Vườn thượng uyển bay là công trình xây dựng mới nhất tại Đà Lạt nhận về “gạch đá”. Đây là dự án tư nhân, trong quá khứ từng bị phạt vì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm bị phạt, dự án đã được hồi sinh trong một hình hài mới mà ai nhìn vô cùng không khỏi "choáng".
"Lạc lõng, dị biệt, diêm dúa, lòe loẹt..." là những từ mà người ta dành cho khu vườn này trong tổng thể không gian chung của Đà Lạt - một không gian thiên nhiên trong lành, xanh mát vốn dĩ.
|
Một góc công trình Vườn thượng uyển bay ở Đà Lạt |
Đà Lạt vốn được xem là chốn thơ mộng, đẹp bởi hoa, hài hòa bởi không khí trong lành thấp thoáng bên những công trình cổ xưa. Xen kẽ là những cánh rừng thông xanh mát. Vườn thượng uyển bay đã đánh bay cái "hồn cốt" Đà Lạt - khu vực đèo Mimosa thơ mộng.
Còn nhớ, khoảng 30 năm trước, nếu ai rảo bước trên những đồi thông nằm sâu bên trong hồ Tuyền Lâm sẽ không khỏi rùng mình bởi mênh mông là rừng, đi đâu cũng chỉ thấy thông, không biết đường ra. Giờ, rừng đã rỗng ruột để nhường chỗ cho những homestay, khu nghỉ dưỡng mọc lên. Thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm giờ là nỗi nhức nhối của Lâm Đồng về tình trạng phá rừng, xây dựng trái phép với hàng chục công trình đã xử lý hoặc chờ xử lý đang nằm "trơ xương" giữa núi rừng thơ mộng.
Mà đâu chỉ có rừng thông quanh hồ Tuyền Lâm, rất nhiều cánh rừng thông ở Đà Lạt và nhiều huyện ở Lâm Đồng cũng lâm vào tình trạng bị tàn phá để lấy đất sản xuất, xây dựng nhà hàng, khu du lịch, thậm chí băm nát cả rừng.
|
Nhìn từ trên cao, công trình rực rỡ sắc màu, nổi bật hẳn so với quan cảnh đồi núi, rừng thông bao quanh |
Rất nhiều công trình phá rừng, xây dựng trái phép, được chính quyền xử phạt, yêu cầu tháo dỡ nhưng đến giờ vẫn cứ bày ra đấy, vẫn cứ trêu ngươi như kích thích những kẻ tham lam có ý định phá rừng: Làm đi! Rồi sẽ hợp thức hóa thôi. Chẳng phải Vườn thượng uyển bay là ví dụ điển hình đó sao?
Sau làn sóng phản ứng dữ dội của dư luận, chủ đầu tư dự án cho biết vẫn sẽ giữ nguyên thiết kế vì đây là công trình dành nhiều tâm huyết, đã ấp ủ từ lâu và đặc biệt công trình từ không phép nó đã có giấy phép thì cần gì phải sửa. Giờ thì chẳng ai sai, chẳng ai nhận lỗi nên những người yêu mến vùng đất Đà Lạt chỉ biết thở dài khi những công trình "lạc quẻ" cứ đua nhau xuất hiện.
Rừng thông và những ngôi biệt thự cổ được xem là “đặc sản” của Đà Lạt. Một Đà Lạt được ví như thành phố trong sương mù với khí hậu mát mẻ, với ngàn hoa và cả sự cổ kính sẽ còn gì nếu chỉ còn lại một rừng bê tông và những công trình như Vườn thượng uyển bay?
Linh Lê