Vượt qua áp lực khi phải chăm sóc người thân mất trí nhớ

24/10/2023 - 05:53

PNO - Vào giữa tháng Mười, một người đàn ông 96 tuổi sống tại bang Kentucky (Mỹ) phải đối mặt với cáo buộc âm mưu giết người vợ 90 tuổi mắc chứng mất trí nhớ.

Trong câu chuyện khác vào tháng Bảy, một người đàn ông 66 tuổi ở làng Chabtine, Lebanon bất ngờ bắn chết người vợ 65 tuổi của mình khi bà đang ngủ. Các nhân chứng phát hiện người chồng gục khóc bên thi thể đầy máu của vợ. Chính quyền thị trấn bày tỏ sự bàng hoàng và tiếc thương trước vụ việc. Điều tra sơ bộ cho thấy người đàn ông mắc bệnh Alzheimer. Họ có 2 con và không có bất kỳ mâu thuẫn nào xảy ra giữa vợ chồng.

Hầu hết các gia đình Lebanon chăm sóc người thân mắc bệnh Alzheimer tại nhà. Hiệp hội Alzheimer Lebanon cho biết: “Chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến hơn 7% dân số Lebanon. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân sa sút trí tuệ cần được chăm sóc và quan tâm nhiều hơn, đặt gánh nặng lên người chăm sóc vốn thường là những người thân trẻ tuổi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và tâm lý, cuộc sống gia đình, sinh kế và an ninh tài chính của họ”.

Anh Daniel Lim và cha mẹ của mình - Nguồn ảnh: SCMP
Anh Daniel Lim và cha mẹ của mình - Nguồn ảnh: SCMP

Tại Singapore, một cuộc khảo sát vào tháng 7/2023 cho thấy: 74% người chăm sóc thân nhân mắc chứng mất trí nhớ chìm trong áp lực và trách nhiệm. Chỉ 1/5 số người được hỏi cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng để nhận trách nhiệm này. Daniel Lim chỉ mới 30 tuổi vào năm 2009, khi cha anh được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ và mẹ anh mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 3B.

Anh Lim bộc bạch: “Tôi là con một và chỉ sau 1 đêm, tôi bỗng trở thành trụ cột duy nhất của gia đình. Tôi không có kinh nghiệm, không được người thân trợ giúp và cũng không có bất kỳ dịch vụ hỗ trợ nào dành cho người chăm sóc ở Singapore vào thời điểm đó”. Trong 3 năm tiếp theo, sức khỏe thể chất và tinh thần của Lim đều bị ảnh hưởng. Anh nghiện đồ ăn vặt khi tìm cách đối phó với cảm xúc của mình và trở nên cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn. Anh ấy hầu như không ngủ vào ban đêm và bắt đầu cô lập bản thân với xã hội. Việc chăm sóc ba mẹ, đưa họ đi khám bệnh chiếm phần lớn thời gian trong ngày của Lim, trong khi anh vẫn phải làm việc để trang trải cuộc sống.

Anh Lim cho biết: “Những ngày đầu, tôi cảm thấy bực bội và thực sự muốn bỏ rơi ba mẹ. Nhưng thời gian trôi qua, với tư cách là đứa con duy nhất, tôi không thể làm họ thất vọng”. Lim tâm sự với sếp và đồng nghiệp về hoàn cảnh của mình. May mắn, họ đã thấu hiểu, ủng hộ và thậm chí còn quyên góp tiền cho gia đình anh. Sự hỗ trợ của họ khiến Lim hiểu rằng việc người chăm sóc yêu cầu giúp đỡ là điều bình thường và cần thiết.

Tiến sĩ tâm lý Adrian Low từ Hồng Kông (Trung Quốc) giải thích: “Sự kết hợp giữa trách nhiệm chăm sóc với công việc và các cam kết cá nhân khác, chứng kiến thành viên trong gia đình vật lộn với căn bệnh và cảm giác như bản thân chưa làm hết khả năng có thể khiến người chăm sóc căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần, gây ra cảm giác chán nản, bất lực. Những vấn đề này, nếu không được quản lý, có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức của người chăm sóc, bao gồm thể chất kém, rối loạn cảm xúc, xa cách xã hội và trầm cảm”.

Tiến sĩ Low cho biết, với tư cách là người chăm sóc, điều quan trọng là phải ưu tiên các nhu cầu thể chất và tinh thần của chính mình trước nhiệm vụ chăm nom người thân. Điều này có thể bao gồm việc nghỉ giải lao thường xuyên, thực hành các hoạt động chăm sóc bản thân như tập thể dục và thiền định, tìm kiếm các kết nối xã hội, đặt ra những kỳ vọng thực tế cho bản thân, truyền đạt nhu cầu của bạn cho người khác và chia sẻ nhiệm vụ khi thích hợp.

Linh La

 (theo USA Today, Arab News, SCMP, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI