Vườn ươm hạnh phúc

07/12/2020 - 06:48

PNO - Chiều muộn, chị Trang lúi húi trong vườn xịt nước, nhặt lá. Đã hơn 20 năm kể từ khi về khu phố 2, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức tạo dựng cơ ngơi, một ngày của chị luôn bắt đầu với khu vườn, và kết thúc vào khoảng 23 giờ, cũng trong vườn.

Sau hơn 20 năm cần mẫn vun xới, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy Trang, 42 tuổi, ở P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, đang sở hữu cơ ngơi hơn 6.000m2 ao cá và vườn mai. Không chỉ nỗ lực làm kinh tế giỏi, chị còn là con dâu thảo hiền và luôn hết lòng sẻ chia với những mảnh đời khó khăn. 

Chiều muộn, chị Trang lúi húi trong vườn xịt nước, nhặt lá. Đã hơn 20 năm kể từ khi về khu phố 2, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức tạo dựng cơ ngơi, một ngày của chị luôn bắt đầu với khu vườn, và kết thúc vào khoảng 23 giờ, cũng trong vườn. “Mấy năm nay, vợ chồng tôi trồng mai theo kiểu uốn tạo dáng cho đẹp, tốn công sức nhiều hơn, phải chú ý từng cái lá sâu, tưới nước, bón phân kỹ càng, nhưng thu nhập khá. Năm nào mai ra đẹp, đúng dịp tết thì mỗi chậu bán giá từ 2 - 20 triệu đồng. Chúng tôi cũng nhận chăm sóc mai thuê, hiện có khoảng 30 chậu”, chị Trang chia sẻ. 

Có khách ghé lấy cá cảnh, chị Trang lại cầm vợt chạy tới chạy lui. 

Khu vực trồng cá kiểng, nguồn thu nhập quan trọng của gia đình chị Trang
Khu vực trồng cá kiểng, nguồn thu nhập quan trọng của gia đình chị Trang

Toàn bộ khu vực quanh nhà được vợ chồng chị đào, ngăn thành hơn 100 ô, mỗi ô rộng 2,5x4m, nuôi khoảng 1.000 cá các loại như cá bảy màu, kim sa, hồng kim. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, những tháng đầu năm cá bán ra chậm, nhưng gần đây tình hình đã khởi sắc trở lại, khách quen từ Chợ Lớn xuống mua mỗi lần từ 500 - 2.000 con. Bà con lối xóm khen làm ăn giỏi, chị Trang cười: “Cũng trầy trật dữ lắm mới được như vầy. Mà cơ ngơi này công của má chồng và em chồng nhiều lắm, vợ chồng tôi làm đâu xuể”. 

Cụ Lê Thị Bê, má chồng chị Trang, nay đã 78 tuổi. Thời trẻ, cụ miệt mài trồng lúa, nuôi heo, sau thì trồng mai, nuôi cá cảnh. 5 năm nay, bị đau khớp, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, nên cụ chỉ ngồi một chỗ, chuyện cơm nước, vệ sinh cá nhân đều nhờ vào chị Trang. “Chồng mất sớm, mình tôi nuôi ba đứa con. Hồi trẻ làm dữ lắm, quên ăn quên ngủ. Giờ thì yếu rồi, chỉ ngồi đây thôi, con dâu cũng như con gái quán xuyến hết chuyện trong chuyện ngoài, lo cơm nước, thuốc men, chở đi bệnh viện” - cụ Bê tự hào về các con. 

Chị Trang lớn lên ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Học hết lớp Bốn thì nghỉ để theo mẹ đi cấy lúa, cuốc đất, làm cỏ mía thuê. Chị nói, nghỉ học sớm cũng tiếc, nhưng thời gian qua rồi không thể quay lại, nên chị chỉ biết lấy sự chăm chỉ, cần mẫn để bù vào lỗ hổng kiến thức. Vốn là nông dân chính gốc, nên khi về làm dâu, thấy má chồng chăm đàn heo, trồng hai công lúa và nuôi cá trê giống thì chị sà vô làm ngay. Năm 1999, vợ chồng chị xuống P.Tam Phú cất căn chòi, trồng mai và nuôi cá tai tượng, cá trê giống. Cụ Bê đạp xe qua lại phụ các con. Đến năm 2003, nước ngập đến hông, cá trôi, mai chết. Vợ chồng chị an ủi nhau rồi quyết tâm làm lại. 

Qua bao nhọc nhằn, nơi này giờ như vườn ươm hạnh phúc, càng khó khăn, càng thương nhau hơn. “Chúng tôi đánh liều đi vận động bà con quanh khu phố chung sức nạo vét, đắp đất làm đường. Bà con ủng hộ, mỗi năm tu bổ một lần, kiên trì lắm mới có lối đi sạch sẽ như giờ đó” - chị Trang phấn chấn chỉ con hẻm 88 ngay trước nhà. 

Chị Trang kề cận chăm sóc má chồng từ ngày bà đau bệnh, đi lại khó khăn
Chị Trang kề cận chăm sóc má chồng từ ngày bà đau bệnh, đi lại khó khăn

Vợ chồng chị Trang có hai người con. Cháu lớn đã tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm TP.HCM. Cháu nhỏ đang học lớp Chín. Căn chòi lá năm xưa nay đã thay bằng nhà xây khang trang. Từ năm 2013, ngoài làm vườn, anh Lê Hữu Phúc (chồng chị Trang) tham gia Ban điều hành khu phố 2, P.Tam Phú, còn chị gắn bó với Hội Phụ nữ. Dù bận rộn việc nhà đến mấy, nhưng mỗi khi chi hội ra quân dọn dẹp vệ sinh đường sá là chị Trang lại hăng hái cầm chổi, cầm ky.

Chia sẻ về người hội viên năng động này, chị Huỳnh Bích Phượng - Chủ tịch Hội LHPN P.Tam Phú - xúc động: “Chỉ riêng năm 2020, chị Trang đã hỗ trợ Hội LHPN phường kinh phí mua máy may, bảo hiểm y tế, nhu yếu phẩm tặng hội viên khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời còn tặng học bổng tiếp sức học trò nghèo. Chị ủng hộ chồng tham gia công tác xã hội, còn mình là hậu phương, làm trụ cột kinh tế và làm việc quần quật từ 4g - 23g mỗi ngày. Vẫn còn vất vả với cuộc sống, nhưng hễ Hội có phong trào gì, nhất là từ thiện, chị lại xung phong đóng góp”. 

Thảo Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI