PNO - Đó là ý nguyện của các nhân vật trong chương trình Khát vọng sống do Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức. Họ là những "chiến binh" đã truyền thêm sức mạnh cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Cha bị tâm thần, sức khỏe mẹ yếu đi sau tai nạn giao thông nên khi vừa mổ bỏ khối u khổng lồ như “mai rùa” trên vai đè nặng cả tuổi thơ mình, em hy vọng trở thành trụ cột gia đình.
Chưa kịp phụ giúp mẹ, giờ em mắc căn bệnh suy thận. Trước khi từ Bắc Ninh vào TP.HCM để gặp gỡ, giao lưu với hàng trăm bệnh nhân ung thư, em cũng vừa xin được việc làm phụ giúp gia đình. Chỉ mong, dù có đến ngày phải chạy thận nhân tạo, em vẫn được thuê làm việc để phụ giúp cha mẹ.
Cơn mưa hơn một giờ đồng hồ trước khi chương trình Khát vọng sống diễn ra, nhưng hội trường Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn chật kín chỗ ngồi.
Ngoài một nhân vật đang tiếp tục điều trị ở nước ngoài, 9 nhân vật của chương trình Khát vọng sống 2018 đều có mặt từ sớm. Họ cười nói vui vẻ, ánh mắt lấp lánh khiến không khí ngột ngạt, đớn đau của bệnh tật đang đè nặng khán phòng bỗng tan biến.
Ai từng vật vã đi qua cơn thập tử nhất sinh mới cảm nhận hết giá trị sự sống. Chị Đồng Thị Luyện là minh chứng thực nhất về sức sống mạnh mẽ.
Bác sĩ phát hiện chị bị bệnh ung thư giai đoạn đã muộn, nhưng chị Luyện quyết không từ bỏ. Chị hóa thành "chiến binh", chiến đấu bền bỉ để rồi vỡ òa khi đẩy lùi được căn bệnh quái ác.
Chị Luyện nói: “Ai cũng phải run sợ khi nghe bác sĩ thông báo về căn bệnh đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Tôi cũng vậy. Thời gian đầu tôi không thể ăn uống được gì. Có ngày đôi chân như muốn liệt, tay giơ lên đau điếng, tôi phải nhờ chồng giữ hai chân mình rồi dùng tay… bò đi. Phải vận động, cơ thể mới bình phục. Than khóc được gì đâu, phải mạnh mẽ để sống, để người thân an lòng”.
Các nhân vật truyền cảm hứng để các bệnh nhân có thêm niềm tin, hy vọng về một ngày mai bệnh tật sẽ được đẩy lùi.
Bà ngoại bé Thông Thái Lâm: "Tôi đã gặp được bác sĩ cứu cháu mình rồi"
Báo Phụ Nữ đã đặt khách sạn cho bà cháu tôi ở qua đêm, nhưng tôi muốn nhờ bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, người đã phẫu thuật đôi tay cho cháu Lâm tìm giúp cô giáo đã kết nối cháu tôi cho bác sĩ.
Ngoài cảm ơn bác sĩ Xuân Anh, tôi muốn cảm ơn cô giáo đã chia sẻ hoàn cảnh của gia đình tôi, của cháu Lâm để giờ đây cháu đã được tái tạo đôi bàn tay. Lâm đã đi học, đọc được chữ a, b, c… Nếu không có bác sĩ Xuân Anh, chắc bây giờ Lâm vẫn còn ngồi nhà mà thèm thuồng con chữ.
Khiếm thị đi cùng nhiều bệnh tật từ khi mới được sinh ra, nhưng cùng với sự dìu dắt của mẹ, hôm nay, em Lê Nguyễn Duy An, học sinh trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), nhân vật trong bài viết “Có mẹ, đường con đi tràn đầy ánh sáng” đã tự tin đối diện chính mình.
Nghe hỏi về mẹ, An khiến mọi người trong hội trường lặng đi: “Chưa từng thấy mẹ nhưng trong con, mẹ rất đẹp, mẹ là người hết sức tuyệt vời. Mẹ là tất cả, là siêu nhân, là sinh mệnh của con. Con muốn sau này trở thành giáo viên để dạy cho các em bị khiếm khuyết giống mình, cũng như viết tiếp ước mơ của mẹ. Mẹ ơi hãy lên đây cùng với con!"
Chị Lan bước lên sân khấu, nghẹn ngào: “Tuy một mình nuôi con nhưng tôi không đơn độc. Khi An bệnh, các bác sĩ, y tá không bỏ cuộc; khi con đến trường, các thầy cô, ân nhân đã đồng hành để mẹ con tôi có được ngày hôm nay.
Con phải cố gắng để đền đáp công ơn mọi người đã dành cho mình. Phải sống thật tốt, lương thiện để giúp ích cho xã hội”.
Chị Lan và con trai Duy An.
Có bệnh nhân mang theo ống truyền dịch, dìu nhau đến với niềm tin mãnh liệt vào một ngày họ lành bệnh, trở về với cuộc sống đời thường.
Chị Ôn Tuyết Hằng: Mỗi đêm chỉ ngủ được 3 – 4 tiếng nhưng vẫn khát khao giúp người nghèo
Thuốc morphin như thần dược giúp bệnh ung thư giảm đau được 3 – 4 tiếng, nhưng với tôi, morphin dường như hết tác dụng, chỉ giảm đau được 15 phút. Mới 27 tuổi nhưng tôi bị đủ loại bệnh: u xương cánh tay, u gan, sỏi túi mật, nhiễm trùng tiết niệu… Tôi không biết cuộc sống phía trước dài đến đâu, nhưng mỗi ngày tỉnh giấc, biết mình vẫn còn sống, tôi lại có thêm một ngày để gắn bó với bệnh nhi.
Đã từng có ý định đầu hàng số phận khi bị tai nạn liệt đôi chân trong độ tuổi đẹp nhất đời người, nhưng bằng ý chí của mình, anh Thái Duy Đức đã tìm thấy tình yêu cổ tích với người phụ nữ tuyệt vời. Ngồi xe lăn, anh cùng vợ vẫn đi phượt, truyền cảm hứng cho mọi người ở những nơi mình ghé qua.
“Tôi không nghĩ cuộc đời mình phải gắn liền với chiếc xe lăn. Sau khi bị tai nạn, tôi thấy cuộc đời bế tắc, nghĩ rằng mình không thể làm gì được nữa và chỉ muốn chết.
Nhưng tôi chưa làm được gì nên không cho phép mình yếu đuối. Từ đó, từng chút một tôi tập sống với di chứng và tìm thấy tình yêu của đời mình.
Vượt qua bao sóng gió, giờ đây tôi ham sống và rất sợ chết. Nếu không đầu hàng số phận, chúng ta sẽ đi được rất nhiều nơi, tìm thấy được nhiều niềm vui và hạnh phúc”, anh Đức nói.
Anh Thái Duy Đức và vợ tại buổi giao lưu
Bà Nguyễn Thị Thu Mai - Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM tặng quà cho các nhân vật
Hơn 100 bệnh nhân ung thư tham dự chương trình giao lưu Khát vọng sống từ đồng cảm đến mến mộ rồi tự mình quyết tâm phải tiếp tục sống. Sống vì một điều đơn giản: khi mình mất đi sẽ rất nhẹ nhàng, nhưng người thân sẽ luôn đau khổ. Sống bởi những kế hoạch chưa được thực hiện.
Chị Trần Thị Nguyên (28 tuổi, ở Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi bị ung thư 2 năm nay. Bác sĩ nói sự đau đớn của căn bệnh u hạch sẽ chỉ dừng lại khi tôi chết đi. Xạ trị, hóa trị khiến tôi thấy mình xấu xí, mất tự tin, chỉ muốn chết cho xong. Nhưng hôm nay, tôi biết bệnh ung thư không đáng sợ; điều đáng sợ là tôi không cười, không sống hạnh phúc ở chuỗi ngày còn lại".
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng phải đối mặt với thử thách của riêng mình - mưu sinh, công việc, bệnh tật... nhưng nếu sống với khát vọng vượt qua, chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc.
Chị Nguyên quan niệm, cuộc sống luôn công bằng, một khiếm khuyết nhỏ không thể đánh gục họ. Hôm nay, những nhân vật của chương trình Khát vọng sống 2018 đã chứng minh cho hàng trăm khách mời tham dự biết rằng, chính ở những giai đoạn chông gai, sự sống càng mãnh liệt. Cánh cửa hạnh phúc chưa bao giờ khép lại khi chúng ta mạnh mẽ mở ra.
Luôn vượt qua khó khăn, cuộc sống sẽ mỉm cười với bạn.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết: "Qua những chia sẻ của các nhân vật trong chương trình do Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức, chúng tôi rất vui về hiệu quả điều trị. Tôi muốn chia sẻ đến với bệnh nhân: bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết, nếu phát hiện sớm sẽ được điều trị khỏi bệnh, nhưng đôi khi nếu bệnh phát hiện trễ vẫn có hiệu quả điều trị.
Ngoài thuốc, chuyên môn của bác sĩ trong điều trị thì hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào chính người bệnh. Chúng ta vẫn có thể vượt qua bệnh tật nếu có khát vọng sống. Cảm ơn các nhân vật đã mang lại niềm tin cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM".
Bà Nguyễn Thị Thu Mai - Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM chia sẻ: Chương trình của Báo Phụ nữ TP.HCM đã đi qua 3 mùa. Chúng tôi xin gửi lời tri ân đến các bác sĩ, bệnh viện, các doanh nghiệp nhiều năm qua đã đồng hành cùng chương trình. Đây là chương trình mang lại nhiều cảm xúc nhất cho những người thực hiện.
Không chỉ vì 10 nhân vật rất đặc biệt, mà còn vì đây là lần đầu tiên, khách mời của chúng tôi là những bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, những người lúc nào cũng đau đáu với câu hỏi mình còn đủ thời gian không? Nhưng vượt lên tất cả, họ là những "chiến binh" đang từng ngày kiên cường chống chọi lại bệnh tật với một khát khao mãnh liệt - khát khao được sống.
Ai trong chúng ta cũng có khát vọng của riêng mình. Đó có thể là thành công hơn, giàu có hơn nhưng cũng có thể chỉ đơn giản là mỗi sáng thức dậy còn được thấy ánh mặt trời, thấy những người thân yêu của mình. Thật đẹp khi ai đó thua thiệt vẫn yêu đời, vẫn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, là điểm tựa cho nhiều người khác.
Chương trình Khát vọng sống của chúng tôi được thực hiện với mong muốn tôn vinh những con người như vậy và gửi đến mọi người một thông điệp: hãy sống và khát vọng!”.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.