 |
Bà Đỗ Thị Vàng và Vũ Thị Lệnh từ Hải Phòng vào TPHCM xem lễ - Ảnh: Thùy Dương |
Trong dòng người nô nức cờ hoa, bà Đỗ Thị Vàng và bà Vũ Thị Lệnh đều đã ở tuổi 70 khiến nhiều người xúc động. Từ sáng sớm, bà Vàng và bà Lệnh diện trang phục áo dài cờ đỏ sao vàng và dậy thật sớm để tìm vị trí đẹp ở công viên 23/9 để chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của đất nước. "Chúng tôi tự hào lắm, hồi hộp lắm!" - bà Vàng chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Để thực hiện chuyến đi ý nghĩa này, 2 bà đã cẩn thận chuẩn bị và đặt vé máy bay từ tận 2 tháng trước - một minh chứng cho sự trân trọng và kỳ vọng lớn lao vào ngày đại lễ.
Trong đợt lễ này, rất nhiều gia đình đông thành viên cũng khăn gói "tiến về Sài Gòn". Gia đình chị Trương Thị Mỹ Tiên gồm 11 người từ An Giang lên Sài Gòn và có một đêm trắng đáng nhớ ở đường Nguyễn Huệ. Sau một đêm chong mắt chờ sáng, tuy ngồi quá xa không được xem cận cảnh diễu binh, nhưng "thấy được 2 chiếc máy bay lộn nhào là em thấy "đủ vốn" rồi"- chị Tiên nói.
Còn chị Nguyễn Thị Thúy và Lê Thị Nga đến từ Hưng Yên chọn được vị trí đẹp ở đường Lê Lai, quận 1 vì "chúng em nghiên cứu kĩ các tuyến đường đoàn diễu binh đi ngang và đã chọn được vị trí 'đắc địa'". Đây là 2 người phụ nữ đã không ngại chặng đường dài hơn 1.000km và đằng đẵng 2 ngày trên xe khách để đến được TPHCM. Hành trình gian nan ấy chẳng thể dập tắt được ngọn lửa nhiệt huyết và lòng mong mỏi được tận mắt chứng kiến đoàn diễu binh hùng tráng, được hòa mình vào biển người hân hoan của 2 chị.
Trong biển người mênh mông ấy, em Nguyễn Sỹ Hoàng Trà học lớp 10 Trường THPT Tư Nghĩa Mẫu, tỉnh Quảng Ngãi trở nên bé nhỏ. Trà đi xe khách vào ngày 28/4 vì "mơ ước của em là trở thành một quân nhân, nên em một mình đi xe khách vào xem", Trà nói.
Riêng 4 mẹ con chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung ở tỉnh Bình Phước lại nổi bật trong đám đông với 3 chiếc vali. Chị hồ hởi kể, đêm qua 4 mẹ con ngủ trước sảnh Nhà hát thành phố. Bọn trẻ thì háo hức cả đêm không ngủ để sáng nay được xem diễu binh, diễu hành.
Những hành trình vượt ngàn dặm ấy không chỉ đơn thuần là sự di chuyển về mặt địa lý, mà còn là sự hội tụ của những trái tim yêu nước, của niềm tự hào về một Việt Nam thống nhất, hòa bình và ngày càng phát triển. Trong hành trang của mỗi người con xa quê trở về là cả một bầu trời ký ức, là những câu chuyện về sự đổi thay của đất nước, và trên hết là niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Tại các ngả đường dẫn về trung tâm thành phố, hình ảnh những đoàn xe khách chở nặng tình cảm của người dân từ các tỉnh, những chuyến tàu hối hả đưa những người con xa xứ trở về, đã trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh đất nước những ngày này. Trong ánh mắt mỗi người đều ánh lên niềm vui sướng, sự háo hức khi sắp được chào đón một dấu mốc lịch sử quan trọng.
Sự hiện diện của những người con từ phương xa đã tô điểm thêm cho ngày đại lễ một sắc màu đặc biệt, một minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, cho ý chí thống nhất của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ nơi đâu, trái tim của mỗi người dân vẫn luôn hướng về Tổ quốc, và những ngày tháng Tư lịch sử này chính là dịp để tình yêu ấy được thể hiện một cách mạnh mẽ và sâu sắc nhất.
 | Đôi bạn Thuý và Nga đến từ Hưng Yên - Ảnh: Thùy Dương |
|
|
 |
Em Nguyễn Sỹ Hoàng Trà với ước mơ trở thành một quân nhân - Ảnh: Thùy Dương  | Gia đình 3 thế hệ của chị Mỹ Tiên - Ảnh: Thùy Dương |
|
 |
Mẹ con chị Thùy Dung và 3 chiếc vali, hành trang từ Bình Phước về TPHCM xem đại lễ - Ảnh: Thùy Dương |
Từ Hà Nội, vợ chồng chú Đỗ Ngọc Cần và cô Trần Thị Hồng Liên đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 của mình từ 1 tháng trước. “Chúng tôi không đi máy bay mà quyết định đi tàu Thống Nhất từ Hà Nội vào vì đi dọc chiều dài đất nước, nhìn lại những sự thay da đổi thịt của đất nước mình. Vui nhất là trong suốt hành trình trên tàu cũng như trong buổi sáng 30/4, bắt gặp nhiều người cũng như mình, từ xa tới để hòa cùng vào không khí cả nước cùng hướng về TPHCM, hướng về cột mốc lịch sử ý nghĩa” – cô Hồng Liên chia sẻ.
 |
Bố cô Trần Thị Hồng Liên là bộ đội Trường Sơn, bố chú Đỗ Ngọc Cần là bộ đội chống Pháp. Có mặt tại TPHCM hôm nay chính là ý nghĩa của hòa bình |
Không khí cuồng nhiệt của người dân TPHCM
 |
Góc đường Hai Bà Trung - Nguyễn Đình Chiểu khi đội hình đi qua |
 |
Tận dụng mọi phương tiện để xem diễu binh |
Anh Trần Xuân Mạnh (sinh năm 1988, ngụ quận Phú Nhuận) đạp chiếc xe đạp Thống Nhất cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra trung tâm từ 5g sáng. Anh Mạnh cho biết, mình đã xem tổng duyệt nên sáng nay chỉ muốn “khoe” với mọi người 2 món vật mình sưu tập được: là chiếc xe đạp và lá cờ - biểu tượng cho 1 giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. “Là người yêu thích lịch sử, tôi quan tâm tìm hiểu và sưu tập những món kỷ vật nhỏ này. Hôm nay, tôi muốn đạp xe một vòng khu trung tâm để tận hưởng không khí ngày 30/4. Rất vui khi nhiều người, nhất là các bạn trẻ tay bắt mặt mừng với mình và cùng chụp ảnh với 2 món vật quý của mình” – anh Mạnh chia sẻ.
 |
Phong cách đón lễ độc đáo của anh Trần Xuân Mạnh thu hút sự quan tâm của nhiều người |
 |
Người dân rạng rỡ đón đại lễ |
Anh Nguyễn Văn Cường (ngụ phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng gia đình và bà con lên đến 15 người đã cùng bay vào TPHCM nhằm hòa vào không khí ngày đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
"Chúng tôi bay vào từ chiều 28/4, thuê khách sạn ở quận Tân Bình. Sớm nay thì xuất phát đến khu trung tâm nhưng có vẻ mọi nẻo đường đã kín nên quyết định theo dõi diễu binh, diễu hành qua màn hình led” – anh Cường, dừng chân ở ngã tư Điện Biên Phủ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho biết.
Thùy Dương - Ngọc Tuyết