Sự nhọc nhằn trên quãng đường gần 700km từ TP.HCM lên đến xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum trở nên vô nghĩa trước cái hiểm trở, gập ghềnh và sình lầy của 25km dẫn từ UBND xã Hiếu vào hai thôn Kon Pling, Kon Piêng - nơi đoàn công tác của chúng tôi dừng chân vào chiều 29/4.
|
Bà con nhận những phần quà là nhu yếu phẩm giá trị, thiết thực |
Thôn vui như ngày hội
Ẩn mình dưới chân những ngọn núi, hai thôn Kon Plinh và Kon Piêng như một “thế giới” hoàn toàn biệt lập. Chiếc cầu treo vắt qua con suối lớn nối con đường độc đạo từ trung tâm xã dẫn vào “thế giới” này càng khiến Kon Plinh, Kon Piêng trở nên tách biệt, trở thành hai trong số 11 thôn nghèo và xa nhất của xã Hiếu (thuộc chương trình 135 của Chính phủ).
Không điện, thiếu nước sạch sinh hoạt, cuộc sống của 153 hộ đồng bào, chủ yếu là người dân tộc Mơ Nâm (còn gọi là Xơ Đăng, Ca Dong, Hà Lăng, Ka Râng…) gần như phải tự cung tự cấp, rau rừng, cá suối là thức ăn hàng ngày.
|
Các thành viên phải trèo đèo, lội suối để đem ánh sáng đến cho người dân
|
Nhiều năm rồi, đồng bào nơi đây mới lại rộn ràng bởi sự xuất hiện của “người lạ”. Mặc cơn mưa giá lạnh của buổi chiều muộn, điểm trường Kon Plinh - Kon Piêng của trường tiểu học xã Hiếu vẫn vui như ngày hội. Đón đoàn chúng tôi là những đôi chân trần tung tăng chạy nhảy của trẻ em trong làng.
Chiếc áo phong phanh không đủ ấm nhưng ánh mắt của các em rạng lên niềm háo hức, mong chờ. Trước đó, nhiều người lớn trong thôn đã ra tận con suối, cùng với các thành viên trong đoàn đội lên vai, lên đầu vật phẩm mà đoàn mang theo và chuẩn bị cho buổi trao quà Vì một cộng đồng không khoảng cách thuộc chương trình Về với đại ngàn Trường Sơn do báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp nhóm công tác xã hội Tổng công ty Điện lực TP.HCM tổ chức.
Tinh mơ ngày 30/4, còn vài giờ mới diễn ra chương trình tặng quà, chị Y Bềnh (36 tuổi) cùng cậu con trai A Choa đã bẽn lẽn đứng nấp trước cổng trường. Y Bềnh nói: “Mình vui vì sẽ được nhận quà, nhưng vui hơn vì lâu lắm rồi thôn mới có người lạ ghé thăm”.
|
Nước sạch về với người dân xã Hiếu. |
Trưởng thôn A Vích cho biết, hộ Y Bềnh nghèo nhất nhì thôn. Không đất canh tác, Y Bềnh phải đi làm mướn nuôi A Choa, sau khi chồng bỏ Y Bềnh đi đâu từ nhiều năm trước. Căn nhà của mẹ con chị do chính quyền xã xây tặng. Cùng với 89/153 hộ nghèo và cận nghèo của hai thôn Kon Plinh và Kon Piêng, hộ chị Y Bềnh được tặng mền, gạo, dầu, muối, bột ngọt, mì gói, tập viết, đồ chơi, quần áo…
Cõng trên lưng phần quà khá “nặng ký” gồm ba chiếc mền, 10kg gạo, hai chai dầu, ánh mắt cụ Y Yếu rạng ngời, nụ cười móm mém: “Nhà mình không có gì ăn đã mấy ngày rồi”.
|
Gia đình A Dĩu vui mừng khi ánh sáng đã về nhà. |
Nhìn bà con hồ hởi đón nhận từng phần quà trên tay, bà Đinh Thị Hải - Chủ tịch Hội LHPN xã Hiếu phấn khởi: “Mặc dù địa phương có rất nhiều chương trình hỗ trợ, chăm lo cho bà con hai thôn Kon Plinh, Kon Piêng, nhưng đời sống của bà con vẫn không mấy cải thiện, do địa hình hiểm trở, nhiều sương mù, sương muối nên cây trồng, vật nuôi không phát triển. Ngoài vật chất thì giá trị tinh thần mà đoàn mang đến cho bà con rất lớn lao”.
Thắp sáng giữa đại ngàn
Không chỉ tặng nhu yếu phẩm, đoàn còn hiện thực hóa ước mơ lâu nay của đồng bào hai thôn Kon Plinh, Kon Piêng: có điện thắp sáng. Từ một tuần trước, một cán bộ của Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã lặn lội về với hai thôn khảo sát tình hình điện nước.
Ngoài tám điểm cung cấp nước sạch được chính quyền địa phương lắp đặt đã hư hỏng nặng, không đủ dùng, phần lớn bà con vẫn sử dụng nguồn nước từ con suối chảy qua thôn. Khi điện lưới quốc gia còn chưa đến nơi này thì 100% hộ đồng bào vẫn sinh hoạt nhờ ánh sáng của bếp lửa, đèn dầu.
|
Thành viên trong đoàn lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho người dân. |
Trong chuyến từ thiện này, đoàn đã lắp đặt 50 bộ đèn năng lượng mặt trời cho 50 hộ nghèo và xa nhất; sửa chữa các điểm cung cấp nước sạch cũ bị hư hỏng và xây mới hai điểm nước sạch (mỗi điểm lắp một bồn nước 2.000 lít).
Từ điểm trường Kon Pling - Kon Piêng, chúng tôi men theo bờ rậm hơn một cây số, rồi xắn quần lội qua ba con suối, thêm đám ruộng sình lầy, cuối cùng mới đến được cây cầu tre chông chênh dẫn vào nhà A Láp (59 tuổi). Nhìn cán bộ điện lực với trang thiết bị trên tay, đôi mắt A Láp sáng rỡ: “Sắp có điện rồi”.
Có chín người con, dựng vợ gả chồng cho con cái xong, vợ chồng A Láp vẫn… tiếp tục nghèo. 40 năm từ ngày dựng lên căn nhà, để xua tan cái lạnh, cái buồn, vợ chồng A Láp phải đốt bếp - một thông báo ngầm về sự hiện hữu của mỗi hộ dân trong thôn. Dáng người gầy gò, liêu xiêu nhưng A Láp vẫn lăng xăng, nhanh nhẹn phụ nhân viên điện lực đào hố chôn cột thu năng lượng.
“Thích lắm, phải làm cho đẹp” - A Láp vừa cười giòn tan, vừa đẽo gọt khối gỗ trang trí cho cột thu năng lượng. Đến khi mọi thứ đã được lắp đặt, công tắc vừa bật, trong phút chốc ánh sáng tràn vào mọi ngõ ngách căn nhà vốn tối tăm ẩm mốc, A Láp bỗng đưa tay quệt mắt, rưng rưng: “Từ nay đi ra rẫy về muộn, vợ tui không phải dò dẫm vô nhà”.
Tài sản duy nhất của vợ chồng A Háo là một sào ruộng, mà mỗi năm chỉ thu hoạch được… ba bao lúa. Để duy trì cuộc sống, đôi vợ chồng trẻ phải cày thuê, cuốc mướn, nhưng mỗi tháng cũng chỉ làm được hai - ba ngày. Đứa con trai mới hai tháng phải theo cha mẹ lên nương.
Thấy nhà hàng xóm có điện (chạy bằng bình ắc quy), vợ chồng A Háo rất ham nhưng cơm còn không có ăn thì mơ gì ánh sáng điện về nhà. Đến lúc nghe trưởng thôn báo mình nằm trong danh sách được hỗ trợ lắp đèn, A Háo nhảy chân sáo mấy ngày…
Đi qua những ngày mưa, hôm chương trình kết thúc, mặt trời cũng ló dạng, rạng rỡ hơn. Nhưng sự rạng rỡ ấy không thể sánh bằng những gương mặt của bà con đồng bào ngời lên niềm vui trước sức sống mới của làng.
Đó cũng là điều mà ông Hoàng Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Hiếu - xúc động chia sẻ: 50 bộ đèn không chỉ mang lại ánh sáng sinh hoạt, mà còn là “ánh sáng” mở đường tương lai, nối gần hơn khoảng cách giữa hai thôn Kon Plinh, Kon Piêng với “thế giới bên ngoài”.
Ngoài hai thôn Kon Plinh và Kon Piêng, chương trình Về với đại ngàn Trường Sơn còn trao 19 phần quà (500.000đ/phần) cho 19 hộ dân tại thôn Đak Pao thuộc xã Đak Nên và trang bị cho địa phương này một máy phát điện.
Dịp này, báo Phụ Nữ TP.HCM cũng tặng 20 phần quà cho các cán bộ xã Hiếu. Tổng kinh phí dành cho chương trình là hơn 200 triệu đồng.
|
Tuyết Dân - Thanh Hoa
Ảnh: Phước Thành - Âu Vũ - Đỗ Phong