Cuối năm nay, như một lời hẹn, Phan tiếp tục ra mắt tập truyện mới: Thị trấn Hoa Mười Giờ. Những cuốn sách như những hành trình cho chàng họa sĩ 9X ngược về với vùng mơ trong trẻo, thuần khiết nhất của tâm hồn, của đời người.
Vé về tuổi thơ
Ở một nơi nào đó trên thế giới, có một thị trấn nhỏ mang tên Hoa Mười Giờ. Những đứa trẻ ở đây cũng thật đặc biệt, được chào đời vào thời điểm hoa mười giờ nở… Thị trấn Hoa Mười Giờ (Du Bút và Nhà xuất bản Thanh Niên, truyện tranh dành cho lứa tuổi 10+) được bắt đầu như vậy. Nhân vật chính là nhóc Ổi, cùng những người bạn mang tên các loài trái cây: Cóc, Xoài, Đào, Na, Kiwi… Mỗi đứa trẻ một tính cách, nhưng có chung “đặc tính” nghịch ngợm, hồn nhiên, lém lỉnh, mà giàu tình cảm và hiểu chuyện. Thị trấn Hoa Mười Giờ trở nên rộn ràng huyên náo, cuộc sống người dân nơi đây “đầy kịch tính” cũng nhờ những đứa trẻ này.
|
Chân dung họa sĩ 9X Phan (Lê Phan) |
Phan (Lê Phan) cho biết, cảm hứng làm nên bộ tranh này chính là những ký ức không thể quên về tuổi thơ, của thời một ngàn chín trăm… hồi đó. Năm tháng mà bọn trẻ con còn chơi với nhau những trò chơi dân dã: bắn bi, bắn ná, làm vòng tay/ vòng đeo cổ bằng lá cây, chơi đồ hàng, thuê truyện đọc, mướn băng video về xem… Quê tác giả ở Pleiku (Gia Lai), nhưng bối cảnh trong truyện không đơn thuần là không gian phố núi. “Tôi muốn kể một câu chuyện mà ai đọc cũng có thể cảm nhận được chút gì đó bóng dáng của tuổi thơ mình vào những năm 1990. Nơi ấy có núi, có rừng, nhưng cũng có biển và đồng bằng” - Phan chia sẻ.
Thời chưa có điện thoại, mọi thứ còn khó khăn vất vả lại cho người sáng tác nhiều chất liệu hay. Lựa chọn cách kể pha chút dí dỏm, sách của Phan thường mang đến cho người đọc cảm giác thư giãn. Người lớn được dịp trở lại với ký ức của chính mình, trẻ nhỏ có thể hình dung về tuổi thơ một thế hệ. Thị trấn Hoa Mười Giờ vừa phát hành tập một (trọn bộ dự kiến năm tập, mỗi năm sẽ ra mắt hai tập). Hiện, tác giả đã hoàn thành tập thứ ba. “Mỗi ngày vẽ một trang, một năm sẽ được 365 trang, tha hồ mà in sách. Bí kíp nằm ở sự đều đặn” - Phan nói một cách hài hước về kỷ luật làm việc của bản thân.
Trong khi rất nhiều họa sĩ trẻ khác bị ảnh hưởng bởi phong cách tranh truyện nước ngoài, hoặc vẽ trên máy tính, thì Phan cần mẫn vẽ hoàn toàn bằng tay, chất liệu bằng bút chì, bút mực và màu nước. Cứ thế, mỗi năm có thêm một tập truyện tranh gửi đến bạn đọc: từ Câu lạc bộ bí ẩn (2017), Xứ Mèo (2018) đến Về nơi có nhiều cánh đồng (2019), và bây giờ là dự án năm tập truyện tranh Thị trấn Hoa Mười Giờ, tiếp theo sẽ là Về nơi có nhiều cánh đồng tập hai…
|
Một số tác phẩm của Phan, đã được phát hành |
Lên núi vẽ truyện tranh
Sau ba tháng lên vùng núi Ngọc Linh trải nghiệm trồng rừng, làm nông nghiệp xanh với những người bạn, mỗi ngày Phan đều viết nhật ký cuộc sống ở miền sơn cước. Thành quả của chuyến đi ý nghĩa ấy là cuốn sách Về nơi có nhiều cánh đồng - ra mắt cuối năm 2019, nhận được nhiều khích lệ của bạn đọc.
“Suốt thời gian ấy, mỗi ngày của tôi là buổi sáng thức giấc tập thể dục, ăn sáng, trồng trọt, ăn trưa, nghỉ trưa, ra suối tắm… Đêm ở với rừng còn ngắm được cả bầu trời đầy sao. Quanh vườn nhà là heo, gà chạy rông, côn trùng cũng tự do bay nhảy. Cuộc sống nơi ấy cho người ta sự tự do, không có nhu cầu gì nhiều. Mọi người cùng trồng lúa, trồng rau, ngày ngày xuống suối bắt cá… Về lại Sài Gòn, đôi lúc tôi thấy mình như thể mất đi sự kết nối với thiên nhiên, ngược lại có quá nhiều thứ muốn sở hữu. Tôi chắc chắn sẽ quay lại để thực hiện tiếp tập hai Về nơi có nhiều cánh đồng. Bây giờ, có lẽ nơi ấy đã xanh um vườn tược, với những khoảnh rừng mới được trồng…” - Phan bộc bạch.
Nơi ấy là vùng thượng nguồn núi Ngọc Linh (thuộc tỉnh Kon Tum). Những ngày sống ở đó giúp Phan hiểu rằng “vốn dĩ con người không cần phải có quá nhiều thứ trong cuộc đời này”. Những mong muốn vật chất, những ganh đua tính toán nơi đô thị có thể khiến người ta mất đi nhiều điều quý giá hơn họ nghĩ. Nhận diện này ít nhiều làm thay đổi tâm tư và lựa chọn sự nghiệp của Phan. Về nơi có nhiều cánh đồng tập một thành hình từ duyên may của chuyến đi, nhưng tập hai, cũng như những câu chuyện khác về thiên nhiên, đồng quê mà Phan tiếp tục kể - chính là sự lựa chọn.
|
Một số tác phẩm của Phan, đã được phát hành |
Phan tâm sự, nếu không viết/ vẽ bây giờ, sợ rằng chỉ mười năm sau nữa, cậu có thể sẽ quên hết. Mười năm ở Sài Gòn, cuộc sống trôi qua nhanh như chớp mắt. Khi nhìn lại mới thấy rất ít dấu mốc cho cuộc đời mình. Nhưng mười năm ở quê lại có rất nhiều chuyện để ghi nhớ, để kể lại. Ngày xưa trẻ nhỏ không biết sợ điều gì, cứ thế lội suối lên non. Còn bây giờ, tuy sống trong nhà phố bê tông cốt thép, nhưng chúng ta lại sợ quá nhiều thứ.
Tuổi trẻ của Phan đang rộng mở với nhiều dự án truyện tranh có ý nghĩa cùng thời gian phát triển các kỹ năng mềm, học biên kịch, trau dồi tiếng Anh… Để đến một lúc nào đó có cơ hội sẽ đi du học chuyên ngành truyện tranh, tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực mà như lời Phan nói: “Lâu nay đã chỉ làm theo bản năng, sở thích, giờ đã đến lúc đi chậm lại nhưng cần đi sâu hơn với lựa chọn này”.
Học thiết kế đồ họa nhưng lại chọn truyện tranh làm sự nghiệp, đó cũng là một thách thức với đam mê. Nét vẽ của Phan có lẽ cần được trau dồi thêm, nhưng điều quan trọng nhất là gương mặt họa sĩ trẻ này đã sớm tìm thấy đường đi của chính mình, đã mang đến cho truyện tranh Việt những tác phẩm được yêu thích và nhiều ý nghĩa.
Phan và Du Bút tổ chức triển lãm mô hình và quá trình thực hiện bộ truyện tranh Thị trấn Hoa Mười Giờ tại Monosketch Art Space (34/1 Trần Khánh Dư, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) tới hết ngày 4/1/2021, như một hình thức ra mắt tác phẩm mới. Đây cũng là cách Phan chào năm cũ, đón năm mới bằng dự án tâm huyết của mình. Vùng mơ của Phan mở ra cho tất cả tâm hồn ngược về tuổi nhỏ…
|
Lục Diệp