Vướng quy định diện tích tối thiểu, nhiều quận huyện xin chuyển từ xây mới sang sửa chữa trường học

22/10/2023 - 11:04

PNO - Nhiều địa phương tại TPHCM “ngại” xây mới trường lớp, thậm chí xin hủy dự án để đảm bảo chỗ học cho học sinh do vướng Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT.

Thông tư 13 năm 2020 của Bộ GD-ĐT quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đang khiến không ít địa phương tại TPHCM “vướng” trong xây dựng các dự án trường học mới.

Cụ thể, Thông tư 13 quy định, tiêu chuẩn khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân diện tích đất xây dựng tối thiểu là 10m2/học sinh. Riêng với các đô thị có quỹ đất hạn chế như TPHCM thì cho phép bình quân diện tích đất xây dựng tối thiểu là 8m2/học sinh. 

TPHCM gặp khó khăn trong xây dựng mới trường lớp
TPHCM gặp khó khăn trong xây dựng mới trường lớp 

Tại quận Phú Nhuận, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, quận đề xuất 34 dự án đã được HĐND TPHCM thông qua. Trong đó, có 10 dự án liên quan đến xây dựng, nâng cấp, cải tạo trường lớp, bao gồm 6 dự án xây dựng mới trường lớp và 4 dự án sửa chữa nâng cấp, với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng. Các dự án xây dựng mới trường lớp bao gồm 3 dự án trường tiểu học là Độc Lập, Trung Nhất, Lê Đình Chinh và 3 dự án trường mầm non là Trường mầm non Sơn Ca 3 cùng 2 cơ sở Trường mầm non Sơn Ca 9.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lê Minh - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính quận Phú Nhuận, hiện nay việc xây dựng mới trường lớp trên địa bàn quận đang vướng khó khăn rất lớn theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT quy định về diện tích đất tối thiểu/học sinh. 

Ví dụ, dự án xây mới Trường tiểu học Độc Lập với kinh phí 114 tỉ đồng, thế nhưng với Thông tư 13 thì chuẩn diện tích đất tối thiểu là 8m2/học sinh. Trường có 3.174m2, chỉ tương đương với 396 học sinh, trong khi sĩ số học sinh toàn trường là 1.200 em. Như vậy, khi trường hoàn tất xây mới thì 2/3 học sinh của trường sẽ đi đâu học?

“Trường tiểu học Độc Lập đã xây dựng từ khá lâu và hiện đã rất xuống cấp. Tuy nhiên, phương án đưa 2/3 học sinh còn lại đi học ở trường khác khi trường xây dựng mới là không khả thi, nên lãnh đạo quận đã trao đổi với Sở GD-ĐT TPHCM, cơ bản thống nhất xin hủy dự án xây mới Trường tiểu học Độc Lập, chỉ chuyển qua sửa chữa. Cạnh đó, Trường tiểu học Trung Nhất nếu được chấp thuận giảm quy mô thì sẽ xây mới, không thì xin chuyển qua sửa chữa…” - ông Minh nêu.  

Ông Phan Sĩ Đạt - Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú - thừa nhận, các dự án xây mới trường học trên địa bàn quận cũng đang vướng quy định về diện tích đất tối thiểu/học sinh theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT. Riêng 3 dự án xây dựng mới trường mầm non thì không gặp khó khăn vì trường mầm non sĩ số học sinh không nhiều.

Theo ông, hiện nay quỹ đất giáo dục là rất khó khăn, cộng với áp lực dân số cơ học nên làm gia tăng áp lực sĩ số học sinh hàng năm. Thế nhưng, khi xây dựng dự án trường học thì lại khống chế về diện tích đất tối thiểu nên khó càng thêm khó. 

Địa phương thậm chí xin huỷ dự án xây mới, chỉ xin sửa chữa để đảm bảo chỗ học cho học sinh
Địa phương thậm chí xin "hủy" dự án xây mới, chỉ xin sửa chữa để đảm bảo chỗ học cho học sinh

Trước khó khăn này, TPHCM từng nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT trao cơ chế đô thị đặc biệt để ban hành những quy chuẩn riêng trong xây dựng trường lớp theo tính chất vùng, miền. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện thành phố đang gặp khó khăn trong chính sách diện tích đất bình quân tối thiểu trong lĩnh vực giáo dục ở những khu vực đông dân và mật độ dân số rất cao.

Thực tế, nhiều trường học cũ ở TPHCM khi thực hiện chuẩn mới theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT thì số lượng lớp học bị giảm sút nghiêm trọng, học sinh không có chỗ để học. Từ đó, buộc các trường phải tăng số học sinh trên lớp, chia ca học... đảm bảo đủ phòng học cho các em.

Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ nên tính diện tích lớp trên đầu học sinh không phải diện tích đất trên đầu học sinh. Nếu áp dụng chính sách này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn hiện nay của TPHCM, từ đó nâng cấp cơ sở vật chất trường học phục vụ cho các em học sinh.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI