Vùng ven biển miền Trung đổ nát sau bão

16/11/2020 - 06:16

PNO - Sau khi cơn bão số 13 (Vamco) đổ bộ vào đất liền (sáng 15/11), nhiều kè biển kiên cố từ TP. Đà Nẵng đến TP. Hội An bị sóng đánh sụp. Những nơi từng là rừng phi lao ngút ngàn giờ là những khu du lịch tan hoang.

 

Cảnh đổ ná t ven biển ở TP.Hội An sau bão số 13 ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Cảnh đổ nát ven biển ở TP. Hội An sau bão số 13 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Sóng biển đánh sập đê kè kiên cố 

Ông Lương Đãi - ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng - kể: “Ngày xưa bờ biển ở xa, gần hòn Sụp. Từ bờ kè này ra đến đó phải mấy dãy nhà. Cách đây 50 năm, từ trong làng chạy ra đó thẳng giò, lội qua hòn Sụp bình thường. Nhưng rồi biển lấn vào dần dần, làng bị dời mãi vào tận đây mà biển vẫn đuổi theo. Biển thì cứ đuổi, người thì cứ chạy và phá dần những rặng rừng dương chắn sóng. Bây giờ, ở bờ biển Đà Nẵng, kè bê tông của các resort, khách sạn nằm đối đầu với sóng biển”.

Tại TP. Hội An, “theo chân” bờ biển Cửa Đại, Tân Thịnh và Tân Thành, bãi tắm An Bàng cũng tan hoang sau bão số 13. Như vậy, toàn bộ bờ biển của TP. Hội An đã bị sóng đánh sạt lở. Sau khi bão tan, sóng vẫn đánh thẳng vào những bờ cát đã rệu rã. Hàng chục nhà hàng ven bãi tắm An Bàng bị hư hại, sụp đổ các hạng mục xây dựng. Hiện tại, các chủ hộ kinh doanh đang ra sức dọn dẹp, khắc phục hậu quả do bão để lại.

Ông Đinh Lỳ - chủ nhà hàng Đinh Hạnh ở biển An Bàng - buồn bã: “Sóng biển đã cuốn trôi của nhà hàng hơn 15m sân; hàng chục cây dừa, dù che bị hư hại hoàn toàn. Lúc bình thường, từ nhà hàng của tui ra đến biển hơn 100m nhưng hiện nay, sóng đã đánh thẳng tới nhà hàng. Nguyên đường bờ biển An Bàng gần 2km bị sạt lở hoàn toàn, không còn chỗ nào lành lặn. Nếu cứ để kéo dài tình trạng này, e rằng chẳng còn gì để dân kinh doanh. Năm nay, người làm du lịch chịu thiệt hại quá lớn”. 

Bờ biển Hội An bị sóng biển đánh tan hoang và xâm thực mạnh  - Ảnh: Lê Đình Dũng
Bờ biển Hội An bị sóng biển đánh tan hoang và xâm thực mạnh - Ảnh: Lê Đình Dũng

Cùng chung cảnh ngộ, ông Trần Đức - chủ nhà hàng Kim Cúc - xót xa: “Chỉ trong gần ba giờ, bãi tắm đã tan hoang rồi, sóng cứ liên tục đánh, đất không thể chịu nổi”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, TP. Hội An có khoảng 7km đường bờ biển thì hầu hết đều bị sạt lở sau cơn bão số 13. 

Nguy cơ mất hết rừng phòng hộ

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 15/11, khi cơn bão số 13 càn quét, nhiều cây dương cổ thụ ở bờ biển xã Phong Hải, huyện Phong Điền bật gốc. Bà Hoàng Thị Mãn - ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải - nói: “Mỗi khi có mưa bão, người dân phải kéo nhau đi lánh nạn. Đợt bão này lớn sóng đánh mạnh, quật ngã cây la liệt, số cây còn lại không biết có giữ qua được mùa mưa bão này không”. 

Tại bờ biển xã này, biển xâm thực khá nặng. Nước mưa từ khu dân cư chảy ra biển tạo thành những khe, rãnh. Những điểm này tiếp tục sạt lở sau mỗi lần sóng biển đánh vào. Trong hai ngày 14 và 15/11, nhiều xe tải, xe máy cày chở cát từ các động về. Người dân kẻ xúc, người cột bao để gia cố những điểm sạt lở nặng. Không khí làm việc rất khẩn trương.

Cơn bão số 9 và đặc biệt là cơn bão số 13 đã làm hơn 3km bờ biển đoạn qua các thôn Hải Thế, Hải Phú, Hải Nhuận, Hải Thành, Hải Đông của xã Phong Hải sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở nặng nhất chỉ còn cách nhà dân khoảng 15m.

Đường bên cửa sông Hàn (TP.Đà Nẵng) bị sóng biển làm hư hại - Ảnh: Lê Đình Dũng
Đường bên cửa sông Hàn (TP. Đà Nẵng) bị sóng biển làm hư hại - Ảnh: Lê Đình Dũng

Chưa có năm nào như năm nay, người dân làng An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại lo rừng dương hơn 40 tuổi bị nước biển nuốt.

Ông Nguyễn Văn Ngáo - 92 tuổi, ở thôn An Dương - kể rừng dương quanh làng được trồng vào năm 1975, lúc ông ở tuổi trung niên. Khi đó, đất nước vừa được thống nhất, các xã dọc biển huyện Phú Vang đều phát động thi đua trồng rừng nhớ Bác. Thôn An Dương luôn dẫn đầu toàn xã về số cây dương trồng được. Ấy thế mà những năm gần đây, rừng dương ven biển xã Phú Thuận tan hoang do triều cường xâm thực nặng.

Ông Ngáo nhẩm tính, hơn 40 năm trước, rừng dương của xã gần 20ha, giờ còn lại chưa đến 1/3. “Mười ngày trước, bão số 9 làm cho bờ biển sạt lở 10m, giờ đến bão số 13 khiến điểm sạt lở tiến sát miếu Ngài, xót lòng mà không biết cách nào giữ được. Tất cả chịu thua ông trời rồi” - ông Ngáo xót xa.

Ông Nguyễn Văn Ngáo luyến tiếc nhìn rừng dương bị biển “nuốt” từng ngày  - Ảnh: Thuận Hóa
Ông Nguyễn Văn Ngáo luyến tiếc nhìn rừng dương bị biển “nuốt” từng ngày - Ảnh: Thuận Hóa

Đi trên triền cát vừa bị sạt lở trong đợt bão số 13, nhìn những gốc dương khổng lồ nằm mấp mé bên chân sóng, ánh mắt ông Hồ Văn Hưng - Trưởng thôn An Dương 1 - đượm buồn. Hơn ai hết, ông biết những dấu tích sống của người dân làng An Dương đang bị sóng biển cuốn trôi từng giờ, những hàng dương cổ thụ có nguy cơ chung số phận với hàng ngàn, hàng vạn mét đất bị biển nuốt chửng theo thời gian.

Ông Hưng cho biết, mấy chục năm trước, tình trạng biển xâm thực hầu như rất ít do có rừng dương chắn cát và nhờ thời tiết ôn hòa. Gần đây, thời tiết trở nên cực đoan, bão, lũ xảy ra thường xuyên, biển lấn đất với tốc độ nhanh hơn. Người dân phải dời nhà lùi sâu vào phía đất liền hàng trăm mét mà vẫn chưa yên.

Trước đây, mỗi khi cập bến, tàu thuyền được kéo lên bờ, cách mép nước biển vài chục mét là có thể yên tâm, kể cả khi mưa lũ. Nay, sau mỗi chuyến đánh bắt về, bà con phải kéo tàu thuyền lên bờ hàng trăm mét, thậm chí phải đưa về tận sân nhà. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, những đợt bão vừa qua khiến bờ biển tỉnh này bị sạt lở với chiều dài hơn 14km, tập trung ở các đoạn xung yếu của các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà.

Trong đó, có nhiều đoạn sạt lở nặng, như đoạn bờ biển qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài hơn 3km tiếp tục bị xói lở sâu vào 7-10m, ảnh hưởng đến các hộ dân; xã Phong Hải, huyện Phong Điền tiếp tục bị sạt lở khoảng 3km bờ biển, sâu vào phía đất liền từ 5-10m. Việc gia cố tạm thời chỉ giảm tải phần nào mức độ tàn phá của thiên tai. Về lâu dài, các địa phương cần kiên cố hóa các tuyến đê, kè bờ biển.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói: “Trước bão, địa phương đã xây dựng các tuyến kè biển kiên cố với chiều dài hơn 4km cho các đoạn xung yếu. Với diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh đang tranh thủ các nguồn lực để kiên cố thêm khoảng 3km bờ biển”. 

Đình Dũng - Thuận Hóa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI