Vượt núi tìm... duyên

27/03/2017 - 12:51

PNO - Đối với đồng bào A Bã, dốc và hang A Cứp vốn là một “chứng tích” của tình yêu đôi lứa.

Vượt qua cách trở núi rừng, những mối tình chồng Lào vợ Việt hay chồng Việt vợ Lào ở thôn A Bã được nhiều người ví như những bản tình ca lãng mạn giữa đại ngàn Trường Sơn.

Vuot nui  tim... duyen
Chị Hồ Thị Mễ hạnh phúc khi được anh Trao yêu thương

 Thôn A Bã thuộc xã Nhâm, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) nằm sát biên giới Việt - Lào. Anh Hồ Văn Xiếp, người đi cùng chúng tôi, dừng xe chỉ những túp nhà xa xa lọt thỏm giữa núi rừng, giới thiệu: “Đó là thôn A Bã mà chúng ta sắp tới. Từ ngày mở con đường vào thủy điện, người miền xuôi đến A Bã dễ hơn nhiều”.

Dừng lại trước một căn nhà bê tông vừa xây xong, chúng tôi làm quen với một phụ nữ khoảng 30 tuổi, đang tò mò nhìn khách lạ: “Mình là Lê Thị Ngột, người dân tộc Pa Cô, lập gia đình năm 1998, đã có bốn con rồi. Chồng mình là anh Bình, 38 tuổi, người Lào”. Hỏi vui là chị “tán” anh hay anh “tán” chị, chị ngượng ngùng cười: “Mình với bố mẹ chuyển lên A Bã năm 1993, dịp đó anh Bình từ Lào sang buôn bán nên chúng mình quen nhau.

Năm năm sau hai gia đình tổ chức cưới. Là anh Bình “tán” mình trước”. Từ phía cổng nhà có tiếng xe máy, chị ngoái nhìn lại, giới thiệu: “Chồng mình đó, anh vừa ra chợ mua phân về bón cho mấy đồi ngô trên rừng. Nhà này được xây nhờ tiền bán ngô vụ trước. Nhờ trồng ngô mà nhà mình đủ ăn, có tiền cho con đi học”, nét mặt chị chợt rạng rỡ hẳn lên. 

Sau một hồi thù tạc, khi chủ khách đã chuếnh choáng, anh Bình hào hứng kể lại “chiến tích” chinh phục người con gái Pa Cô 5 năm trước của mình: “Hồi chưa chia tách biên giới, bố mình là giáo viên dạy học ở xã Hồng Quảng. Sau khi trở về huyện Ka Lưm (Lào) năm 1993, ông lại đưa gia đình sang đất Việt buôn bán, mình được theo bố mẹ lần đầu đặt chân đến A Lưới. Mình quen Ngột trong một lần chở chuối sang bán cho bố mẹ Ngột ở xã Hồng Quảng”. 

Vuot nui  tim... duyen
Đường vào thôn A Bã

Biết nhau rồi, đến đêm là Bình cùng nhiều trai bản tới nhà rủ Ngột đi sim (một nét văn hóa của người vùng cao). “Qua đây để theo đuổi chị Ngột, anh không sợ trai bản sinh sự sao?” - tôi hỏi. Bình nói ngay: “Có chứ! Nhưng mình thương Ngột cũng như ngọn núi A Ru xanh ngắt sau làng. Sợ nhưng cứ đi thôi. Tháng nào mình cũng sang đây hơn mười lần, rồi ở lại hai ba đêm mới về Lào. Từ quê cũ ở Lào sang đây mất một ngày đường rừng, phải vượt sông A Sáp, A Linh, dốc A Cứp mới đến; nhưng được hẹn hò với Ngột thì mình không lo chi. Lỡ thương rồi nên cũng mạnh dạn hơn”. 

Như để chứng minh tình cảm của mình, Hồ Văn Bình bước ra giữa nhà hát điệu Snớt mà năm xưa anh vẫn hát làm tín hiệu hẹn hò: “Mỗi khi hẹn gặp nhau, mình đứng dưới nhà hát điệu Snớt, Ngột biết ý xin ra ngoài, nhưng không được nói chuyện quá lâu vì bố mẹ không cho, chỉ nói một lúc rồi cầm tay tạm biệt thôi”. Nói xong, anh thình lình quay lại nắm tay vợ...

 Duyên vợ chồng cũng đến với chị Hồ Thị Mễ (SN 1991), quê ở thôn A Ling, huyện Ka Lưm, tỉnh Sê Kông, Lào và anh Nguyễn Văn Trao. Một lần theo bố mẹ sang A Bã để ra thị trấn A Lưới bán măng rừng,  chị Mễ quen anh Nguyễn Văn Trao, là chồng chị bây giờ. Phút giây gặp gỡ ngắn ngủi, Mễ chỉ kịp để lại dòng địa chỉ với hy vọng ngày nào đó anh Trao có thể qua A Ling thăm nhà chị. “Duyên số thôi, anh Trao tới nhà gặp mình rồi cưới thôi. Anh ấy nói yêu mình, xin bố mẹ mình cho làm lễ rước vợ cuối năm ngoái đó.

Ở đây trai gái yêu nhau chỉ ra bờ suối nói chuyện chứ không đi phố uống cà phê như dưới thị trấn mô, mình với chồng Trao cũng vậy thôi. Con trai trên này nói chuyện không hay như người dưới xuôi mô”. Trong ngày cưới, người Pa Cô ở Trường Sơn thường làm lễ Chõo Văn trong đêm, lễ vật của nhà trai phải có bạc trắng, một cây dao và vòng mã não. Anh Trao kể: “Lúc làm lễ mình đứng giữa sàn nhà, sau khi vắt nắm xôi ăn nên nghĩa vợ chồng, mình đưa cây dao quay cán về phía Mễ cùng với lễ vật, ngụ ý nếu anh phụ tình thì hãy dùng mũi dao mà kết liễu cuộc đời”...

Một chàng trai Lào khác cũng đã kết duyên với cô gái Việt nhờ những lần hộ tống bạn vượt rừng sang A Bã gặp bạn tình. Đó là Akiêng Sin, bạn hàng xóm với Hồ Văn Bình. Akiêng Sin kể, trong đám cưới của Bình, Sin tình cờ quen chị Hồ Thị Lợi, ngụ thôn A Bã, xã Nhâm. Mùa hè nước sông cạn vượt qua còn dễ; mùa mưa thì rất nguy hiểm, nước lên nhanh, có ngày chỉ vài giờ là nước dâng cao, chảy xiết không thể về được.

Vuot nui  tim... duyen
Từ ngày lấy chồng Lào, chị Lợi rất hạnh phúc

Hay như dốc A Cứp, phải mất năm giờ đồng hồ mới đi hết, mà không biết sao lúc đó mình mạnh mẽ thế - Sin bế đứa con nhỏ trên tay vừa kể vừa cười. “Anh ấy là mối tình duy nhất của mình. Vợ chồng mình đã có hai con nhỏ rồi. Vợ chồng làm rẫy, trồng lúa nước và nuôi heo, nuôi bò nên cũng ổn định được cuộc sống”, chị Lợi nói.

Điểm chung chúng tôi ghi nhận từ những chàng trai, cô gái lấy vợ hoặc chồng người Lào sang làm ăn sinh sống tại thôn A Bã là tất cả họ đều không hề biết đến giấy kết hôn hay bất kỳ một thủ tục nào. Toàn thôn có 39 hộ, 189 nhân khẩu, thì có đến 21 hộ có con gái lấy chồng Lào, còn lại là lấy vợ Lào hoặc kết hôn giữa những người Lào sang định cư tại đây.

Thế nhưng, tính đến nay số hộ ra ủy ban xã đăng ký kết hôn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ chỉ nghĩ đơn giản, trai gái làm lễ cưới xong, về ở với nhau đã chính thức là vợ chồng.

Ông Hồ Viết Rưng, Phó chủ tịch xã Nhâm cho biết, không riêng xã Nhâm mà ngay cả huyện A Lưới có hàng trăm trường hợp lấy chồng hoặc vợ là người nước ngoài; tập trung chủ yếu ở các xã sát biên giới như Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Vân… và rất ít trường hợp đến ủy ban xã đăng ký kết hôn. Thực tế, hậu quả của những mối tình xuyên biên giới ở A Lưới không phải là không có. Nhiều cặp đôi chỉ sau khi cưới ít lâu là bỏ nhau, mà thua thiệt thường rơi vào người phụ nữ.

Chính quyền địa phương cũng đã cố gắng tạo điều kiện nhập quốc tịch, làm hộ khẩu cho những người này sau một thời gian họ định cư, để con em họ được đến trường. Những trường hợp khó khăn còn được cấp đất sản xuất, lồng ghép hỗ trợ vào các chương trình để phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống.

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI