'Vùng đệm' kết nối từ những bóng hồng

01/03/2019 - 06:34

PNO - Bên cạnh họ là hai người phiên dịch - hai bóng hồng sẵn sàng hỗ trợ hai người đàn ông quyền lực kết nối với nhau, trong không khí cần sự mềm mỏng, tinh tế, cần nhu chứ không cần cương.

Không có thỏa thuận chung, nhưng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đã làm được rất nhiều điều mà lịch sử chưa từng có. Hành trình vạn dặm tiến đến một thỏa thuận toàn diện đã có những bước đầu tiên đầy tích cực, hình thành được những mắt xích chính yếu. Gặp nhau ở Hà Nội chính là dấu hiệu của thành công, trong đó phải nhắc đến vai trò của “vùng đệm” không thể hoàn hảo hơn.

Chuỗi cảm xúc tích cực

“Vùng đệm” không phải là cách phân định chính - phụ mà là yếu tố phải có trong một nỗ lực ngoại giao, nỗ lực gắn kết từng chi tiết, để tạo thành thông điệp xuyên suốt. Hình ảnh hai vị lãnh đạo bước thong thả trên lối đi từ nơi họ có cuộc gặp 1-1 đến nơi diễn ra cuộc họp song phương là một trong những khoảnh khắc đắt giá nhất, thể hiện rõ tinh thần của hội nghị lần này.

Hình ảnh ấy càng tạo cảm xúc dễ chịu hơn khi bên cạnh họ là hai người phiên dịch - hai bóng hồng sẵn sàng hỗ trợ hai người đàn ông quyền lực kết nối với nhau, trong không khí cần sự mềm mỏng, tinh tế, cần nhu chứ không cần cương.

'Vung dem' ket noi tu nhung bong hong
Hai nữ thông dịch viên có mặt trong bữa tiệc tối 27/2 giữa hai vị lãnh đạo

Khi ở bên cạnh hay xuất hiện phía sau ông Trump và ông Kim, cả hai nữ phiên dịch đều tỏ rõ phong thái điềm đạm chứ không phải nét mặt căng thẳng của những người đang làm nhiệm vụ trọng đại, xét về phương diện ngoại giao lẫn chuyên môn nghề nghiệp.

Sự hiện diện của nữ phiên dịch gốc Hàn Lee Yun Hyang tại cuộc gặp Trump - Kim 2.0 rất ý nghĩa, vì chính bà là người giúp Trump - Kim hiểu nhau hơn trong sự kiện ở Singapore hồi tháng 6/2018. Lee Yun Hyang là “người cũ”, từng hỗ trợ phiên dịch cho cựu Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và cả Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Bà cũng là người bắc nhịp cầu ngôn ngữ cho Tổng thống Mỹ Trump - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Lee Yun Hyang cũng chính là người phiên dịch cho Tổng thống Trump khi ông đón công dân Mỹ được phía Triều Tiên trả, đánh dấu những tín hiệu lạc quan cho tương lai quan hệ Washington - Bình Nhưỡng. 

Sự có mặt của bà Lee Yun Hyang không chỉ là chuyện ngoại giao mà còn lan tỏa thông điệp về vị thế nữ giới. Những ai biết Lee Yun Hyang đều gọi bà là “tiến sĩ Lee”, vì họ nể trọng sự dạn dày kinh nghiệm cùng bản lĩnh của một phụ nữ gốc Á thành công trên đất Mỹ. Bà Lee Yun Hyang (62 tuổi) có bằng thạc sĩ về phiên dịch và biên dịch, rồi nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Geneva năm 2009. Bà đã giảng dạy tại Viện Nghiên cứu quốc tế Monterey tại Đại học Middlebury ở California và Đại học Ewha ở Seoul. Bà hiện là Trưởng bộ phận thông dịch tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thông điệp về vai trò nữ giới

Đứng bên cạnh ông Trump, hỗ trợ cho vị tổng thống vốn từng có nhiều ngôn từ “nhạy cảm”, bị cho là coi nhẹ nữ giới, lại là một phụ nữ đã và đang từng ngày gạt bỏ định kiến giới cho chính mình và người thân. Năm xưa, sau khi tốt nghiệp đại học, nếu đơn xin làm sản xuất truyền hình của bà Lee bị từ chối, chỉ vì bà là nữ giới thì sẽ không có Lee Yun Hyang của hôm nay. Washington Post từng đăng câu chuyện đầy cảm hứng của bà.

Từng có thời gian lui về làm nội trợ, Lee Yun Hyang, vào năm 33 tuổi, đã quyết định tự bứt phá, nộp đơn theo học biên dịch tại một trường đại học Hàn Quốc. Lúc ấy, bà là sinh viên “già” nhất lớp, nhưng cũng là sinh viên hào hứng nhất với các tiết học. Bà hạnh phúc nhận ra, mình đã thoát khỏi bốn bức tường bí bách để phát triển và cống hiến. Lee Yun Hyang hiểu áp lực về giới không chỉ gây khó cho phụ nữ mà còn khiến đàn ông khổ sở đến thế nào. Nhiều người quen biết, khi hay tin bà đến trường, đã không ngớt trêu chọc chồng bà vì… không biết cách “dạy” vợ.

Về phía Triều Tiên, phái đoàn tháp tùng lãnh đạo Kim sang Việt Nam có tám người thì bốn trong số ấy là nữ. Được nhắc đến nhiều nhất là Kim Yo Jong - em gái lãnh đạo Kim, Phó chủ nhiệm Ban tuyên giáo đảng Lao động Triều Tiên và cũng là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Người phụ nữ quyền lực thứ hai là Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Cho Son Hui - nhà ngoại giao nữ cấp cao nhất ở Triều Tiên, cũng là một trong những nhân vật chủ chốt chuẩn bị cho hội nghị lần này. Nhân vật thứ ba là bà Kim Sung Hae - quan chức cấp cao của Mặt trận Thống nhất Triều Tiên. Nhân vật nữ cuối cùng là nữ ca sĩ Hyon Song Wol - người đứng đầu ban nhạc nữ Moranbong nổi tiếng của Triều Tiên.

Lựa chọn từ cả phía Mỹ lẫn Triều Tiên cho cuộc gặp tại Hà Nội đã được tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Sự xuất hiện của những bóng hồng đúng thời điểm đã khẳng định rằng, những gì mà Trump - Kim mong muốn không chỉ là câu chuyện hòa bình trên chính trường mà còn là sự rộng mở về một thế giới sẵn sàng kết nối, sẵn sàng phá bỏ định kiến để cùng phát triển. Với giới quan sát, các gương mặt nữ Triều Tiên là cách chính quyền Bình Nhưỡng muốn thế giới nhìn họ. Đó là sự dịch chuyển nhận thức cân bằng giới trong chính trị, tạo nên một hình ảnh Triều Tiên hiện đại, cởi mở hơn, bắt nhịp được với xu hướng toàn cầu. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI