Vùng đất ấy, có những cuộc “tái sinh” thường niên…

30/10/2020 - 10:00

PNO - Giữ mái tôn, hay giữ mái nhà, cũng là từ những niềm tin nhỏ nhoi, những việc làm cụ thể và thiết thân như thế.

Những đêm đó cả nhà thường không ngủ, ngồi chụm nhau quanh ngọn đèn dầu chờ trời sáng. Lần nào nước lên chậm thì may mắn giữ được lúa gạo, tài sản, còn nước lên quá nhanh, chỉ biết “bỏ của chạy lấy người”. Ba chông chênh trên chiếc ghe nhỏ, cố đưa gia đình thoát khỏi vòng vây của nước. Đó là cảnh lụt trong ký ức người miền Trung. 

Lụt đã thế, bão còn ghê sợ hơn khi mọi thứ bị cuốn phăng trong nháy mắt. Thời gian chỉ đủ cho mọi người chen chân vào hội trường thôn có mái đổ bê tông để giữ thân. Dù ai cũng đã cố gắng đặt bao cát, chằng chống cẩn thận từ trước, nhưng những tấm tôn lợp nhà vẫn bay theo gió. Mỗi trận lụt bão qua đi, người ta mất trắng. Nhà tôi không ngoại lệ. Từ chỗ có của ăn của để, tất cả trở về điểm xuất phát - một con số không tròn trĩnh. 

Viết tên lên mái tôn trước bão để dễ tìm tài sản thất lạc - ảnh facebook
Người miền Trung viết tên lên tấm tôn trước cơn bão số 9, để dễ tìm khi bão tan - Ảnh: Facebook

Nhưng, chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ và người dân quê tôi tỏ ra thất vọng hay buông xuôi. Để dìu nhau qua những ngày gian khó, người ta lặng lẽ san sẻ với nhau từng gói hàng cứu trợ hay chút thực phẩm còn giữ được, để không ai phải chịu cảnh đói khát. Bữa cơm ngày bão lụt chỉ đơn giản có cơm với cá khô kho mặn, mà ngon. Những bình nước sạch được ưu tiên cho việc ăn uống, còn lại nước sinh hoạt phải lấy nước mưa mà dùng. Bão tan, người ta tản đi dọn dẹp những ngôi nhà đổ nát nặng nề nhất, cùng tính phương án sửa chữa. Tấm tôn làm mái nhà có thể bay đi vài trăm mét, cả xóm xúm nhau phân chia, nhận dạng. Sự “tái thiết cuộc sống” có khi phải bắt đầu từ chính việc vun lại cái sân nhà bị sạt, dựng lại một khu, hoặc cả căn nhà đã bị cuốn theo bão. Nó không chỉ là bắt tay vào một công việc mới, mà như “tái sinh” giữa cuộc hoang tàn.

Viết tên lên tấm tôn là một trong những điều nhỏ nhặt, người xứ ấy vẫn lặng lẽ làm, để chuẩn bị cho cuộc tái sinh sau bão - Ảnh: Facebook
Viết tên lên tấm tôn là một trong những điều nhỏ nhặt, người xứ ấy vẫn lặng lẽ làm, để chuẩn bị cho cuộc tái sinh sau bão - Ảnh: Facebook

Năm nào cũng vậy, nhưng người miền Trung vẫn kiên quyết bám lấy dải đất khắc nghiệt này. Trong cơn thương cảm tột bực, nhiều người vẫn không hiểu vì sao chúng tôi lại ở miết nơi đây - cái dải đất năm nào cũng bão. Chúng tôi vẫn ở, là vì vẫn tin đất lành, vẫn tin mình có cách, tin mình có thể làm lại. Rốt cùng, niềm tin đó vẫn là tin ở chính mình, vật chất làm nên bị cuốn mất, khí hậu có thể không ưu đãi, nhưng rồi cũng chính con người đứng lên trên đôi chân mình.

Một mái nhà tốc mái trong cơn bão số 9 ở Lý Sơn - Ảnh: Facebook
Một mái nhà tốc mái trong cơn bão số 9 ở Lý Sơn - Ảnh: Facebook

Nhìn dân miền Trung viết tên lên tấm tôn để khỏi lạc sau bão, nhiều người lạ lẫm vì giữa cuồng phong mà vẫn còn sức lo điều nhỏ nhặt. Nhưng bằng chính những điều nhỏ nhặt đó, chúng tôi đã sống qua bao mùa mưa bão. Giữ mái tôn, hay giữ mái nhà, cũng là từ những niềm tin nhỏ nhoi, những việc làm cụ thể và thiết thân như thế. Cơm áo ngặt nghèo có đôi lúc sẽ làm nên những cuộc tha hương. Nhưng đã sinh ra là người xứ này, người ta sẽ chẳng bao giờ chê mảnh đất đó chỉ vì dăm trận bão bùng.

Vũ Dũng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thuy 30-10-2020 13:55:16

    Sao toàn thôn chỉ có nhà ủy ban là kiên cố? Dân đều biết và đến đó lánh nạn nhưng sao nhiều năm rồi mà họ không làm nhà của mình với mái bêtông???

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI