Cấp phép cây xăng trên dự án cao tốc
Tám năm trước, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Bến Lức (tỉnh Long An) với huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được khởi công. Đây là tuyến đường quan trọng kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển vùng kinh tế TPHCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, việc thi công dự án này gặp khá nhiều gian nan, trong đó có phần liên quan đến giải phóng mặt bằng. Nhiều người đi qua Quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, ngạc nhiên thấy một cây xăng bị bỏ hoang nằm trong phần đất được quy hoạch làm dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
|
Cây xăng bị bỏ hoang ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh là một vị trí đang vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng cho cao tốc Bến Lức - Long Thành |
Cây xăng này được xây dựng hoàn thiện rồi bỏ đó, chưa một ngày mở bán. Ông Trần Cao Nam (ngụ quận 6, TPHCM), chủ công trình, cho biết: Năm 2004, ông được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 406m2 tại vị trí trên, với mục đích sử dụng đất là xây trạm kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Năm 2015, ông Nam được UBND huyện Bình Chánh cấp phép xây dựng và tiến hành xây dựng cây xăng…
Trước khi đi vào hoạt động, cửa hàng xăng dầu của ông Nam được yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu”. Nhưng đến lúc này, Sở Công thương TPHCM phát hiện việc UBND huyện Bình Chánh cấp phép xây dựng cửa hàng xăng dầu của ông Nam không đảm bảo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Vị trí khu đất nằm trong phạm vi nút giao Quốc lộ 50 và cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cho nên Sở Công thương không cấp giấy chứng nhận.
Sở Công thương đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo kiểm tra, làm rõ trách nhiệm trong việc cấp phép, tham mưu cấp phép xây dựng cửa hàng xăng dầu nói trên, đồng thời nêu rõ: “Để tránh thiệt hại tài sản của doanh nghiệp, UBND huyện Bình Chánh phải thỏa thuận với chủ đầu tư, bố trí khu đất khác phù hợp quy hoạch, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định có liên quan để di dời cửa hàng xăng dầu mà doanh nghiệp đã xây dựng”.
Nhiều lần chỉ đạo vẫn chưa xong
Ngày 4/8/2016, Văn phòng UBND TPHCM có Văn bản số 7625/VP-KT truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND TPHCM chấp thuận đề xuất của Sở Công thương, giao UBND huyện Bình Chánh chủ động làm việc, đàm phán với chủ đầu tư để thống nhất hướng xử lý giảm thiệt hại Nhà nước và doanh nghiệp; chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện khẩn trương thẩm định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình và thiệt hại do ngừng kinh doanh gửi UBND huyện tổng hợp để báo cáo UBND TPHCM, đồng thời xử lý trách nhiệm cán bộ có liên quan.
Sau chỉ đạo trên, UBND huyện Bình Chánh và cơ quan chức năng của huyện này đã làm việc với ông Trần Cao Nam. Tại cuộc họp diễn ra vào tháng 9/2016, UBND huyện Bình Chánh đã đề nghị ông Nam thống nhất để đơn vị này rà soát, đề xuất vị trí di dời cửa hàng xăng dầu đến nơi mới. Năm 2017, huyện Bình Chánh đưa ra phương án dời cửa hàng xăng dầu của ông Nam sang khu đất ở xã Tân Kiên. Ông Nam chấp thuận.
Nhưng đến tháng 3/2018 UBND huyện Bình Chánh lại ra quyết định cưỡng chế thu hồi 168,4m2 trong phần đất mà ông Nam được cấp để làm cây xăng do ảnh hưởng dự án đường cao tốc. Đến tháng 3/2019, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đã có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh khẩn trương, nghiêm túc thực hiện dứt điểm các nội dung chỉ đạo của UBND TPHCM tại Công văn số 7625/VP-KT ngày 4/8/2016. Nhưng lấy lý do “Việc hoán đổi đất do Nhà nước trực tiếp quản lý là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành”, UBND huyện Bình Chánh đề nghị ông Nam tự tìm vị trí khác phù hợp đầu tư cửa hàng xăng dầu, UBND huyện sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý. Vụ việc kéo dài đến nay.
Cần sớm giao đất làm cao tốc
Cuối tháng 5/2022 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND TPHCM yêu cầu đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo đó, cho đến nay đoạn qua TPHCM còn vướng 30 trường hợp. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để hoàn thành bàn giao trong tháng 6/2022.
Đến 2/8 vừa qua, Ban Thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn xã Đa Phước đã có buổi làm việc với ông Trần Cao Nam. Tổ công tác đề nghị ông Nam sắp xếp sớm bàn giao mặt bằng. Đối với phần diện tích còn lại, UBND huyện sẽ báo cáo, đề xuất các sở, ngành và thành phố xem xét cấp phép tạm hoạt động buôn bán xăng dầu.
Ông Nam đã đồng ý nhưng kèm theo điều kiện: “Tôi đồng ý bàn giao mặt bằng, nhưng đề nghị UBND huyện Bình Chánh phải cam kết sớm tham mưu, báo cáo đề xuất UBND thành phố về việc cấp phép hoạt động tạm, đồng thời hỗ trợ thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh và chi phí sửa chữa các thiết bị liên quan đến hoạt động xăng dầu. Trường hợp không cấp phép hoạt động tạm, UBND huyện Bình Chánh phải thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM tại Văn bản số 7625/VP-KT ngày 4/8/2016”.
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình - nhận định, những hệ lụy kéo dài bắt nguồn từ sai phạm của cơ quan chức năng huyện Bình Chánh: đã cấp phép xây dựng cây xăng trên dự án cao tốc. Để giải quyết vướng mắc này, từ năm 2016, UBND TPHCM đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Công thương là bố trí khu đất khác phù hợp quy hoạch để ông Nam di dời cửa hàng xăng dầu và đàm phán, thống nhất hướng xử lý để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh lại tiếp tục sai phạm khi không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, dẫn đến vụ việc kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ xây dựng dự án cao tốc. “Việc bố trí một khu đất khác để ông Nam di dời cây xăng theo đề xuất của Sở Công thương và chỉ đạo thống nhất của UBND TPHCM là đúng quy định của pháp luật, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trong vụ việc lỗi sai thuộc về UBND huyện Bình Chánh. Việc UBND huyện Bình Chánh cho rằng pháp luật không có quy định hoán đổi đất là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý” - luật sư Trần Minh Hùng khẳng định. |
Sơn Vinh