 |
"Có mẹ đây rồi!" (Ảnh minh họa) |
Bản án 12 năm cho tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã khép lại thanh xuân của Huỳnh Thị Kim Long(*) sau song sắt.
Từng là niềm tự hào của gia đình và dòng họ với bảng thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, Long lên đại học theo diện tuyển thẳng. Chưa ra trường, cô đã được một vài công ty chào đón. Cha cô, một cựu chiến binh, nở mày nở mặt có cô con gái rượu đáng đồng tiền bát gạo.
Khi bạn bè cùng trang lứa chật vật đi xin việc hay đang làm nhân viên tập sự ở đâu đó. Long đã được bổ nhiệm làm phó phòng rồi lên chức trưởng phòng. Mọi người nhìn cô bằng ánh mắt nể phục vì Long thực sự có năng lực.
Nhưng cũng từ đây, khi các mối quan hệ giao tiếp được mở rộng, người thân bạn bè đặt niềm tin lớn vào cô. Ban đầu cô giúp đỡ vài người vào mấy chân bảo vệ, phục vụ… Khi được mọi người nâng tầm của mình lên “chị Long giỏi”, “vấn đề gì qua tay chị Long đều xử lý được”… Long trở nên ảo tưởng về bản thân với suy nghĩ đơn giản “cũng chẳng mất gì, giúp qua giúp lại”.
Thấy việc chỉ vài lời nhờ vả bằng miệng mà được việc, Long muốn nhờ những việc lớn hơn như: giúp con dâu bác họ chuyển công tác, giúp bạn của bạn trúng thầu, giúp con đồng nghiệp vào được trường tiểu học như mong muốn… Dù nói là “giúp”, nhưng trước những “tấm lòng chân thành” quy đổi thành bao thư bên trong có các tờ tiền mệnh giá lớn, Long không nỡ từ chối.
“Chạy việc”, “chạy trường”… quá “ngon ăn”, Long mở tầm quan hệ với những “anh lớn”. Cô nhận được nhiều lời hứa hẹn và cũng đi hứa hẹn rất nhiều. Những mẻ lưới thường được cất khi nó đã thực sự nặng. Số hồ sơ Long nhận chạy việc ngày một nhiều cùng số tiền đóng trước không chỉ dừng lại ở vài chục triệu vài trăm triệu đồng mà lên tới chín, mười chữ số. Người nhờ vả hối thúc Long, Long lại hối thúc “anh chị kết nghĩa”, cứ thế hình thành một đường dây....
Ngày cơ quan điều tra đến đọc lệnh tại nơi làm việc, Long ngỡ ngàng biết mình vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Các đối tượng hứa hẹn giúp cô đã cao chạy xa bay, còn người cô hứa hẹn lại xếp hàng tại cơ quan công an để tố giác.
Long vẫn nhớ như in chiều hôm đó khi chiếc xe thùng dẫn cô về nhà để kiểm tra lục soát các loại giấy tờ. Người làng đứng chật 2 bên đường, mẹ cô ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, còn cha cô - người lính năm xưa trong bộ quân phục bạc màu vẫn đủ bình tĩnh nói với Long: “Con hãy trung thực!”. Đó cũng là lần cuối cùng Long được gặp đầy đủ mọi người trong căn nhà của cha mẹ.
Những ngày đầu trong trại tạm giam, không đêm nào Long ngủ được. Cô nhớ ánh mắt giận dữ căm phẫn của những người từng được cô hứa hẹn giúp đỡ. Cô nhớ tiếng nấc uất hận của gia đình phải thế chấp sổ đỏ, vay nóng để mong Long giúp con họ có một chỗ làm ở cơ quan nhà nước…
Điều khổ tâm nhất của cô là tháng nào cha mẹ cũng chở nhau vào trại giam thăm nuôi con gái. Mẹ cô mang theo đủ thứ đồ và còn mang cho cô mấy quyển Phật pháp. Bà dặn: “Con hãy đọc nó mỗi đêm cho dễ ngủ”. Lời bà nhẹ nhàng nhưng cô biết bà muốn con sớm sám hối.
Bẵng đi thời gian không thấy cha mẹ vào, chỉ thấy quản giáo gọi lên nhận tiền lưu kí từ người thân, ruột gan cô như lửa đốt. Cô nào biết, để có tiền khắc phục cho bị hại, cha mẹ cô đã quyết định bán nhà. Cha cô phần vì buồn, phần vì vết thương trong ngực tái phát nhưng chủ quan không đi chữa, đã ngã bệnh và không qua khỏi. Mẹ cô còn một mình.
Một lần gói ghém hành lý lên thăm con, không may giữa đường gặp tai nạn giao thông. Vụ tai nạn khiến bà không thể đi lại được nữa, phải sống nương nhờ nhà chùa, nhưng tháng nào bà cũng ki cóp tiền trợ cấp tuổi già mang lên trại cho con.
Ngày mãn tang cha, Long mới biết hết chuyện ở nhà. Cô gào khóc tên cha, tên mẹ trong vô vọng. Thiếu chút nữa cô đã tự kết liễu đời mình, may có các phạm nhân cùng phòng phát hiện kịp thời.
Năm tháng lặng lẽ trôi, “đêm nghĩ điều hay, ngày làm việc tốt, hôm nay cải tạo như thế nào, chất lượng ngày mai sẽ như vậy”, lời cán bộ quản giáo thành động lực giúp Long cải tạo tốt và cô được ân xá ra tù trước 21 tháng.
Ngày về, Long khóc trước mộ cha với lời xin lỗi muộn màng. Mẹ cô mắt đã mờ, lập cập nói trong xúc động: “Có mẹ đây rồi. Từ nay có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”.
Chiếc xe đạp đi thu mua ve chai bây giờ đưa Long đi qua nhiều con đường xưa, gặp lại nhiều người quen cũ. Có người khinh, có người cảm thông, Long đã chuẩn bị tâm lý cho những chuyện này. Ở tuổi 40, Long chập chững đi tìm lại mình. “Làm nghề ve chai cũng tốt, cũng đủ trang trải qua ngày”, cô nghĩ vậy và tự tin cầm những đồng tiền ít ỏi nhưng lương thiện...
Lâm Hoàng (ghi)
(*): tên nhân vật trong bài đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư
Có những biến cố cuộc đời chực chờ ghìm bạn xuống, nhưng bạn đã từng bước vượt qua, để nay nhìn lại, bạn tràn đầy niềm tự hào về bản thân... Mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm vượt nghịch cảnh cùng chúng tôi. Bài viết và hình ảnh có bản quyền xin gửi về hộp thư email: online@baophunu.org.vn |