'Vùng đất câm lặng': Yêu thương trong thinh không

23/04/2018 - 20:22

PNO - Bao trùm cả buổi xem phim là bầu không khí gần như nghẹt thở, đến nỗi khán giả không dám thở mạnh, không dám la hét và cũng chẳng dám làm việc riêng.

Nhân vật cô con gái lớn bị khiếm thính trong phim hóa ra do diễn viên khiếm thính thật vào vai. Nam chính của phim cũng là đạo diễn và người vợ của anh trong phim là cô vợ thật ngoài đời. Bộ phim được thực hiện chỉ với kinh phí 17 triệu USD nhưng doanh thu đạt gấp 10 lần con số đó. Có quá nhiều điều thú vị như vậy mà những ai đã xem Vùng đất câm lặng (A quiet place, khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 20/4) phát hiện ra sau khi rời rạp.

Trailer Vùng đất câm lặng

 Phim kinh dị vốn không phải là món ăn xa lạ ở Hollywood. Khán giả cũng đã quá quen thuộc với thể loại này, đặc biệt là mùa Halloween, nhưng Vùng đất câm lặng thực sự là một tác phẩm kinh dị khác lạ. Trái với kiểu ồn ào, la hét thường thấy ở những phim khác, - đúng như cái tên - không có chỗ cho tiếng ồn. Thủ thuật hù dọa gây giật mình (jump scare) vẫn được sử dụng trong phim, nhưng chỉ diễn ra trong tích tắc, rồi ngay lập tức thảy nhân vật vào thinh lặng, bởi chỉ cần một hơi thở nhẹ cũng có thể khiến họ mất mạng.

Âm thanh - một trong những đặc trưng của phim ảnh - chủ yếu hiện diện trong phim qua tiếng lá rơi, tiếng thác đổ, tiếng gió khẽ xào xạc. Sức mạnh của âm thanh nằm hết ở những phân cảnh im lặng - sự im lặng trong những tình huống đời thường được xây dựng hết sức éo le: cô con gái Regan bị điếc, cô vợ Evelyn lâm bồn, chân giẫm phải đinh, đứa bé mới chào đời…

Phim lấy bối cảnh hậu tận thế, đưa khán giả bước vào cuộc chiến sinh tồn của gia đình nhà Abbott - những người sống sót cuối cùng, đang ở một nơi tồn tại ba con quái vật bị mù, sẵn sàng tàn sát bất cứ ai gây ra tiếng động. Vùng đất câm lặng mở màn với một không gian u ám, tĩnh mịch, đặc quánh sự sợ hãi: nhà cửa bị bỏ hoang, đường phố không một bóng người, năm con người trong nhà Abbott sinh hoạt trong yên lặng, đi chân trần, nói chuyện với nhau bằng cách ra dấu. Sự sắp đặt tài tình của kịch bản mang đến cho người xem trải nghiệm xem phim trong im lặng hết sức độc đáo.

Tuy nhiên, nếu chỉ có thế, có lẽ Vùng đất câm lặng vẫn chưa thể tạo nên cơn sốt phòng vé. Điều khiến bộ phim thuyết phục được khán giả chính là ý tưởng khai thác nỗi sợ hãi của nhân vật. Làm sao để bảo vệ người thân luôn là nỗi lo lắng, sợ hãi sâu kín của mỗi người, nhất là với những người làm cha mẹ. Xem Vùng đất câm lặng, không ít người bị ám ảnh bởi câu nói đầy cảm xúc của nhân vật Evelyn: “Chúng ta là gì khi không bảo vệ được con mình?”.

'Vung dat cam lang': Yeu thuong trong thinh khong

Emily Blunt và diễn viên nhí khiếm thính Millicent Simmonds - hai điểm sáng diễn xuất trong Vùng đất câm lặng

Trong phim, vợ chồng Lee - Evelyn Abbott đã làm tất cả, kể cả dùng mạng sống, để bảo vệ bốn đứa con. Tình yêu thương, tấm lòng luôn hướng về những đứa trẻ của hai vợ chồng cũng chính là nỗi sợ và sự ám ảnh sâu sắc nhất mà bộ phim mang lại. Khán giả đồng cảm với nỗi sợ của nhân vật và tìm thấy ở đó nỗi sợ bản thân mình: sự lo lắng, xót thương nếu mất đi người thân chính là thành công của phim.

Và trong thành công đó, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến đóng góp của dàn diễn viên mà đứng đầu là cô đào tài năng Anh quốc Emily Blunt (vai Evelyn). Ban đầu, đạo diễn kiêm biên kịch kiêm nam chính John Krasinski đã định dành vai Evelyn cho Emily Blunt, nhưng không dám mở lời với vợ. May thay, sau khi đọc kịch bản, Emily Blunt muốn đóng và cô đã gọi cho nữ diễn viên là bạn của John Krasinski - người được nhắm vào vai Evelyn - để “đòi” vai.

Thời điểm làm phim, vợ chồng John Krasinski và Emily Blunt vừa chào đón đứa con thứ hai. Những xúc cảm của người làm cha mẹ - muốn yêu thương, bảo vệ con cái, cùng sự ăn ý “đồng vợ đồng chồng” của họ khiến vai diễn vợ chồng nhà Abbott trên phim sống động, chân thật hơn bao giờ hết. Người xem có thể cảm nhận điều đó trong từng ánh mắt vợ chồng Lee - Evelyn trao nhau và nhìn các con.

Diễn viên nhí khiếm thính Millicent Simmonds cũng là điểm sáng của phim. John Krasinski thổ lộ: “Là người khiếm thính, cô bé hiểu rõ nhân vật Regan cùng sự lạc lõng và mặc cảm về sự khác biệt theo cách mà không ai có thể hiểu và diễn tả được”. Sự ương bướng, lầm lì, tâm lý phản kháng của nhân vật được Millicent Simmonds lột tả “không lời” một cách rất tự nhiên, thuyết phục, để đến khi gần hết phim, khi thứ âm thanh duy nhất mà nhân vật này bật ra là tiếng khóc thì người xem cũng như muốn rơi lệ theo.

'Vung dat cam lang': Yeu thuong trong thinh khong
 

Nếu có điều gì đáng tiếc ở Vùng đất câm lặng, thì đó chính là cái kết hơi nhanh, gây chút hụt hẫng. Nhưng, biết đâu đó là ý đồ của nhà làm phim để cho ra đời phần tiếp theo, nhất là khi phim đã mở ra lối đi mới cho dòng phim kinh dị - thể loại đang lên đời hiện nay ở Hollywood. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI