"Vương quốc bí mật" của tiếp viên hàng không

03/07/2022 - 15:37

PNO - Trên những chiếc máy bay thương mại thân rộng có một khu vực “bất khả xâm phạm” gọi là khoang phục vụ phi hành đoàn được thiết kế dành riêng cho phi công và đội ngũ tiếp viên nghỉ ngơi trong những chuyến bay dài.

Đây là những khu vực hành khách không được phép tiếp cận dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng như hiếm khi được nhìn thấy trên báo chí.

Khu vực nghỉ ngơi của tiếp viên hàng không trên máy bay - Ảnh: Chris McGinnis/SFGATE
Khu vực nghỉ ngơi của tiếp viên hàng không trên máy bay - Ảnh: Chris McGinnis/SFGATE

Trên các máy bay đời mới như Boeing 787 hoặc Airbus A350, khoang phục vụ phi hành đoàn được bố trí ở thân trên, và phía trên cabin chính. Còn với những dòng máy bay đời cũ hơn, khoang đặc biệt này cũng có thể nằm trong hầm chứa hàng hay thậm chí là ngay trong cabin chính.

Thông thường thì phi công có nơi nghỉ riêng ở phía trên buồng lái, và được bố trí tách biệt với khu vực dành cho tiếp viên. Tùy thuộc vào thời gian của chuyến bay mà mỗi máy bay có thể có tối đa bốn phi công, và do quy định luôn phải có hai phi công trong buồng lái nên khu vực nghỉ ngơi của phi công thường chỉ có hai giường (hay thậm chí chỉ là một trên các máy bay đời cũ) và 1 chiếc ghế tựa.

Một khu vực khác dành phi hành đoàn với từ 6 giường trở lên được bố trí ở phía trên buồng lái phía sau, nơi chứa đồ ăn và thức uống phục vụ hành khách.

Khu vực nghỉ ngơi của phi công được bố trí sát với buồng lái - Ảnh: Boeing
Khu vực nghỉ ngơi của phi công được bố trí sát với buồng lái - Ảnh: Boeing

Mô hình “khách sạn con nhộng” trên không

Thông thường thì các hãng hàng không sẽ “đặt hàng” thiết kế khu vực nghỉ ngơi của phi hành đoàn cho hãng sản xuất ngay khi họ ký hợp đồng mua máy bay. Mặc dù vậy, việc thiết kế vẫn phải tuân thủ theo thông số và tiêu chuẩn do các cơ quan quản lý (như Cục Hàng không Liên bang Mỹ) quy định.

Chẳng hạn như, khu vực nghỉ ngơi của phi hành đoàn phải ở "vị trí hạn chế tối đa tiếng ồn, mùi hôi và độ rung ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ", phải được kiểm soát nhiệt độ cũng như có thể điều chỉnh ánh sáng.

Cận cảnh giường ngủ của tiếp viên hàng không trên máy bay  Boeing 777-300ER - Ảnh: Maria
Cận cảnh giường ngủ của tiếp viên hàng không trên máy bay Boeing 777-300ER - Ảnh: Maria

Nhiều chuyên gia nhận xét rằng, nơi nghỉ ngơi của phi hành đoàn trên máy bay rất giống với mô hình “khách sạn con nhộng” của Nhật Bản với những đặc điểm: không có cửa sổ, không gian nhỏ hẹp nhưng ấm cúng, có ổ cắm điện, đèn ngủ cùng hệ thống các thiết bị an toàn cần thiết như mặt nạ dưỡng khí, đai an toàn và hệ thống liên lạc nội bộ…

"Nghỉ ngơi trong những chỗ này cũng khá thoải mái", Susannah Carr, tiếp viên hàng không làm việc trên các máy bay Boeing 787, 777 và 767 của hãng United Airlines (Mỹ) nói.

Cô cũng cho biết, chỗ nghỉ ngơi phải đảm bảo kích thước 198cm x 76cm cùng không gian tối thiểu khoảng 1m² giúp tiếp viên cảm thấy thoải mái khi nằm ngủ.

Khu vực nghỉ ngơi của tiếp viên trên máy bay Boeing 777 - Ảnh: Boeing
Khu vực nghỉ ngơi của tiếp viên trên máy bay Boeing 777 - Ảnh: Boeing

Theo cô Susannah thì khu vực nghỉ ngơi của phi hành đoàn được thiết kế để không thu hút quá nhiều sự chú ý của hành khách.

“Không ít hành khách đi ngang qua và nghĩ rằng, có một tủ đựng quần áo ở trên máy bay”.

Trên các máy bay Airbus A330, khoang nghỉ ngơi của phi hành đoàn cũng có thể được bố trí trong hầm chứa hàng, vì vậy, sẽ có một cầu thang dẫn xuống bên dưới.

Với những chiếc máy bay cũ hơn như Boeing 767, khu vực nghỉ ngơi được đặt ngay trong cabin chính và chỉ là những chiếc ghế tựa có rèm che xung quanh. Những chiếc rèm này đủ dày và nặng giúp cản ánh sáng cũng như hạn chế âm thanh từ khoang hành khách.

Chiếc cầu thang dẫn xuống khu vực nghỉ ngơi của tiếp viên được bố trí ở khoang chứa hàng của máy bay A330 của - Ảnh: Philippe Masclet/Airbus
Chiếc cầu thang dẫn xuống khu vực nghỉ ngơi của tiếp viên được bố trí ở khoang chứa hàng của máy bay A330 của - Ảnh: Philippe Masclet/Airbus

Tiếp viên làm gì trong thời gian nghỉ ngơi?

Thông thường, thành viên phi hành đoàn trên các chuyến bay đường dài thường dành ít nhất 10% thời gian bay của mình ở khu vực nghỉ ngơi.

Cô Karoliina Åman, tiếp viên của hãng hàng không Finnair cho biết, trung bình, tiếp viên hàng không có khoảng 1,5 giờ nghỉ ngơi cho mỗi chuyến bay đường dài. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng hãng hàng không và thời gian bay. Có những chuyến bay mà thời gian nghỉ ngơi của tiếp viên có thể kéo dài đến vài giờ.

“Do không có bất kỳ khu vực riêng tư nào trên máy bay để ăn trưa hoặc nghỉ giải lao nên khoảng thời gian nghỉ ngơi này là cực kỳ quan trọng và cần thiết giúp chúng tôi duy trì sự tỉnh táo trong suốt chuyến bay”, cô Karoliina chia sẻ.

Trong thời gian nghỉ ngơi này, tiếp viên có thể ngủ, hoặc tận hưởng những thú vui cá nhân của mình như đọc sách báo, xem phim trên điện thoại…

Tham quan khoang nghỉ ngơi của tiếp viên trên máy bay Boeing 747-400 của hãng hàng không Qantas - Video: Chris McGinnis/SFG

 Nguyễn Thuận (theo CNN Travel)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI