Vùng cấm của hôn nhân

16/09/2017 - 09:00

PNO - Trong buổi chia sẻ về bí quyết xây dựng hôn nhân hạnh phúc, chị Lan Hương, một huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ, đã nói về cách chị giữ cho hôn nhân của mình ít xáo trộn nhất.

Chuyện gì cũng… cãi nhau

Tôi đã lập gia đình gần hai mươi năm và cũng như mọi bạn trẻ khác, đều phải trải qua những ngày đầu bỡ ngỡ trong cuộc sống chung. Vài tuần đầu lâng lâng với việc được về chung nhà qua nhanh, chúng tôi bắt đầu trở về với con người thật của mình. Khi yêu, chỉ thấy những điều tốt đẹp được bày biện ra, giờ tật xấu ló mặt, ai cũng thấy đối phương đúng là… quá tệ.

Vậy là cãi nhau. Gì cũng cãi! Ăn cũng cãi, tắm cũng cãi. Mỗi khi tôi lên cơn, thay vì dịu giọng, chồng tôi còn chụp mũ ngay là tôi ảnh hưởng… văn hóa của gia đình, rồi cứ thế mà lôi bao nhiêu chuyện của nhà vợ ra chì chiết. Tôi tuy ít lời nhưng khi chồng đụng chạm đến nhà mình thì cũng chẳng còn nể nang nữa, mà quyết tâm “ăn thua đủ”. Hôn nhân chẳng còn màu hồng như chúng tôi từng hình dung. 

Vung cam cua hon nhan

Lục đục hoài cũng đuối sức. Nếu vợ chồng cứ mãi như thế, thì hôn nhân chỉ là nỗi bất hạnh. Một hôm chồng tôi đặt vấn đề, một công ty muốn vận hành trơn tru luôn cần có những quy định cụ thể, tại sao chúng ta không tự thiết lập cho mình những vùng cấm trong gia đình? Như vùng cấm bay ấy, bất khả xâm phạm.

Chúng tôi ngồi lại, trút hết với nhau những gì dễ gây tổn thương cho mình, rà soát lại các điểm chung và lập ra quy định chung cho hôn nhân. Thời gian đầu chưa quen, ai cũng vi phạm, nhưng việc gì cũng cần có thời gian. Cứ thế, chúng tôi cùng quản lý cuộc sống chung theo những nguyên tắc của mình, những vùng cấm đã thỏa thuận. Gần hai mươi năm qua, chúng tôi bám chặt vào những điều ấy mà ứng xử với nhau, cuộc sống gia đình êm thắm và hạnh phúc hẳn lên vì vợ chồng rất ít khi phải càu nhàu, trách móc hay cãi vã nữa. 

Tôn trọng gia đình hai bên

Có nhiều cặp vợ chồng, chỉ cần nghe nói đến gia đình bên kia là như chạm phải lửa. Ánh, giao dịch viên của một ngân hàng, đến chỗ làm mà mắt sưng húp, vì tối qua hai vợ chồng vừa cãi nhau một trận kịch liệt. Trong lúc thiếu kiềm chế, Ánh đã quát với chồng là mẹ chồng không biết cách dạy con - là chồng Ánh. Vinh, chồng Ánh, như bị chạm vào điều cấm kỵ của mình, đã nổi điên lôi hết những chuyện bí mật của Ánh ra sỉ nhục. Ánh đau đớn khóc ngất, thu dọn quần áo về nhà mình. Vinh thì bỏ đi trong đêm. Nguyên nhân chỉ từ một chuyện nhỏ xíu là Ánh nhờ chồng rửa chén, một chuyện rất thường tình của mọi cặp vợ chồng. Đã ba tuần rồi vợ chồng Ánh vẫn chưa làm lành lại được. Ánh biết mình sai nhưng nghĩ đến cảnh Vinh trả đũa mình cay nghiệt như vậy lại ấm ức, không muốn làm lành trước. 

Trong đời sống vợ chồng, chuyện riêng của hai nhà muôn đời là những điều cấm kỵ. Có người chuyện gì cũng xuề xòa cho qua, nhưng chỉ cần nói đụng đến cha mẹ mình là lập tức hóa thành một người khác. Thế nhưng, trong thực tế, có những ông chồng lại xem việc coi thường nhà vợ, coi thường bố mẹ vợ là một cách để thể hiện uy quyền. Hở một tí là mang nhà vợ ra lên án, có khi chỉ vì cô vợ về muộn không kịp nấu đủ ba món cho bữa cơm chiều, hay quên mời cha chồng ăn cơm cho đúng lễ nghi. Kinh nghiệm của chị Lan Hương là: “Vợ chồng tôi đã thỏa thuận từ đầu, lo việc nhà chồng cũng như lo việc nhà vợ. Vợ chồng tuyệt đối không đối xử thiên lệch với bên nào; nhất là không được tỏ thái độ coi thường, chê bai gia đình hai bên”. 

Vung cam cua hon nhan
Ảnh minh họa

Kết hôn không chỉ là một khởi đầu mà còn là một bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người. Thêm vào đời mình một gia đình, một mối quan hệ họ hàng mới, nên việc xử sự sao cho phải phép là rất cần thiết, phải thường xuyên chú ý và rút kinh nghiệm. Người Việt có truyền thống đề cao đời sống văn hóa gia đình, nên càng tôn trọng gia đình bạn đời, ta càng dễ có được một cuộc hôn nhân yên ả. 

Không bao giờ so sánh bạn đời với người khác

“Cô không thể nào bằng vợ thằng Hùng được đâu, đừng cố suy nghĩ chi cho nhức đầu!”. Chồng tôi ném vào mặt tôi câu đó khi đang bàn chuyện mở một shop quần áo. Hùng là bạn thân của chồng tôi. Với chồng tôi, tất cả vợ của bạn đều giỏi, đều xinh, đều vén khéo, đều nấu ăn ngon…; trừ vợ mình. Cái cảm giác thua thiệt các bà vợ ấy vốn không có từ tôi mà là từ lời nói của chồng, lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác khiến cuối cùng tôi cũng tin mình là người vô tích sự, hậu đậu, không biết nấu ăn, không có đầu óc kinh doanh…

Anh so sánh kiểu đó như một thói quen thường ngày nên trở thành nỗi ám ảnh cho bản thân tôi. Cũng vì thế, mỗi lần định làm ăn, tôi đều hình dung mình sẽ thất bại vì không làm tốt được như vợ ai đó. Muốn nấu một bữa cơm họp mặt bạn bè, nhưng nghe có những người phụ nữ đó tham dự là tôi dẹp ngay không nấu nữa, ra nhà hàng cho gọn. Bạn bè chồng họp mặt, tôi không bao giờ tham gia vì “sao lại họ”- lời chồng tôi. Hôn nhân của tôi như chết dần bởi những hình ảnh so sánh luôn hiện hữu trong từng việc lớn nhỏ hàng ngày.

“Quy định của nhà tôi là cấm vợ/chồng so sánh vợ/chồng mình với người khác. Khi tôi sinh con, có mập xấu, sồ sề, lem luốc chồng cũng không được xỏ xiên hay so sánh. Tôi làm gì thất bại cũng không được mang ra đối chiếu với người thành công. Hệ quy chiếu dành cho người này mà đem áp vào người khác thì chẳng bao giờ đúng được. Có nghĩ gì thì giữ trong lòng, không được nói ra” - chị Lan Hương nói. Nhờ vậy, hôn nhân của chị đã không bị bóng đen của người khác phủ lên.

Vung cam cua hon nhan
Ảnh minh họa

Chuyện sau cánh cửa phòng ngủ

“Có lần đi họp lớp đại học với vợ, tôi có cảm giác các cô bạn của vợ đang nhìn mình bằng ánh nhìn tò mò, xoi mói, rồi to nhỏ với nhau, cười rúc rích, khiến tôi rất nhột nhạt mà chẳng hiểu thế nào. Mãi sau này tôi mới biết, vợ tôi từng kể với họ là tôi bị… yếu. Nguyên do là vợ chồng nguội lạnh với nhau đã lâu. Sau lần ấy, tôi không đi cùng vợ nữa vì đến đâu tôi cũng có cảm giác mình đang bị lột trần ra”, anh Lân, một người môi giới nhà đất tâm sự.

Chuyện của anh không phải hiếm. Nhiều người, cả phụ nữ lẫn nam giới có tật xấu là thường mang chuyện phòng ngủ nhà mình ra kể lể với bạn bè như “chuyện làm quà” hoặc cũng có khi muốn được nghe người khác tư vấn. Ngày nay, đề cập đến chuyện tình dục đã không còn là điều cấm kỵ và cũng chẳng mấy ai còn ngại ngần khi nói về nó; nhưng chuyện phòng ngủ nhà mình thì phải xem là chuyện ai nấy biết, chỉ hai người chia sẻ với nhau. Khi cần thì chỉ nên nhờ bác sĩ chuyên khoa, chứ không phải hàng xóm hay... hội bạn. 

Tôi có mấy người bạn, cứ có dịp ngồi với nhau là nói về chuyện vợ chồng; “tư vấn” cho nhau những bí quyết để giữ lửa tình dục, cả những chiêu trò “gợi ý” khi đối phương thờ ơ chuyện gối chăn. Tuy nhiên, vì tính nhạy cảm của vấn đề, nội quy nhà chị Lan Hương cũng đề cập đến chuyện đó. “Chúng tôi thỏa thuận và tôn trọng việc đó, đề cao tính chủ động của cả hai. Thống nhất với nhau khoảng thời gian cụ thể. Không được đổ thừa cho công việc. Đành rằng đó là việc của cảm xúc, nhưng nếu cứ giường ai nấy ngủ thì cảm xúc chắc chắn sẽ không còn. Muốn hôn nhân hạnh phúc phải giữ ấm được tình dục, biết tôn trọng bạn đời và sống chung thủy.”

 Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI