Chiều mưa, vừa ở vườn về, bà ngoại tụi nhỏ thở hổn hển khoe: “Mẹ mới cắt năm bó cải, ngày mai chia cho mấy chị em hội dưỡng sinh”. Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên vì đám cải mới hôm kia còn nhỏ xíu, ngoại nói luôn: “Coi vậy mà nó muốn già rồi, vàng lá hết trọi”. Tôi cười, ghẹo: “Chắc mẹ bán được nên mê rồi!”.
Trước tết năm ngoái, để có nơi cho cả nhà xả stress trong mùa giãn cách, tôi bàn với bà ngoại tụi nhỏ gầy lại vườn rau sau nhà. Mảnh đất rộng 200 mét vuông bỏ không nhiều năm nay, nếu làm tốt sẽ đủ rau cho cả nhà ăn, còn dư chia cho hàng xóm kiếm chút tiền mua tro trấu.
|
Đứa cháu mê tít khu vườn của ngoại |
Đang lúc dịch bệnh, bà ngoại cũng ngại nhưng để chiều lòng con, bà chạy xe ra cửa hàng mua về gần mười cây giống, nào mít, ổi, khế, nhãn… rồi trồng rải rác khắp vườn, coi như xong kế hoạch. Nhìn mớ cây, tôi lại bàn: “Trồng như vầy mấy năm mới thấy thành quả, không có sướng mẹ ơi”. Rồi tôi vác cuốc vét đất thành hai luống nhỏ, gieo vài hạt cải. Thấy vậy, bà ngoại tụi nhỏ cũng chạy ra phụ, vét thêm hai luống. Ông ngoại ra dòm, thấy ngứa mắt, lại vét tiếp bốn luống. Vậy là thành vườn rau hoành tráng hồi nào không hay.
Ngoài hạt giống mua ở tiệm, tôi đi làm, thấy ở đâu có trồng giống rau ngon, cũng “liều” chạy vào xin. Mấy ngày đầu làm vườn, không chỉ mệt vì đất cứng, chai, rau lên èo uột mà cả nhà còn mệt vì đám chuột, ốc sên phá hoại, rau lên đến đâu bị tụi nó xử đến đó.
Có lúc ông bà ngoại nản chí nhưng rồi nhìn mớ rau diếp cá quyết liệt đâm chồi sau trận dịch bị bỏ bê, tinh thần mọi người lại lên hẳn. Nhờ vậy, sau ba tháng, vườn rau đã xanh um, từ rau ăn lá như mồng tơi, cải ngọt, lang, lá lốt, bồ ngót đến các loại củ quả như khoai mỡ, bầu, bí, mướp, bạc hà, ớt…
Hoành tráng nhất có lẽ là đám rau thơm như diếp cá, húng lủi, kinh giới, rau răm… chen nhau xanh ngát một góc vườn.
Trồng rau chưa đã, tôi còn tha thêm hoa về trồng để khu vườn thu hút ong bướm đến. Đó cũng là cách cho mấy đứa nhỏ học hỏi. Tôi tin chúng sẽ thích thú khi được tận tay sờ con bọ, con bướm trong vườn.
|
Bầu bí của ngoại |
|
Ở thành phố, dễ gì có rổ rau tự trồng xanh mướt như thế này |
Nhờ được chăm sóc bằng tình yêu thương, rau lên rần rần. Ăn không hết, ông bà ngoại cắt cho hàng xóm. Mấy hôm bầu rộ trái, bị bỏ quên nên già, bà ngoại tiếc, mang chia cho mấy chị em hội dưỡng sinh. Mấy dì ăn rau thấy ngon nên kêu ngoại cắt bán. Vậy là ngoại bắt đầu… khởi nghiệp. Có hôm đi chở hàng về, ông ngoại chạy ra sau vườn bày ca trà đá ra uống rồi khoe: “Nhìn đám rau mát rượi là khỏe liền”. Các em tôi cũng kiếm cớ lên vườn hái ổi, hái rau. Với đại gia đình chúng tôi, vườn rau như biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ của từng thành viên trong nhà.
|
Mồ hôi mà đổ xuống vườn... |
|
Ba tôi có thêm niềm vui vườn tược |
Thời đỉnh dịch (tháng 7/2021), cả nhà tôi mười người đều nhiễm bệnh, ba tôi lại bệnh nền, em dâu tôi đang mang bầu, em gái tôi vừa sinh non… - chúng tôi đã sống trong sợ hãi tột độ, bất an, lo lắng nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Tất cả bình an vô sự.
Vườn rau sau hai tháng bị bỏ bê do cả nhà đi cách ly, chết gần hết, chỉ còn ít bụi diếp cá trụ lại. Nhìn mớ diếp cá mạnh mẽ kiên cường, chúng tôi quyết tâm gầy lại vườn rau như cách chúng tôi quyết tâm chiến thắng COVID-19.
Bài và ảnh: Thu Hồng