Vướng cơ chế, Tài liệu giáo dục địa phương không thể in ấn

06/04/2023 - 15:24

PNO - Chuẩn bị bước sang năm thứ 4 triển khai Chương trình GDPT 2018, Tài liệu giáo dục địa phương vẫn chưa thể in ấn, phát hành vì vướng cơ chế.

Riêng tại TPHCM, ngay từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2020-2021, địa phương này đã đề xuất hẳn 3 phương án song phương án nào cũng vướng. Đến nay, tài liệu này vẫn chỉ đang được phát hành đến tay học sinh, giáo viên nhà trường dưới dạng bản PDF, Ebook chứ chưa có sách chính thức.

Tài liệu giáo dục địa phương tại TPHCM đang được phát hành dưới dạng Ebook, PDF
Tài liệu giáo dục địa phương tại TPHCM đang được phát hành dưới dạng Ebook, PDF

Cụ thể, phương án 1 đề xuất đấu thầu, lựa chọn nhà xuất bản in ấn tài liệu. Song cũng không có cơ sở để thực hiện.

Phương án thứ 2, giao nhà xuất bản tại TPHCM thực hiện in ấn phát hành cho học sinh, giao Sở Tài chính với chức năng quản lý giá, thẩm định giá kiểm soát việc phát hành tài liệu - song phương án này vướng Luật Xuất bản 2012 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, không thực hiện được.

Phương án 3, đề nghị đấu thầu công khai nhà xuất bản in ấn tài liệu, đồng thời phát hành miễn phí tài liệu đến học sinh trong và ngoài công lập từ ngân sách chi thường xuyên của thành phố. Về phương án này Sở Tài chính thông tin rằng chưa có quy định về chế độ chi ngân sách nhà nước cho việc in ấn, phát hành miễn phí tài liệu cho học sinh. 

Thông tin thêm, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay Sở GD-ĐT đã nhiều lần họp với các sở ngành thành phố về việc in Tài liệu giáo dục địa phương. Sở cũng đã gửi xin ý kiến Bộ GD-ĐT về vấn đề này.

Ông cho biết, Tài liệu giáo dục địa phương do UBND TP chỉ đạo Sở GD-ĐT tổ chức biên soạn, UBND thẩm định. Do vậy, là tài sản của Nhà nước. Việc dùng tài liệu này để đấu thầu cũng không được, đem ra đấu giá để nhà xuất bản in thì cũng rất vướng. Việc chỉ định in cũng không đúng quy định. 

“TPHCM mới đây đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ về việc in ấn Tài liệu giáo dục địa phương, xem như đây là tài liệu tuyên truyền. Ban Tuyên giáo Thành uỷ sẽ cùng với Sở GD-ĐT đưa tài liệu này vào tài liệu tuyên truyền địa phương song đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cho xã hội hoá khâu biên soạn. Tức là Sở GD-ĐT trình UBND TP thẩm định khung chương trình từ lớp 1- lớp 12 về Tài liệu giáo dục địa phương để đảm bảo sự thống nhất của các năm học từ lớp 1- lớp 12. Tuy nhiên, từ khâu biên soạn đến phát hành nếu xã hội hoá được như sách giáo khoa thì sẽ không vướng vấn đề bản quyền để tổ chức in ấn, biên soạn” - ông Nguyễn Văn Hiếu đề xuất. 

Trong buổi làm việc với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại TPHCM mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thẳng thắn chia sẻ, đối với TPHCM Tài liệu giáo dục địa phương hiện nay để đến được tay học sinh là cả một vấn đề.

Theo quy định hiện hành, việc biên soạn, xây dựng, thẩm định và ban hành tài liệu giáo dục địa phương sử dụng nguồn tiền từ ngân sách. Song, sau đó làm sao triển khai đến tay học sinh thì cả một vấn đề. TPHCM đã làm việc rất nhiều lần với Bộ GD-ĐT.

“TPHCM đang vướng về việc muốn in ấn Tài liệu giáo dục địa phương thì dùng ngân sách cũng khó, không đấu thầu, không đấu giá được. TP hiện phát hành dưới dạng Ebook để phụ huynh, học sinh tự tham khảo, hỗ trường in một số bản nhất định. Với cơ chế hiện tại, TPHCM giao cũng không được bán cũng không xong để các nhà xuất bản phát hành như các sách giáo khoa khác. UBND TP đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP tìm hiểu các địa phương, thấy các địa phương đều vướng. Mong có cơ chế tháo gỡ vấn đề này vì còn liên quan đến bản quyền, liên quan đến luật ngân sách…” - Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nêu kiến nghị.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI