 |
Đám cưới với người đàn ông xa lạ là điều tôi chưa từng nghĩ đến (ảnh minh hoạ) |
Tôi vẫn nhớ cảm giác ê chề khi phải xếp hàng để những người đàn ông xa lạ chọn làm vợ. Chúng tôi phải đi tới đi lui để họ xem có khuyết tật gì không, nhan sắc thế nào.
Sau buổi "biểu diễn", người đàn ông nước ngoài 45 tuổi đã chọn tôi. Giây phút đó, tôi hoảng loạn như thể bị thần chết gọi tên. Mẹ kế đứng ngay gần đấy răn đe, nếu tôi không lấy người đàn ông này cũng phải lấy người khác, vì bệnh tình của ba tôi, vì nợ nần của nhà tôi không đợi được.
Ngay hôm sau, đám cưới thần tốc đã diễn ra ở nhà hàng Đầm Sen (quận 11, TPHCM) với 4 bàn tiệc. Khách mời toàn là người của công ty môi giới. Chưa khi nào tôi tưởng tượng đám cưới trong mơ của tôi diễn ra giữa những người xa lạ, với chú rể xa lạ như thế.
Mãi đến lúc đó tôi mới gặp ba tôi. Tôi hỏi ba chuyện đau ốm, nợ nần. Ba lảng tránh ánh mắt tôi, ấp úng: “Ừ thì ba có mắc nợ, ba cũng bệnh mới khỏi”.
Rồi ba ngẩng lên, giọng chắc nịch: “Ba và dì chỉ muốn con sung sướng. Ở quê, mấy đứa được cha mẹ gả lấy chồng nước ngoài đều gửi tiền về cất nhà”.
Tôi biết ba tôi chỉ nghe theo sự sắp xếp của mẹ kế, không có chủ kiến gì. Không thể dựa vào ba, tôi phải tự cứu lấy mình.
Đêm tân hôn, tôi như con kiến bò trong chảo nóng, hoảng loạn và lo sợ. Tôi ra dấu cho “chồng” biết tôi đang kỳ kinh nguyệt. Có lẽ ông ấy sợ xui xẻo nên không dám động vào tôi, nhờ vậy mà tôi thoát nạn. Hôm sau, ông ta phải về nước để làm thủ tục bảo lãnh tôi xuất cảnh. Mẹ kế cũng gấp rút đưa tôi về quê để làm giấy tờ.
Ở bến xe, lợi dụng lúc mẹ kế sơ hở, tôi bỏ trốn. Tôi về nhà dì tôi ở Tiền Giang. Chỗ đó quá gần nhà nội, dì sợ bị lộ nên ngay trong đêm, dì đưa tôi đi An Giang, trốn ở nhà người họ hàng. Mấy ngày sau đó, mẹ kế dắt hai thanh niên bà thuê được lùng sục tìm kiếm tôi khắp nơi.
Cả ngày tôi trốn trong buồng tối, không dám ra ngoài. Đêm cũng không dám ngủ. Nghe tiếng động hay tiếng chó sủa là tôi giật thót người, lo sợ bị bắt đi. Người họ hàng sợ bị tôi liên luỵ nên gửi tôi ở nhờ trong chùa. Cả ngày tôi lo nấu ăn trong bếp, không dám tiếp xúc với ai. Những ngày trốn chạy đó, nhiều năm sau vẫn ám ảnh tôi trong những cơn ác mộng kinh hoàng.
Nửa năm sau, đợi tình hình lắng dịu, dì tôi đưa tôi về Hậu Giang, xin cho tôi làm công việc bán hàng ở trung tâm thương mại. Người quản lý rất thương tôi, chị dạy cho tôi nhiều nghiệp vụ bổ ích. Chị nói sắp tới trung tâm chỉ giữ lại những người có bằng cấp, tôi phải liệu tính trước.
Tôi đã nghỉ học vào năm lớp 9, đi làm công nhân may để kiếm tiền đưa cho mẹ kế. Giờ không muốn bị mất việc, tôi đăng ký học bổ túc văn hoá. Có bằng tốt nghiệp lớp 12, tôi học luôn lớp trung cấp kế toán. Tôi được giữ lại làm nhân viên chính thức của trung tâm.
Hơn 10 năm sau, mãi đến khi có chồng, có con tôi mới đủ can đảm đưa chồng con về gặp ba và mẹ kế. Ba và mẹ kế lạnh nhạt, không nhìn nhận tôi. Có lẽ giấc mơ giàu sang sụp đổ, đối với ba và mẹ kế là nỗi cay cú, khiến họ không thể tha thứ cho tôi.
Người ta hay nói “không ai có thể chọn nơi mình sinh ra”, thôi đành vậy. Nhưng dù ba không nhìn nhận tôi, tôi vẫn về thăm ba, mua quà cho ba, biếu tiền tiêu vặt.
Tôi nhận ra, con người kỳ lạ lắm, cho dù mong manh yếu đuối tới đâu nhưng khi lạc vào bước đường cùng, bản năng sinh tồn sẽ trỗi dậy để tự cứu lấy mình. Cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra, miễn là đừng buông xuôi và tuyệt vọng. Vì tương lai tươi đẹp của mình, hãy cố gắng không ngừng. Tôi nợ các dì, nợ chị em đồng nghiệp món nợ ân tình. Mọi người đã yêu thương, nâng đỡ tôi từ vực thẳm, cho tôi một cuộc đời tử tế.
Ngọc Ngọc (Hậu Giang)
Có những biến cố cuộc đời chực chờ ghìm bạn xuống, nhưng bạn đã từng bước vượt qua, để nay nhìn lại, bạn tràn đầy niềm tự hào về bản thân... Mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm vượt nghịch cảnh cùng chúng tôi. Bài viết và hình ảnh có bản quyền xin gửi về hộp thư email: online@baophunu.org.vn |