Vượt dốc

04/05/2014 - 13:59

PNO - PNCN - Nắng như đổ lửa, người con nằm co quắp trên chiếc xe lăn, người cha lẩy bẩy đẩy xe, bóng ông đổ về phía trước như muốn che hết cái nắng thiêu đốt cho con. Dừng lại nơi có bóng cây ven đường để nghỉ chân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vuot doc

Bán đến nửa đêm, cha con ông Nhâm quay về phòng trọ nghỉ ngơi

Chân cha - tai con

Dù nắng hay mưa, ông Phan Đình Nhâm (73 tuổi) vẫn cùng con rong ruổi bán vé số, mỗi ngày một nơi, nay chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), mai chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình), Vườn Chuối (Q.3)... Lần đầu tiên tôi gặp cha con ông và theo chân về phòng trọ khi đã 23g. Do đèn đường nhập nhoạng, tôi vô ý gọi con của ông Nhâm bằng chị. Khi về đến nhà trọ, anh nhắc: “Tôi là con trai chứ không phải con gái”, tôi giật nảy người, vội xin lỗi. Anh khoát tay cười xòa như thể trong sự nhầm lẫn của tôi có một phần “lỗi” của anh.

Anh Phan Đình Tường (41 tuổi), con của ông Nhâm có khối u choán hết nửa mặt gây vẹo mũi, gương mặt biến dạng. Chỉ vào đỉnh của khối u ở má phải anh Tường, bên dưới hàng lông mày thưa thớt, ông Nhâm nói: “Đợt phẫu thuật cuối năm 2013, bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec (Hà Nội) đã cắt bỏ một phần khối u trên ba ký lô, bỏ mắt phải, may lại. Sắp tới, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u và lắp mắt giả cho Tường. Ngay khi Tường phục hồi sức khỏe sau mổ đợt đầu, cha con tôi rời bỏ quê nhà Nghệ An vào Sài Gòn bán vé số, chuẩn bị tiền bạc cho ngày Tường ra Hà Nội mổ tiếp”.

“Ra Hà Nội mổ tiếp” - năm chữ ấy như liều thuốc tăng lực khiến đôi chân ông Nhâm cứ thoăn thoắt trên đường mưu sinh. Hai cha con cho biết, nguyên nhân mình bán ở chợ, dọc các con đường chứ không bán ở nhà hàng, quán xá vì sợ khách trông thấy sẽ ăn mất ngon. Chợ gần thì buổi trưa hai cha con về nhà nghỉ, còn chợ xa thì đi bán suốt ngày. Tiền lời mỗi ngày là 240.000đ từ 200 tờ vé số bán được. Tôi tò mò về tài khoản hiện có, ông “bật mí”, vào Sài Gòn từ trước Tết Giáp Ngọ, trừ hết tiền ăn uống, thuê trọ, đến nay ông đã tích lũy được hơn mười triệu đồng. Số tiền tích cóp ấy chưa thấm vào đâu với kế hoạch ra-Hà-Nội-mổ-tiếp. 

Không chỉ bị u xơ thần kinh khiến khối u mọc nhiều và ngày một lớn, anh Tường còn bị gãy xương kín trong bào thai, lớn lên, bàn chân cứ quẹo ngược. Bảy tuổi Tường mới biết đi, dù đi rất yếu nhưng cũng khiến ông Nhâm vỡ òa vui sướng, vợ ông thì vừa vỗ tay theo nhịp bước của con vừa lau nước mắt. Không may, 13 năm trước, sau một lần bị té, chấn thương cột sống, anh Tường vĩnh viễn không bước đi được nữa. Mỗi ngày ngược xuôi bán vé số, ông Nhâm phải thay tã cho anh Tường hai - ba lần vì anh tiểu tiện không kiểm soát. Anh Tường teo liệt đôi chân còn ông Nhâm thì nghễnh ngãng do bị thủng màng nhĩ hai tai bởi sức ép của bom đạn thời chiến. Thế là, cha góp đôi chân, con góp đôi tai, cùng mưu sinh giữa Sài Gòn tấp nập.

Vuot doc

Ông Nhâm bồng anh Tường vào phòng trọ

Ước mơ

“Nào có vất vả gì, ở quê tôi còn khổ hơn, lại không kiếm ra tiền lo cho con” - ông Nhâm lạc quan khi có người ái ngại, cám cảnh tuổi già tha phương cầu thực của ông. 4g30, hai cha con thức dậy, lục đục chuẩn bị đi bán, đến tận 23g mới về đến phòng trọ. Đi sớm, về khuya, những người cùng nhà trọ đều ngủ, không ai phụ dìu đỡ; ông khom lưng, bế xốc con, ì ạch len qua dãy phòng, đặt con xuống chiếu rồi mới quay ra đẩy xe lăn lên dốc, vào nhà.

Chị Nguyễn Thị Bạch Hoa trọ phòng bên cạnh xót xa: “Bác lớn tuổi mà phải bồng bế con đi tắm rửa vệ sinh, bồng ra xe… thật là gian nan. Mọi người đến giúp đỡ nhưng bác không muốn làm phiền người khác. Cực khổ, thiếu thốn, bác vẫn không nửa lời cáu gắt hay than trách làm con chạnh lòng. Tôi mừng cho bác vì được trời phú cho sức khỏe nhưng cũng ngậm ngùi, không biết vài năm nữa, cha con bác sẽ thế nào?

Vất vả, khổ sở ông đều nếm trải nhưng chưa bao giờ cho phép mình gục ngã. Vợ chồng ông có bốn con trai, thì hết ba đã mất ở độ tuổi 30 với cùng căn bệnh ung thư gan. Các con lần lượt ra đi để lại cho ông bà số nợ vay mượn để chữa bệnh. Anh Tường giờ trở thành nguồn thương yêu duy nhất, là động lực sống của ông bà.

Từ khi anh Tường lọt lòng và mãi đến bây giờ, ông Nhâm vẫn luôn canh cánh bên lòng phương cách chạy chữa cho con. Mượn nợ, họ hàng góp vào, ông đưa anh Tường đi khám ở nhiều bệnh viện. Câu kết luận thường nghe từ bác sĩ mà ông cũng sợ nhất chính là: “Con ông bị dị tật bẩm sinh, không khả năng điều trị triệt để”. Năm 2003, ông đưa anh Tường vào TP.HCM bán vé số lần đầu tiên, vừa để kiếm tiền sinh sống, vừa để nghe ngóng thông tin nơi nào chữa trị hiệu quả cho căn bệnh của con mình. Khi biết được Bệnh viện Vinmec có chương trình phẫu thuật miễn phí, ông Nhâm mừng như bắt được vàng. Dù xa xôi, tốn kém, ông cũng quyết giúp con chữa trị, tìm lại gương mặt của mình. 

Suốt ngày ngoài đường, nắng nôi, khói bụi nhưng anh Tường vẫn thấy thoải mái, không buồn chán như lúc ở quê nhà, chỉ nằm không suốt ngày, suy nghĩ bế tắc. Anh không giấu vẻ bực dọc, bất bình khi nhắc lại việc thầy giáo đã đến nhà vận động cha mẹ cho anh… “nghỉ học” ngay ở học kỳ I của lớp 1 chỉ vì các bạn chung lớp kinh sợ khi nhìn thấy gương mặt của anh. Ham học nên dù không được đến trường, anh Tường vẫn tự học, luyện chữ, tập đọc, làm toán theo các anh em. Anh rất mê đọc sách báo. Chiếc radio nhỏ treo trên xe lăn là người bạn đường cung cấp kiến thức, cập nhật tin tức thời sự cho anh.

Khi tôi sắp từ giã ra về, anh Tường thoáng ngần ngại, hỏi: “Tôi muốn nhờ cô một việc… Sau này, khi tôi phẫu thuật xong, có thể nhờ cô giới thiệu một người dạy tôi chương trình Photoshop trên máy tính không? Tôi muốn biết xử lý ảnh để có thể tìm một nghề cho mình. Chương trình Word thì có người đã hướng dẫn tôi biết cơ bản rồi”. Anh gõ gõ các ngón tay xuống sàn như muốn ngầm khẳng định “chúng vẫn chạy tốt”. Tôi hứa giúp và vui lây với niềm vui của anh. Hỏi ra, mới biết bên trong vẻ mệt mỏi, uể oải, anh Tường đang ấp ủ cả chân trời mơ ước, khát khao tiếp cận tri thức hiện đại. Anh thích vào Facebook để chia sẻ với nhiều người; thích vào mạng tìm kỹ thuật nuôi gà, vịt trời, cá… để thực hiện kế hoạch sau này cha con về quê lập trang trại.

Mỗi sáng thức dậy, hai cha con cùng bán vé số, cùng vượt dốc để đuổi theo ước mơ của đời mình.

TÔ DIỆU HIỀN

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI