Thảo Cầm Viên (TCV) Sài Gòn thành lập vào ngày 17/2/1865. Đến nay, vườn thú đã có 134 loài động vật, trong đó có các loài quý hiếm: trĩ sao, voọc chà vá, vượn má vàng… cùng hơn 2.500 cây xanh, hơn 900 loài thực vật được bảo tồn. Chuyện về vườn thú đã từng được tiến sĩ Phan Việt Lâm - nguyên Giám đốc TCV Sài Gòn - viết bộ 3 cuốn sách: Chuyện lạ TCV, Thực vật TCV và TCV - Chuyện lạ chưa dứt (Nhà xuất bản Kim Đồng, sách nhiều lần được tái bản, bản in 2019 gộp thành 1 cuốn có tựa chung: Chuyện lạ TCV). Trong đó, có rất nhiều câu chuyện hài hước, ly kỳ về muông thú ở TCV cũng như quá trình phát triển của vườn thú, chăm sóc thú con hay đưa các loài động vật từ nước ngoài về Việt Nam…
Những câu chuyện đáng yêu về các loài động vật sẽ xuất hiện trong bộ sách tranh Thiên nhiên kỳ thú - Ảnh: Lục Diệp
Tiến tới kỷ niệm 159 năm ngày thành lập, TCV Sài Gòn hợp tác với Nhà xuất bản Trẻ thực hiện bộ sách tranh chủ đề Thiên nhiên kỳ thú (dự kiến 52 tập) về các loài động - thực vật ở vườn thú. Hình thức có thể là một câu chuyện ngắn (hư cấu dựa trên chi tiết có thật về các loài) hoặc thơ 5 chữ. Đối tượng hướng đến là trẻ nhỏ dưới 12 tuổi. Trước đó chưa có dự án sách tranh nào thực hiện về muông thú, cây cỏ ở TCV.
“Chuyện về các loài động vật có thể kể hoài cũng không hết, chuyện xưa chuyện nay, chuyện cứu hộ - bảo tồn hay chuyện chăm sóc thú… đều có rất nhiều điều thú vị. 30 năm trước, khi tôi về công tác ở TCV, lúc đó vườn thú chưa có hươu cao cổ, tê giác, hổ trắng… Đến nay, TCV đã có nhiều thay đổi. Bất kể là đã gắn bó với nơi này bao lâu, mỗi ngày ở đây đều như một ngày mới và tôi luôn háo hức khám phá như các du khách lần đầu đặt chân đến đây. Chúng tôi cũng hy vọng những câu chuyện nhỏ ở TCV sẽ đến được rộng rãi hơn với công chúng thông qua bộ sách, đặc biệt là với các em thiếu nhi” - ông Phạm Anh Dũng - Phó giám đốc TCV - nói.
“Voi con từ khi sinh ra đã có cái mũi dài, thân hình to lớn hơn các bạn thỏ, sóc… Ban đầu chú không thích diện mạo của mình, nhưng sau khi dùng cái vòi dài cứu được bạn sóc ngã xuống nước, bẻ lá cây che nắng cho bạn, lại chở cả nhóm đang mệt nhoài về nhà, chú đã biết yêu cái vòi và thân hình to khỏe của mình” - tóm tắt câu chuyện Voi con mũi dài, phát triển từ nhân vật có thật là “bà voi” 62 tuổi ở TCV. Với cách tiếp cận nhẹ nhàng, dễ hiểu và dễ cảm như vậy, những câu chuyện về muông thú hứa hẹn sẽ mang đến cho các bạn đọc nhỏ tuổi những mẩu chuyện dễ thương, ý nghĩa.
Còn bao điều chưa kể
Đưa chúng tôi tham quan vườn thú vào một ngày cuối tháng Ba, anh Mai Khắc Trung Trực - Giám đốc Xí nghiệp động vật TCV Sài Gòn - kể nhiều câu chuyện dễ thương, thú vị về các loài thú. Như chuyện về bé gấu Nô En được sinh ra ngay trước đêm Giáng sinh năm 2020. Chính tay anh đã chăm sóc Nô En từ những ngày còn bé. Vì không được mẹ cho bú, Nô En mỗi ngày đều được bú sữa bình.
Đến nay, cô bé gấu này vẫn còn thói quen mút chân như thuở còn ôm bình sữa. Trong mắt du khách, hình ảnh ấy thật sự đáng yêu. “Mỗi lần tôi gọi tên rồi rời đi, Nô En cứ tìm kiếm và rất buồn nên sau này cho dù có đến chuồng nhìn ngắm bé, tôi cũng tránh gây sự chú ý cho Nô En. Việc sinh sản của gấu mẹ tưởng chừng đã không còn có hy vọng trong nhiều năm, thế nhưng Nô En đã ra đời. Đó thật sự là niềm vui bất ngờ và cũng là món quà lớn cho vườn thú” - anh Trung Trực chia sẻ.
Thú con sinh ra tại TCV được cả tập thể cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y thuộc xí nghiệp động vật tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc yêu thương. Mỗi loài đều có những câu chuyện vui, những kỷ niệm gắn bó khó quên với cán bộ - công nhân viên vườn thú. Trên xe điện chở khách tham quan, người tài xế treo mấy bịch đậu phộng để làm quà cho bầy khỉ con. “Tụi nó hiền lắm, cứ sờ tay chân thoải mái, đừng vuốt đuôi chúng là được” - người lái xe điện nhắc khi tôi đứng cạnh chú khỉ con đang mải ăn đậu phộng. Tập tính, thói quen, tính cách của các loài thú, chim muông… ở TCV đều quen thuộc với những người chăm sóc chúng.
Rất nhiều sự dễ thương từ các loài động vật ở TCV có thể khai thác vào trang sách. Một câu chuyện khác về loài già đẫy sống quần tụ nhưng có luật lệ riêng trong một khu chuồng. Chúng có “nhà” riêng là những ổ cách nhau khoảng 1m và “gia đình” này không làm phiền hay xâm nhập trái phép vào “gia đình” khác. Hoặc chuyện về tiếng hót của loài trĩ sao (biểu tượng của TCV, là loài trong Sách đỏ) gây ấn tượng đặc biệt với du khách nước ngoài… Bên cạnh động vật, các loài thực vật ở TCV cũng có những “chuyện chưa kể”, như câu chuyện về cây lồng mang nằm giữa ngã ba hay cây vấp duy nhất còn sót lại. Cây mét - loài thảo mộc có từ khi TCV được thành lập - vẫn còn tồn tại đến ngày nay hay cây sọ khỉ nhập từ châu Phi, cây cao su từng được trồng thử nghiệm trước khi phát triển thành những khu rừng cao su…
Bộ sách tranh Thiên nhiên kỳ thú kỳ vọng sẽ kể những câu chuyện nhỏ đáng yêu từ TCV để các em nhỏ hiểu hơn và yêu hơn cây cỏ, muông thú và sự sống kỳ diệu.