Vượt khó, làm giàu nơi đất khách

12/12/2021 - 15:57

PNO - Nỗ lực hòa nhập vào cuộc sống mới nơi xứ lạ là điều không đơn giản với phần đông phụ nữ nhập cư. Nhiều người hết sức chật vật khi muốn tìm việc làm, bất kể năng lực sẵn có. Tại Úc, mô hình doanh nghiệp xã hội chuyên giúp đỡ phụ nữ đang đem đến nhiều sự đổi thay tích cực nhằm hóa giải tình trạng trên.

Trên một đoạn phố mua sắm tấp nập ở Seddon, khu nội ô phía tây Melbourne, Úc, một nhóm phụ nữ nhập cư đang hỗ trợ nhau theo đuổi mơ ước lập nghiệp. Họ cùng tạo ra câu chuyện truyền cảm hứng về doanh nghiệp xã hội với tên gọi Trung tâm Bảo trợ văn hóa và quyền lợi phụ nữ Casa Bonita. 

Bên trong cửa hàng chính tại Seddon, không khó bắt gặp cảnh nhóm sáu nữ doanh nhân ngồi quanh bàn làm việc, hăng hái thảo luận về những chủng loại hàng hóa họ kinh doanh: trang sức, đồ gia dụng, dụng cụ thể thao... Trước mỗi dịp lễ hội, sự kiện giảm giá hằng năm, các buổi họp diễn ra càng sôi nổi hơn. Hàng loạt vấn đề quan trọng như cách bài trí sản phẩm, chính sách chăm sóc khách hàng, dịch vụ gói quà… đều được tỉ mỉ trao đổi, hoàn thiện.  

“Bắt đầu lại từ con số 0”

Nữ doanh nhân Liliana Bravo Quiroz quảng bá sản phẩm thủ công mang dấu ấn văn hóa Nam Mỹ tại cửa hàng trực thuộc Trung tâm Casa Bonita - Ảnh: Casa Bonita Lifestyle
Nữ doanh nhân Liliana Bravo Quiroz quảng bá sản phẩm thủ công mang dấu ấn văn hóa Nam Mỹ tại cửa hàng trực thuộc Trung tâm Casa Bonita - Ảnh: Casa Bonita Lifestyle

Ở Úc, Trung tâm Casa Bonita là một đề cử tiêu biểu cho mô hình doanh nghiệp xã hội đương đại. Nơi đây vừa đóng vai trò không gian mua sắm thú vị dành cho những ai yêu thích văn hóa người nhập cư vừa giúp phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh theo đúng đam mê, sở trường.

Nữ doanh nhân Liliana Bravo Quiroz, người lên ý tưởng thành lập Casa Bonita, hiểu rõ việc tự thân khởi nghiệp nơi một đất nước hoàn toàn xa lạ có thể trắc trở đến nhường nào. Sinh ra ở Colombia, Nam Mỹ, cô đặt chân đến quốc gia châu Đại Dương lần đầu dưới tư cách du học sinh. Khi quê nhà xảy ra nhiều biến động, Quiroz quyết định quay lại định cư lâu dài tại Úc.  

Là một người mẹ đồng thời là một doanh nhân năng động, Quiroz từng có khởi đầu gian nan khi cố gắng rèn luyện tiếng Anh để vượt qua rào cản ngôn ngữ. “Trở ngại lớn khác nằm ở việc tìm kiếm, tạo lập mạng lưới nhà đầu tư và khách hàng. Lúc đó, tôi còn đang loay hoay chăm sóc con nhỏ. Không may mắn có gia đình bên cạnh san sẻ nên trong mỗi bước đi, tôi đều phải đắn đo, suy tính thận trọng” - Quiroz chia sẻ.

Nỗi băn khoăn về những người cùng cảnh ngộ khiến Quiroz muốn xây dựng Casa Bonita, một trung tâm vì cộng đồng không chỉ trao cho phụ nữ nhập cư cơ hội học tập, nâng cao trình độ kinh doanh mà còn giúp “chắp cánh” ước mơ lập nghiệp của họ. “Tôi muốn tạo thêm cơ hội cho phụ nữ, những người phải chấp nhận làm lại mọi thứ nơi đất khách. Họ tài năng, tháo vát nhưng không có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp” - Quiroz nhấn mạnh.

Những doanh nghiệp  xã hội đang giúp tạo dựng chỗ đứng, tiếng nói cho phụ nữ nhập cư từ nhiều quốc gia ẢNH: SISTERWORKS
Những doanh nghiệp xã hội đang giúp tạo dựng chỗ đứng, tiếng nói cho phụ nữ nhập cư từ nhiều quốc gia - Ảnh: SisterWorks

Trao thêm quyền lợi nhằm giúp phụ nữ nhập cư vươn lên từ bàn tay trắng cũng là tiêu chí hoạt động của SisterWorks, một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận có trụ sở tại Melbourne. “Khi tôi đến Úc, tất cả bằng cấp, thành tựu làm việc trước kia của tôi không còn mấy ý nghĩa. Thật khó khăn vì bạn phải bắt đầu lại gần như từ con số 0. Trung tâm này đã nâng đỡ tôi lúc tôi hoang mang nhất” - nữ kỹ sư chuyên ngành công nghệ Macarena Erbs bày tỏ. Nhập cư đến Úc từ Chile, cô từng nhận hỗ trợ và nay đang làm việc ở văn phòng SisterWorks.

Để phụ nữ tự tin tiến bước

Kiến thức là “hành trang” không thể thiếu nếu chúng ta muốn tiến xa trên con đường sự nghiệp. Với nhiều phụ nữ nhập cư, cơ hội được đào tạo, rèn luyện kỹ năng chuyên môn tại doanh nghiệp xã hội là nền tảng quý giá giúp họ xây dựng hướng đi riêng vững vàng. 

Brenda Gil là một trong nhiều nữ doanh nhân trẻ đã đi lên thành công nhờ thế. Cô chia sẻ: “Tôi đã học hỏi được vô số kiến thức bổ ích liên quan đến kinh doanh, tất cả những thứ bạn cần để lập nghiệp, thông qua sự cố vấn nhiệt tình từ Casa Bonita”.

Gil hiện vừa quản lý một cửa hàng cây cảnh và chậu cây thủ công vừa học thêm nghề xoa bóp trị liệu. Cô tiết lộ sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao kỹ năng cần thiết để có thể kết hợp hai lĩnh vực yêu thích - cây cỏ và y học cổ truyền thành dự án kinh doanh sáng tạo.  

Một buổi hội thảo tư vấn kỹ năng nghề nghiệp tại trung tâm SisterWorks - Ảnh: SisterWorks
Một buổi hội thảo tư vấn kỹ năng nghề nghiệp tại trung tâm SisterWorks - Ảnh: SisterWorks

Tại Trung tâm Hỗ trợ quyền phụ nữ của SisterWorks, tinh thần gắn kết, cùng nhau học hỏi, vượt khó càng rõ nét hơn. “Khó khăn chung của rất nhiều phụ nữ nhập cư là rào cản ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc. Khi đến một đất nước mới, tiêu chuẩn bằng cấp khác biệt so với quê hương của bạn cùng cảm giác cô độc, lạc lõng dễ khiến bạn thấy thiếu tự tin khi tìm việc làm lẫn phát triển bản thân. Đó là lý do chúng ta cần nhiều hơn những doanh nghiệp xã hội với chức năng hỗ trợ, cố vấn kỹ năng nghề nghiệp dành cho phụ nữ nhập cư” - Maria Chindris, Trưởng bộ phận Quan hệ cộng đồng tại SisterWorks, giải thích. 

Mở rộng ý tưởng hoạt động từ Casa Bonita, SisterWorks đang vận hành nhiều chương trình hội thảo phát triển kỹ năng công việc, không riêng ở ngành kinh doanh bán lẻ. Những lĩnh vực phổ biến được phụ nữ nhập cư quan tâm là ngoại ngữ, may mặc, công nghệ máy tính và dinh dưỡng sức khỏe. “Khi tham dự hội thảo, học viên có thể tích lũy thêm các kiến thức nền tảng hữu dụng khác như nấu ăn, giao tiếp... có ích cho họ trong nghề nghiệp và cả đời sống thường nhật” - Chindris nói. 

Phát huy giá trị cội nguồn 

Ảnh: Casa Bonita Lifestyle
Ảnh: Casa Bonita Lifestyle

Khuyến khích phụ nữ sáng tạo sản phẩm thủ công, tôn vinh bản sắc truyền thống là điểm sáng lôi cuốn khác của các doanh nghiệp xã hội tại Úc.    

“Thông qua các chương trình, sự kiện hỗ trợ ở trung tâm, tôi học hỏi được nhiều hơn về môi trường kinh doanh bản địa. Khách hàng Úc rất thích khăn lụa nên tôi đã thử phát triển dòng sản phẩm này” - nghệ nhân thêu thủ công gốc Ấn Ridhima Sachdeva nói. Từng có kinh nghiệm làm việc tại Anh và Ấn Độ, Sachdeva vẫn vô cùng bỡ ngỡ khi vừa đặt chân sang Úc định cư. Nhờ sự trợ giúp từ Casa Bonita, cô đã tìm ra chỗ đứng mới bằng thương hiệu Hemera Labs, chuyên doanh hàng thời trang và đồ trang trí thêu tay. 

Với hỗ trợ nhiệt thành của cộng đồng SisterWorks, Andy, nữ thợ may nhập cư từ Hồng Kông, đã tìm thấy cảm hứng kinh doanh. “Tôi tình cờ được nhóm cộng tác viên tại trung tâm giới thiệu về nghề may và thiết kế hàng may mặc. Hiện tại, tôi đang phát triển dòng sản phẩm túi xách thủ công. Tôi hy vọng sẽ có thể sớm xây dựng thương hiệu của riêng mình” - cô bày tỏ.

Luz Restrepo, Giám đốc sáng lập Migrant Women in Business - doanh nghiệp xã hội đang hoạt động tại bang Victoria, Úc - nhận định: “Hiện nay, khi những chính sách hỗ trợ dành cho phụ nữ nhập cư vẫn đang thiếu hụt, sự có mặt của các doanh nghiệp xã hội được đầu tư chỉn chu, đem lại giải pháp thiết thực hơn bao giờ hết. Tham gia mô hình kinh doanh vì cộng đồng, nhiều phụ nữ vừa tìm được công việc yêu thích vừa có thể biến ước mơ, hoài bão riêng thành hiện thực”. 

“Chung sức cùng nhau vượt khó, chúng tôi, những phụ nữ nhập cư muốn chứng minh rằng mình không nhỏ bé” - Restrepo bày tỏ. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI