Vướng khâu xuất bản, học sinh phải học bằng bản PDF

25/09/2022 - 15:51

PNO - Tài liệu giáo dục địa phương khối 1, 2, 3, 6 mới chỉ đến tay học sinh, giáo viên bằng bản PDF chứ chưa có bản SGK do vướng khâu xuất bản.

 

TPHCM gặp khó sở khâu in ấn tài liệu giáo dục địa phương
TPHCM gặp khó sở khâu in ấn tài liệu giáo dục địa phương

Thông tin về tiến độ xây dựng tài liệu giáo dục địa phương tại TPHCM với các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay tài liệu giáo dục địa phương khối lớp 1, lớp 6 của TPHCM đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; đối với lớp 2, ban biên soạn đang hoàn thiện tài liệu, chuẩn bị trình UBND TP báo cáo Bộ GD-ĐT phê duyệt lần 2; đối với lớp 3, ban biên soạn đang chỉnh lý theo ý kiến góp ý của tác giả, chuẩn bị trình hội đồng thẩm định.

Riêng với khối lớp 7 và lớp 10, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Sở đã hoàn thành việc biên soạn trình hội đồng thẩm định, phê duyệt. Sau khi tài liệu giáo dục địa phương được UBND TP phê duyệt sẽ báo cáo về Bộ GD-ĐT.

Sở GD-ĐT TPHCM nêu rõ, hiện nay do Sở không có chức năng phát hành tài liệu, xuất bản phẩm nên việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn gặp khó khăn

Liên quan đến những khó khăn về việc biên soạn, xuất bản tài liệu giáo dục địa phương tại TPHCM, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, khi biên soạn tài liệu này cho một khối lớp thì sớm lắm cũng phải mất thời gian 6 tháng mới hoàn thành. Khi viết tài liệu giáo dục địa phương, giáo viên được trả thù lao là 450.000 đồng/tiết, như vậy không đủ để hỗ trợ chất xám mà giáo viên bỏ ra.

Ông Nguyễn Bảo Quốc cũng cho hay, tài liệu giáo dục địa phương là tài sản công, do vậy, khi thực hiện in ấn phải đảm bảo thực hiện đúng quy định đấu thầu. Sở đã trình Bộ GD-ĐT phương án tổ chức thực hiện in ấn, phát hành tài liệu này nhưng chưa được thực hiện.

Thông tin thêm, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện giờ với các khối lớp 1, 2, 3, 6 tài liệu giáo dục địa phương vẫn chỉ được sử dụng dưới dạng sản phẩm PDF chứ chưa phải là sách giáo khoa. 

“Thử thách lớn nhất với đội ngũ xây dựng tài liệu giáo dục địa phương ở TPHCM là khi xây dựng xong, trình đi trình lại rất nhiều lần và cũng có rất nhiều sự phản biện xã hội để có tài liệu tốt, thế nhưng gặp phải vấn đề xuất bản. Vì tài liệu giáo dục địa phương hiện chưa có quy định rằng biên soạn, thẩm định xong thì sẽ được xuất bản như thế nào. Vấn đề này Sở GD-ĐT TPHCM đã có ý kiến rất nhiều lần đến Bộ GD-ĐT song thiếu chỉ đạo cụ thể để có thể xuất bản được tài liệu giáo dục địa phương kịp thời. Do đó, ngành giáo dục rất mong có sự chia sẻ của phụ huynh, học sinh, nhà trường về vấn đề tài liệu giáo dục địa phương”, ông Lê Duy Tân bày tỏ. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI