|
Ảnh: internet |
Bàng là loài thân thẳng, tán rộng, mỗi chiếc lá khi đã đủ tháng ngày đều to và dày. Vì thế, cây bàng khác hẳn cây me, cây liễu, cây khế, cây dâu… Tán bàng không đung đưa, không biết cách “cất lời” reo vui hoặc u sầu, ủ rũ mỗi khi mưa gió ghé thăm. Gió đến, lá bàng vẫn khiêm tốn, ung dung. Mưa xiên, bàng vẫn ngẩng mặt lên trời lặng thầm, kiêu hãnh.
Quanh năm suốt tháng, cây hiện hữu trầm mặc bên góc chợ, dưới sân trường, nơi chùa làng, ven quán nước… Cây yên ắng tỏa bóng mát, làm chỗ dựa lưng cho những bước chân mê mỏi, mệt nhoài.
Thực ra, tôi không phải là người duy nhất có cách liên tưởng, so sánh phụ nữ với hình ảnh cây bàng. Ai đó từng nói đời đàn bà như những cây lấy gỗ. Đôi khi cắt ra, nhìn vân gỗ tròn hay méo, đậm hay nhạt, người ta sẽ biết những được - mất, yêu thương hay ruồng bỏ mà thân cây đó đã phải hứng chịu, từng trải trong suốt hành trình tồn tại, trưởng thành.
Với riêng cây bàng, dẫu chẳng mấy ai cắt thân ra để lấy gỗ nhưng chính sức sống mãnh liệt, những đặc thù phát triển rất riêng của nó khiến tôi không ngớt bâng khuâng, tự nhắc mình liên tưởng đến những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời người con gái.
Nếu cây bàng gây ấn tượng mạnh nhất vào 2 thời điểm - khi đâm chồi non và khi vào mùa trút lá - thì cuộc đời người phụ nữ cũng khó lãng quên nhất ở 2 giai đoạn: thuở xuân thì và giây phút bừng dậy sau những bão giông.
Những năm gần đây, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, vật giá leo thang, thất nghiệp gia tăng, đã có biết bao gia đình rơi vào khó khăn, biết bao cặp đôi không còn nhìn chung một hướng nhưng như bề mặt không nhìn thấy được của một đồng xu, tôi tin biết bao gia đình khác, biết bao cuộc hôn nhân khác cũng đã được cứu vãn, tiếp lửa nhờ tài xoay xở, tính liệu của người phụ nữ trong nhà.
Thiên chức và bản năng trời phú khiến cùng lúc, mỗi phụ nữ có khi phải làm tròn hàng loạt nhiệm vụ: mẹ hiền, dâu thảo, nhân viên tốt, nhà hoạt động xã hội năng nổ truyền cảm hứng tích cực… Nếu không yêu thương, chủ động học hỏi, nỗ lực vươn mình, liệu họ có dìu dắt người thân yêu đi được đường dài?
Cách đây vài năm, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TPHCM từng tổ chức một cuộc thi viết truyện ngắn có tên "Một nửa làm đầy thế giới". Một nửa này không ai khác chính là phái đẹp. Những nhân vật trong truyện có thể do các tác giả hư cấu hoàn toàn nhưng cũng có những điển hình được phóng chiếu từ người thật việc thật. Họ là những người mẹ, người vợ, những cô gái xuân thì…
Tùy hoàn cảnh sống và tính cách mà mỗi người có cách tương tác, phản ứng với xã hội, chọn lối đi riêng cho đời mình. Tuy nhiên, hầu hết đều chọn cách sống vì gia đình, vì người thân, vì sự phát triển tử tế của cộng đồng. Từ đời vào truyện, từ truyện ra đời, tôi nhận ra chiếc chìa khóa chung duy nhất để mở cửa mọi ngôi nhà, hóa giải mọi biến cố không gì khác ngoài sự kiên cường, lòng trắc ẩn và tình yêu thương.
Bây giờ, trời đã sang xuân, những cánh tay bàng qua một mùa đông dài nhờ nắng ấm, gió xuân đã bớt khẳng khiu; những cụm lá non đua nhau vươn màu xanh dưới vòm trời cao rộng. Sự chuyển mình này hệt như những cuộc vượt thoát đầy ngoạn mục của những phụ nữ biết chịu đựng, ẩn nhẫn nhưng không bao giờ khuất phục trước gió giông.
Minh Thi