưa kịp ăn, chồng đã lấy đi đổi rượu.
Bà Hoàng nhiều lần nghĩ đến cái chết để giải thoát cho bản thân và các con, nhưng tình mẫu tử níu bà lại. Cuối cùng, bà quyết định đưa 2 con trốn chạy khỏi "thần ma men" để 3 mẹ con “được sống cuộc đời của một con người’’ như lời bà Hoàng nói.
Sự ra đi của vợ con không giúp ông Phong tỉnh ngộ mà còn đẩy ông lún sâu hơn vào tăm tối. Không có tiền mua rượu, ông Phong bắt đầu “chôm chỉa” rượu và “mồi” của hàng xóm. Buổi sáng ông "súc miệng" bằng rượu, tới trưa ông đã say khướt, có khi ông ngủ vật vờ bên vệ đường. Người mẹ già của ông ngày đêm lo lắng, đi tìm con trai khắp nơi.
Rồi ông Phong bị loạn thần do rượu, phải nhập viện nhiều lần. Nhưng khi xuất viện, cơn nghiện vẫn bám riết lấy ông. Cuộc đời ông Phong khi ấy là một chuỗi ngày nghiện rượu - cai nghiện - rồi lại tái nghiện, vòng tuần hoàn tăm tối không lối thoát. Đặc biệt, sau khi mẹ qua đời, ông Phong mất đi chỗ dựa cuối cùng. Dù người thân, họ hàng thương xót, nhưng ai cũng nghèo khó, chỉ có thể cho ông bữa cơm qua ngày, chứ không thể cưu mang.
Ông sống lang thang, xin ăn, xin rượu khắp nơi, bị mọi người xa lánh, ghẻ lạnh.
Trong những ngày tháng tưởng chừng như không còn lối thoát, khi những cơn sảng rượu hành hạ khiến ông Phong không thể đi đứng vững, thì Hân, cô con gái khi ấy đã là thiếu nữ 17 tuổi xuất hiện. Hân mua quần áo mới cho cha và đưa ông lên TPHCM đoàn tụ với gia đình.
 |
Dù cha bị nhiều người xa lánh, nhưng cô con gái vẫn luôn nhớ những ký ức đẹp với cha (ảnh Freepik.com) |
"Lên tới Sài Gòn, gặp vợ, tôi mới biết con gái tôi đã năn nỉ, thuyết phục, đấu tranh và cả cam kết với mẹ, họ hàng bên ngoại để được đưa ba về nhà. Con bé còn nói nếu lần này ba không thay đổi thì sẽ “bỏ luôn” để nhà ngoại cho phép” - ông Phong nghẹn ngào kể.
Để giúp cha cai nghiện, Hân đã nghỉ làm ở xưởng may, nhận hàng về nhà gia công nhằm có thời gian chăm sóc và giám sát cha, không cho ông đụng đến một giọt rượu nào.
"Suốt 6 tháng tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, phụ dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho vợ con may hàng. Khi tôi bỏ rượu hẳn 1 năm và phục hồi sức khỏe thì con gái mới xin cho tôi làm bảo vệ ở một công ty gần nhà. Con thường xuyên chạy ra chơi với tôi, vừa để tôi không buồn nhớ đến rượu, vừa để giám sát tôi. Con bé này “ghê lắm”- ông Phong vừa nói, vừa cười hạnh phúc.
Cả gia đình ông Phong đã đồng lòng bước vào cuộc chiến chống lại ma men. Họ luôn ở bên cạnh, động viên và khích lệ ông. Ngay khi ông Phong về quê giỗ, Hân cũng đi theo sát cha để đảm bảo ông không tái nghiện. Cuộc chiến gian nan kéo dài suốt 2 năm, và cuối cùng, ông Phong đã hoàn toàn đoạn tuyệt được với rượu.
Không còn ai nhận ra người đàn ông gầy gò, ốm yếu, say xỉn, nửa tỉnh nửa mê vì rượu ngày nào. Từ một người tưởng chừng như đã bỏ đi, gia đình tan nát, ông Phong đã vượt qua được cơn nghiện, làm lại cuộc đời.
 |
Từ một người phá sản, nghiện rượu, gia đình ly tán, ông đã vượt qua và đã tìm lại được hạnh phúc. Ảnh Preepik.com |
Sau này, Hân kết hôn với một Việt kiều Mỹ và bảo lãnh vợ chồng ông Phong sang Mỹ sinh sống. Hiện ông Phong làm việc tại một trạm xăng và mỗi cuối tuần lại đưa các cháu ngoại đi công viên chơi. Nhìn ông Phong, không ai có thể nghĩ rằng người đàn ông mập mạp, vui vẻ này đã từng có một quá khứ đau khổ và tuyệt vọng.
Câu chuyện của ông Phong là một minh chứng cho sức mạnh của tình thân, đặc biệt là tình cha con - có thể vực dậy một con người từ đáy vực sâu của nghiện ngập, mang đến một cuộc đời mới tươi sáng và hạnh phúc.
Gia Ngọc (ghi theo lời kể của nhân vật)
Có những biến cố cuộc đời chực chờ ghìm bạn xuống, nhưng bạn đã từng bước vượt qua, để nay nhìn lại, bạn tràn đầy niềm tự hào về bản thân... Mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm vượt nghịch cảnh cùng chúng tôi. Bài viết và hình ảnh có bản quyền xin gửi về hộp thư email: online@baophunu.org.vn |