PNO - Như một cái duyên với chủ vườn đào, cứ vào tháng Chạp, tôi lại ghé vườn xưa để chiêm ngắm những cô nàng đỏng đảnh xứ Bắc đang làm dâu đất Bình Định này.
Tôi nhớ mãi cái cảm giác thích thú như một đứa trẻ trước vườn đào bung nụ thắm hồng nhà anh Phạm Văn Tạo - ở thôn Bính Đức, xã Tây Vinh, H.Tây Sơn, tỉnh Bình Định - những ngày cận tết bốn năm trước đây. Khi mua vài nhánh đào từ H.Tây Sơn về TP.Quy Nhơn, trên đường đi, mọi ánh nhìn như dồn về phía những bông hoa đào, trầm trồ. Có người chạy xe theo tôi, tò mò hỏi mua đào ở đâu. Khi nhận được câu trả lời, ai nấy đều ngạc nhiên: “Đất này mà trồng hoa đào được à?”.
Anh Tạo đang chăm sóc vườn đào mình trồng
Tôi đã từng hồ nghi như thế khi có người mách rằng, trên vùng đất võ Tây Sơn, có một gia đình nông dân trồng đào, hoa nở đẹp. Đến khi tôi hiếu kỳ tìm đến tận nơi thì vườn đào hiển hiện ngay trước mắt. Để rồi, như một cái duyên với chủ vườn đào, cứ vào tháng Chạp, tôi lại ghé vườn xưa để chiêm ngắm những cô nàng đỏng đảnh xứ Bắc đang làm dâu đất Bình Định này.
1. Chủ vườn đào năm nay 49 tuổi nhưng đã hơn 30 năm gắn bó với hoa đào. Anh Tạo kể, anh bắt đầu chăm đào từ lúc niên thiếu, như là duyên nghiệp: “Người mang giống đào xứ Bắc về đất Tây Sơn này trồng chính là cha tôi”. Ngày trước, cha anh - ông Phạm Thứ Hiếu - lấy vợ người Thanh Hóa và có một thời gian sinh sống ở quê vợ. Ông thường hay tới lui thủ đô nên có cơ duyên học được cách chăm đào và thú chưng đào ngày tết. Năm 1986, ông theo chuyến tàu Bắc Nam trở về quê mẹ Bình Định, mang theo hai gốc đào nhỏ bằng ngón tay…
Ngày đó, ông Hiếu giữ một cây, còn một cây giao cho anh Tạo. “Tôi chăm sóc nó từng ngày với mong mỏi được thấy sắc màu hoa đào ngoài đời thực ra sao. Qua nhiều tháng chăm bẵm, niềm ước mong ấy đã thành hiện thực. Đào nở hoa trong cái se sẽ lạnh cuối tháng Chạp khiến mình vui thích lạ lùng, cứ ngắm nghía mãi không chán. Sau đó, tôi học cách nhân giống cây đào từ cha tôi bằng cách chiết cành trước khi ông lên định cư hẳn ở Gia Lai cùng người con út, rồi dần dà nhân giống nhiều hơn” - anh Tạo chia sẻ.
Trong câu chuyện của mình, anh Tạo thường nhắc về người mẹ tần tảo xứ Bắc làm dâu Bình Định: “Mẹ tôi thích hoa đào lắm. Nhờ ngắm hoa đào mà mẹ cũng nguôi ngoai nỗi nhớ quê. Tất cả là nhờ cha tôi hồi đó cũng muốn mẹ vui nên cất công mang đào về xứ này trồng”.
Lời anh kể khiến tôi chợt nhớ đến một giai thoại đẹp về cành đào Nhật Tân giữa vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa.
Tương truyền, năm Kỷ Dậu (1789), trên đường đánh đuổi giặc Thanh, lúc đến Thăng Long, nhìn thấy cành đào Nhật Tân khoe sắc thắm hồng, vị vua “áo vải cờ đào” liền cho người chọn một cành đào ưng ý nhất tức tốc phóng ngựa vượt ngàn dặm xa xôi về Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa. Cành đào thắm trên tay đã phần nào làm vơi nỗi nhớ khắc khoải quê cha đất tổ của người con gái hoàng tộc đất Bắc vào tận Phú Xuân làm hoàng hậu.
Hành động lãng mạn của người anh hùng đất Tây Sơn đã trở thành một giai thoại tình yêu mà đến bây giờ, vẫn còn nhiều người nhắc. Hơn 200 năm từ giai thoại ấy, hoa đào bây giờ đã có mặt trên đất Tây Sơn. Người nông dân đang viết nên một giai thoại khác ngay trên chính mảnh đất quê mình.
2. Lần này, thấy tôi lên, anh liền kéo tay ra vườn đào, khoe: “Năm nay, mình trồng nhiều hơn năm ngoái, gần 300 gốc lận. Cũng nhờ nhà có thêm nhân lực”. Nói rồi, anh hướng mắt về phía vợ và hai đứa con.
Nghe có người nhắc mình, chị Nguyễn Thị Hiền Diệu - vợ anh Tạo - cười hiền: “Vợ chồng cưới nhau từ năm 2005. Lúc mình về làm dâu, đã thấy ổng trồng đào. Nhà có 5 sào ruộng, vợ chồng cứ túc tắc làm rồi cận tết, cả nhà lại cùng nhau chăm đào, có thêm được ít tiền mua sắm tết, lo cho hai đứa nhỏ đi học”.
Mới đầu tháng Chạp đã có khách đến tham quan vườn đào, họ thích thú với những bông đào nở vụng trước mùa
Giống đào mà anh Tạo đang trồng là bích đào Nhật Tân nổi danh xứ Bắc. Đào chủ yếu có ba loại: phai đào, bạch đào và bích đào. Trong đó, bích đào là giống được chuộng nhất vì màu hoa đỏ thắm, nhiều cánh, giữ được sắc lâu nhưng cũng là giống đào đòi hỏi sự chăm sóc công phu nhất. Những năm gần đây, anh Tạo không chọn cách dưỡng gốc đào rồi tạo thế như hoa mai miền Trung hoặc như các nghệ nhân trồng đào xứ Bắc mà chủ yếu nuôi lấy cành. Để có cành đào đẹp, anh Tạo thường xuyên ngắt đọt, kéo giãn nhánh để gốc tỏa nhánh ra vun, đầy.
Nuôi đào đã khó, để đào ra hoa càng khó gấp mười lần. Chủ vườn phải chọn thời điểm thích hợp để “xuống lá”. Cây đào có nhiều nét tương đồng với cây mai. Lúc khí hậu ấm nóng, hoa nở sớm; khi tiết trời lạnh, hoa nở muộn. Anh Tạo tâm sự: “Nếu khí hậu ôn hòa chút đỉnh, tầm từ mùng Hai đến mùng Năm tháng Chạp là bắt đầu xuống lá để hoa ra đúng dịp tết”.
Đút rút kinh nghiệm từ nhiều năm chăm sóc đào, anh Tạo cho biết, để cây đào ra hoa theo đúng ý định, sau khi lặt lá, cần phải bấm hết đọt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi búp. Sau khi khoanh vỏ, từ nách lá, những nụ mầm sẽ xuất hiện, trông như những con rầy nâu đang bám vào cành.
3. Tôi ghé thăm lại vườn đào lần này đúng dịp anh Tạo huy động nhân lực của gia đình xuống lá. Phạm Văn Lực - con trai lớn của anh Tạo, hiện đang học lớp 8 - tỉ mỉ lặt từng chiếc lá. Bên cạnh đó là cô em út Phạm Khánh Băng - đang học lớp 3 - cũng hỗ trợ anh mình. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp ánh nhìn ấm áp của người cha dành cho hai đứa con mình.
Anh Tạo cho biết, ý định ban đầu của anh khi nhân giống nhiều cây đào là muốn tặng vài người bạn thân và chưng trong nhà dịp tết. Nhưng đến năm 1996, một người xa quê về thăm lại xã Bính Đức, thấy sắc đào tươi thắm liền nài nỉ anh Tạo bán cho một nhành. Rồi như có duyên, kể từ đó, khách đến hỏi mua ngày một đông.
Nghe chuyện, chị Diệu khoe: “Mới hôm qua đây, có mấy khách từ Quy Nhơn lên. Họ đặt cọc và chọn luôn gốc đào để cận tết, họ lên lấy”. Như thường lệ, khoảng ngày 25 tháng Chạp, khách mới đến đông. Địa chỉ vườn anh Tạo mấy năm gần đây được nhiều người biết đến nên có ngày, vườn anh đón vài ba chục khách đến tham quan, chụp ảnh và mua cành đào về chưng tết. Anh Tạo nói: “Ban đầu, người mua đào đa phần là người quê gốc Bắc. Họ đến tận nơi mua đào mang về chưng trong mấy ngày tết cho đỡ nhớ quê. Hai, ba năm trở lại đây, nhiều người miền Trung cũng chuộng đào, đến hỏi mua khá đông”.
Vài năm gần đây, một số hộ gần nhà anh Tạo bắt đầu trồng đào, chủ yếu để chưng tết. Nhưng trồng nhiều và ra hoa đẹp thì chỉ có duy nhất nhà anh tạo. Đất chẳng phụ công người. Với giá dao động từ 200.000-500.000 đồng/nhánh, mỗi năm, gia đình anh Tạo thu được trên dưới 30 triệu đồng tiền đào. Nhìn vườn đào vây quanh nhà và nụ cười nồng hậu của người nông dân, tôi hình dung về một cái tết ấm áp của gia đình nhỏ trong niềm vui hạnh ngộ của sắc đào xứ Bắc thắm đỏ trên miền đất võ Tây Sơn.