“Vùng đất văn hóa”: Điểm tựa giá trị trong văn chương

26/06/2023 - 08:08

PNO - Một vùng đất làm nền cho câu chuyện, với những giá trị văn hóa - lịch sử - con người vừa khẳng định giá trị bản sắc, vừa góp phần nâng tầm cho tác phẩm. Vùng đất văn hóa luôn được kỳ vọng xuất hiện trong tác phẩm văn chương.

Những vùng đất vẫn chờ người cầm bút 

Trong cuộc giao lưu mới đây với những người làm báo viết văn, nhà báo Dương Thành Truyền đã gửi lời nhắn nhủ đến những người cầm bút: hãy khai thác và viết nhiều hơn về văn hóa của đất nước. Đó cũng là tâm tư, trăn trở và gửi gắm của nhiều nhà văn trong những cuộc tọa đàm về văn chương được tổ chức thời gian gần đây.

 Một số tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của những người viết trẻ  đã được phát hành
Một số tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của những người viết trẻ đã được phát hành

“Vùng đất văn hóa” trong tác phẩm văn học từng được các nhà văn thế hệ trước thể hiện thành công, để lại dấu ấn sâu đậm: Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Lý Văn Sâm, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Trang Thế Hy, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Dương Hướng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Trường…

Người trẻ có tiếp bước?

Rất nhiều tác phẩm của người trẻ cho thấy một thế hệ năng động, khát vọng và bản lĩnh dấn thân, hội nhập. Nhưng điều đó cũng bộc lộ sự lựa chọn bối cảnh trong sáng tác của người trẻ là một thế giới phẳng cùng những suy tưởng, đối thoại nội tâm, phản chiếu góc nhìn của thế hệ mình với thời đại mới hơn là câu chuyện ngược về với những bối cảnh văn hóa của một vùng đất đặc thù.

“Vùng đất văn hóa” trong văn chương trẻ hiện nay chủ yếu được nhìn thấy từ những người cầm bút đang sống và viết từ quê hương mình. Có thể kể đến: Lê Quang Trạng (Người chở chữ qua sông, Những hạt bùn vạn dặm…), Nguyễn Chí Ngoan (Bến chờ, Mưa miền đất mặn…), Trương Chí Hùng (Sống cùng nước, Man mác Vàm Nao), Lê Vũ Trường Giang (Căn cước xứ mưa)…

Sau này, để lại dấu ấn nổi bật về văn hóa của vùng đất đặc thù trong tác phẩm, tiêu biểu có các nhà văn: Đỗ Bích Thúy (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận), Nguyễn Nhật Ánh (nhiều tác phẩm là bối cảnh xứ Quảng Nam - quê ông)…

Lực lượng sáng tác trên văn đàn hiện nay khá đông đảo, đề tài/thể loại đa dạng, bút pháp phong phú, độc đáo. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói là có nhiều tác phẩm văn chương khai thác sâu sắc về lịch sử - văn hóa của một vùng đất. Trong đó, phần lớn tác phẩm viết về văn hóa địa phương thuộc thể loại biên khảo, tạp văn. Có thể kể đến một số tựa sách thuộc Tủ sách Văn hóa Việt (do Chibooks khai thác): Vắt qua những ngàn mây (Đỗ Quang Tuấn Hoàng), Nha Trang mùa đẹp nhất (Đào Thị Thanh Tuyền), Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm (Phi Tân), Cơm nhà xứ Quảng (Lưu Bình)… Bên cạnh đó, còn có những tên tuổi mà tác phẩm của họ gắn chặt với một địa danh - không gian văn hóa: Nguyễn Việt Hà (viết về Hà Nội), Nguyễn Vĩnh Nguyên (viết về Đà Lạt), Trần Thùy Mai (viết về xứ Huế)…

Trong cuộc tọa đàm về văn học Tây Nguyên (diễn ra vào quý II/2023) tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và tọa đàm chủ đề “vùng đất văn học” diễn ra tại Phú Yên gần đây, câu chuyện về “vùng đất văn hóa” trong văn chương đã cùng được đề cập như một sự khơi gợi, nhắc nhớ. Đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bối cảnh văn hóa trong tác phẩm. Yếu tố văn hóa bản địa, bản sắc của cộng đồng, lịch sử - con người; không gian văn hóa Tây Nguyên, văn hóa biển hay những địa danh, văn hóa một cộng đồng, một ngôi làng… đều có thể là chất liệu quý chờ được khai thác. 

Chờ thêm sự lan toả 

Hội Nhà văn TPHCM đang thực hiện tuyển tập sách viết về Cần Giờ - vùng đất phía đông nam TPHCM. Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM cũng từng tổ chức trại sáng tác cho văn nghệ sĩ tại đây vào năm ngoái. Trong tháng Sáu, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM vừa tổ chức một trại sáng tác qua các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Phước), Tây Nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai) và về với Phú Yên. Hội Nhà văn Việt Nam mở trại viết ở Phú Yên hoặc về với Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn tổ chức các chuyến đi thực tế có chiều sâu, đến với nhiều vùng đất trên khắp cả nước… Tất cả những chuyến đi thực tế sáng tác đều là để người cầm bút có cơ hội tìm hiểu, khám phá và cọ xát với thực tế tại mỗi điểm đến. 

Nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng đều có thể trở thành “vùng đất văn hóa” trong văn chương. Những chuyến đi luôn cho người sáng tác chất liệu thực tế để đưa vào tác phẩm. Nhiều truyện ngắn, bút ký, tạp văn được đăng báo hoặc in thành tuyển tập. Ngoài ra, các cuộc thi viết về các vùng đất cũng đã được tổ chức trên báo chí và được in thành các ấn bản sách: Nghĩa tình miền Tây, Hà Nội - Thành phố tôi yêu, TPHCM - Thành phố tôi yêu…; cùng một số tuyển tập văn xuôi viết về TPHCM hoặc các tỉnh thành khác đã được phát hành. Thế nhưng, điều tiếc nuối là những ấn bản dạng tuyển tập khó có đời sống sôi động, được chú ý nhiều so với các tác phẩm của cá nhân.

 

Năm 2022, nhà văn Lý Lan trở lại với tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương (tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cùng năm). Một thời đoạn lịch sử cùng những giá trị văn hóa bản địa, tâm linh, tôn giáo trên vùng đất phương Nam đã tạo sức nặng đặc biệt cho tác phẩm. Bối cảnh văn hóa luôn là điểm tựa góp phần làm nên giá trị đặc biệt cho một tác phẩm văn học. Nhưng đó cũng là điều mà văn chương Việt hiện nay còn thiếu vắng. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI