Trong thế giới Ả Rập, phụ nữ thường có địa vị và quyền hạn thấp hơn đàn ông, phải chấp nhận đứng sau người đàn ông, chỉ quanh quẩn làm công việc nội trợ và chịu sự “giám hộ” của họ. Giờ đây, không hiếm phụ nữ Ả Rập theo chiến thuật “mưa dầm thấm đất”, dần dần khẳng định sự độc lập của mình bằng chính nghề nghiệp riêng.
Tại thành phố Zarqa (Jordan), cô Maryam Mutlaq (41 tuổi) cùng 29 phụ nữ khác đang làm công việc của nam giới, là thợ sửa ống nước sau khi tham gia một khóa học 18 tháng do tổ chức Millennium Challenge của chính phủ Mỹ tài trợ, giúp cải thiện việc cấp thoát nước ở đây.
Trong hội thảo gây quỹ nhằm phát triển dự án cá nhân, Maryam trình bày dự án chi tiết về việc mở cửa hàng buôn bán ống nước và các phụ tùng khác. Theo quy định nghiêm ngặt từ truyền thống, thợ nam không được phép vào nhà nếu không có đàn ông ở nhà cùng người phụ nữ. Vì vậy, công việc này sẽ dễ dàng hơn nếu người thợ là nữ.
|
Maryam bên thiết bị sửa chữa ống nước - Ảnh: THE WASHINGTON POST |
Phụ nữ Ả Rập không được ra ngoài làm việc hoặc chỉ làm những việc như giáo viên, y tá, nhân viên chính phủ cấp thấp, còn đàn ông mới là trụ cột kinh tế, nuôi sống gia đình. Vì thế, công việc Maryam chọn là thách thức lớn với bản thân vì rất hiếm phụ nữ theo đuổi. Lối suy nghĩ đó đã bám rễ vào tiềm thức của nhiều thế hệ đến tận những đứa con của Maryam.
Tuy nhiên, cô không từ bỏ và vẫn tự hào về công việc của mình. Thêm vào đó, sự động viên của chồng đã giúp cô vượt qua khó khăn, phát triển năng lực bản thân và kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Sau nhiều tháng nỗ lực, Maryam Mutlaq hiện là trợ lý sửa chữa trong trường học, nhà dân và dạy các bà nội trợ cách chữa đường ống rò rỉ, làm sạch bể chứa. Các con cô giờ đã biết khích lệ mẹ nhiều hơn, tay nghề của cô cũng được khen ngợ i nhiều hơn. Maryam Mutlaq chia sẻ: “Phụ nữ chúng ta cần phải thử thách chính bản thân mình”.
Phụ nữ nhận nhiều cơ hội việc làm đồng nghĩa với việc vấp phải phản ứng dữ dội. Nhiều người cho rằng nghề sửa ống nước chỉ dành cho đàn ông, khi phụ nữ đảm nhiệm vai trò đó, họ sẽ thất nghiệp và vi phạm đạo đức. Hơn thế nữa, quan niệm xã hội khắt khe khiến nhiều người không quen thấy phụ nữ làm những công việc “phi truyền thống” như thợ sửa ống nước hay tài xế xe tải.
Phụ nữ các nước Ả Rập đi làm bên ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp, Jordan chiếm tỷ lệ thấp hơn so với trung bình của khu vực, chỉ hơn 14%. Các cô gái sau khi tốt nghiệp có xu hướng làm việc trong một thời gian ngắn, đến khi lấy chồng thì “lui về ở ẩn” do sự phân biệt giới tính, lương thấp, không được thăng tiến trong công việc hoặc chọn những công việc nhẹ nhàng để tiện chăm sóc con cái.
Không chùn bước, phụ nữ Jordan còn thử sức làm lập trình máy tính, một việc xưa nay được xem chỉ dành cho nam giới. Ở thủ đô Amman (Jordan), cô Hanan Khader (37 tuổi) hiện sở hữu một học viện chuyên đào tạo về lập trình sau 15 năm cô kiên trì… làm công. Với hy vọng truyền cảm hứng cho những lập trình viên nữ tương lai, Hanan mở lớp, tự thiết kế chương trình giảng dạy kỹ năng mã hóa cho trẻ từ tám tuổi.
Đáng chú ý, hơn một nửa số lượng trẻ đăng ký học tại đây là các bé gái. Ngoài ra, sách giáo khoa của cô được sử dụng trong trường học khắp Jordan và đưa đi thí điểm ở Hà Lan, Mỹ. Song, thực trạng cho thấy rất nhiều phụ nữ tốt nghiệp ngành khoa học máy tính nhưng chỉ chiếm 1/3 lực lượng lao động của ngành công nghệ này. Theo thống kê của cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, có đến 67,7% phụ nữ Jordan không có mặt trong thị trường lao động.
Yara Alkhader, nữ giám đốc kỹ thuật tại công ty do cô thành lập SA3ED.ME chủ động thuê các giáo viên nữ về dạy lập trình cho trẻ. Sự sáng tạo trong lập trình máy tính đã truyền cảm hứng cho cô trở thành nhà phát triển trong lĩnh vực xử lý thông tin phần mềm. “Tôi cảm thấy vui sướng sau khi viết xong mã lệnh và xem cách nó hoạt động như thế nào!”.
Yara chia sẻ. Con đường trở thành nữ lập trình viên không hề dễ dàng, cô nói thêm: “Là phụ nữ, bạn phải làm việc hơn gấp mười lần nam giới để chứng minh bản thân và cho thấy bạn có đủ năng lực để tiến xa hơn trong sự nghiệp”. Đa số phụ nữ không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và đồng nghiệp nam, phải đối mặt với những khuôn mẫu truyền thống về giới trong xã hội Jordan.
Ngày nay, số lượng phụ nữ ở các nước Ả Rập học hành tử tế và đạt kết quả cao ngang bằng hoặc cao hơn số lượng nam giới nhưng việc làm thì không ổn định sau khi tốt nghiệp, rất ít người làm những công việc liên quan đến nhà đất, công nghệ, máy móc, sửa chữa... Tuy nhiên, nhiều phụ nữ đã bước ra bóng tối vô hình vây bủa bao thế hệ trước, và tìm cho mình một công việc ổn định.
|
Một phụ nữ Ai Cập ngồi sau vô lăng Ảnh: EGYPTIAN STREET |
Tại Ai Cập, một số phụ nữ làm nghề lái xe tải, bất chấp lời chế giễu từ những người xung quanh. Năm trước, nhiều phụ nữ Lebanon đã theo học lớp kỹ năng lập trình máy tính ở trung tâm tin học thuộc một trường đại học. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, thu nhập gia đình có thể tăng lên 25% nếu phụ nữ đi làm. Các doanh nghiệp ở Trung Đông dần nhắm đến nguồn lao động nữ vì đây là một nguồn lực đầy tiềm năng.
Được đào tạo tốt nhưng vấp phải nạn phân biệt giới tính đã làm phụ nữ, gia đình và đất nước của họ mất đi nhiều cơ hội phát triển. Giáo dục không thôi vẫn chưa đủ để tạo việc làm cho phụ nữ mà cần có yếu tố khác như sự nỗ lực từ bỏ khoảng cách về giới, sự hỗ trợ từ chính phủ, các doanh nghiệp.
Nguyễn Khanh (Theo Middle East Eye, The Washington Post, Brookings.edu, Aljazeera.com)