Vượt khó để giữ nghề truyền thống

17/01/2025 - 06:14

PNO - Tháng Chạp, các làng nghề truyền thống ở TPHCM bước vào mùa cao điểm làm hàng bán tết. Cận tết là dịp mà những người bám trụ với nghề xe nhang, làm chổi đót, đúc lư đồng, trồng mai có “đồng vô đồng ra” để tiếp tục giữ lại những nghề truyền thống đang mai một dần.

Lúc này đây, những con đường ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh thêm phần rực rỡ khi những người làm nhang tận dụng khoảng nắng trên sân nhà, 2 bên lề đường để phơi tăm. Nhìn từ xa, những bó tăm nhang đủ màu sắc không khác gì những bông hoa rực nở.

Tăm nhang rực rỡ trên các khoảng sân, lề đường ở làng nghề làm nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh
Tăm nhang rực rỡ trên các khoảng sân, lề đường ở làng nghề làm nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh

Trong cơ sở sản xuất nhang của chị Phạm Thị Cẩm Hương (ấp 2, xã Lê Minh Xuân), 3 máy xe nhang chạy hết công suất từ 7g sáng đến 22g đêm, 7 nhân công tất bật xe nhang, sấy nhang, cân hàng, đóng gói để kịp giao cho khách sỉ. Trong khuôn viên rộng gần 600m2, bột nhang, tăm nhang, nhang thành phẩm chất đầy các lối đi.

Hộ chị Cẩm Hương là 1 trong 96 hộ ở xã Lê Minh Xuân bám trụ với nghề làm nhang vốn đã có ở đây hơn trăm năm qua. Trong 4 năm qua, có gần 20 hộ đã chuyển sang nghề khác.

Sinh ra và lớn lên ở đây nhưng sau khi tốt nghiệp THPT, như bao nhiêu người trẻ khác, chị Cẩm Hương chọn đi làm ở các công ty vì “xung quanh ai cũng làm nhang, mình làm nữa thì bán đi đâu cho hết”. Thế nhưng, 10 năm trước, chán việc làm công ăn lương, chị quay về tìm việc tự do tại nhà. Thử qua nhiều công việc không thành, chị quyết định thử sức với việc làm nhang.

Trải qua nhiều khó khăn về khách hàng, vốn, đến nay, cơ sở của chị đã sản xuất được hầu hết các loại nhang, gồm nhang cây, nhang tháp (nụ trầm), nhang khoanh, nhang sào… Trong từng loại nhang, chị cũng sản xuất được nhiều kích cỡ, màu sắc, mùi hương theo yêu cầu riêng của từng khách hàng. Lượng khách cũng nhiều và ổn định.

Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị sản xuất khoảng 15-20 tấn hàng, trong đó có khoảng 5 tấn xuất sang Malaysia. Riêng trong mùa tết (bắt đầu từ khoảng tháng Mười âm lịch), đơn hàng mỗi tháng từ 30-40 tấn; ngoài trực tiếp sản xuất, chị còn giao nguyên liệu cho 8 hộ khác gia công. Theo chị Hương, mùa cao điểm của nghề nhang kéo dài sang tháng Giêng bởi đó là mùa lễ hội.

Ngoài nghề làm nhang, huyện Bình Chánh còn là xứ trồng mai nổi tiếng. Riêng xã Bình Lợi có hơn 670 hộ chuyên trồng mai. Nằm sát làng mai Bình Lợi nên xã Lê Minh Xuân cũng có nhiều hộ theo nghề này. Tháng Chạp là lúc người trồng mai tất bật chăm rễ, lặt lá, phun thuốc để nụ kịp lớn.

Từ mùng Bảy tháng Chạp, ông Phạm Hồng Hóa (ấp 2, xã Lê Minh Xuân) đã lặt xong lá cho 30 cây mai đã được tiểu thương đặt hàng để chuyển ra Hà Nội. Ông Hóa hiện có 7 công đất trồng khoảng 3.500 gốc mai. Mùa tết này, ông vô chậu 1.000 gốc để bán.

Để mai nở đúng tết, từ đầu tháng Chạp, ông bắt đầu canh nụ và xịt thuốc để mai rụng lá. Nụ nhỏ thì lặt lá vào khoảng mùng Mười, nụ lớn thì lặt vào ngày rằm. Trong khoảng từ mùng Mười đến rằm tháng Chạp, ông phải thuê 5-10 nhân công lặt lá cho khoảng 1.000 gốc mai.

Những ngày này, xóm làm chổi đót ở hẻm 192 Phạm Văn Chí, phường 4, quận 6 nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Bà Trần Thị Hoa cho biết, bà đã làm chổi đót từ thời ông cha và khi vào Sài Gòn lập nghiệp, bà tiếp tục theo nghề này.

Nhưng mấy năm nay, do sự xuất hiện của nhiều sản phẩm công nghiệp hiện đại như máy hút bụi, nghề làm chổi ngày càng mai một. Bông đót cũng ngày càng khan hiếm nên nhiều hộ chuyên làm chổi đót phải bỏ nghề, chỉ còn 2-3 hộ bám nghề. Bà Hoa cũng không tự sản xuất nữa mà chuyển sang nhập chổi từ tỉnh Quảng Ngãi về bán.

Dịp tết, chổi đót được mua nhiều. Gắn bó với nghề này hơn 40 năm, ông Đoàn Nhân cho hay, ngày thường không có khách nhưng tết có khi bán được cả trăm cây chổi: “Năm nay, đơn hàng tết nhiều đến nỗi nhà tôi không có đủ thợ để làm”.

Chị Cẩm Hương trở nhang trong nhà sấy
Chị Cẩm Hương trở nhang trong nhà sấy

Ở làng nghề đúc lư đồng An Hội, phường 12, quận Gò Vấp, trải qua 200 năm thăng trầm, từ hơn 20 cơ sở, nay cả làng chỉ còn 4 hộ đỏ lửa. Ông Nguyễn Văn Tâm - có 30 năm làm nghề - nói: “Những năm trước, dịp tết, tụi tui làm từ 5 - 6g sáng đến nửa đêm mới nghỉ. Riêng năm nay, tụi tui chỉ làm ban ngày vì đơn đặt hàng ít hơn”.

Dù bị lư đồng sản xuất đại trà bằng máy cạnh tranh dữ dội, lư đồng của làng nghề An Hội vẫn bán được do có nét riêng tinh tế của những đường chạm khắc trên lư. Bà Nguyễn Thị Hiền tâm sự: “Gia đình tôi đã làm nghề này 4 đời. Tôi luôn muốn truyền lại nghề này cho con cháu bởi đây không chỉ là kế sinh nhai mà còn là trách nhiệm với cha ông, là cách để tưởng nhớ các thế hệ đi trước”.

Những làng nghề truyền thống ở TPHCM đang đối mặt với nhiều thách thức khiến quy mô ngày càng thu hẹp. Dù vậy, vẫn còn những người bám trụ với nghề. Họ vẫn hy vọng một ngày nào đó, làng nghề truyền thống được hồi sinh.

Thu Lê - Hoàng Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI