Vun đắp tình yêu, lòng tự hào từ những điều bình dị

02/09/2023 - 06:38

PNO - Yêu Tổ quốc, yêu đất nước bắt nguồn và tiếp nối từ việc yêu tiếng nói, yêu lời mẹ ru, yêu ruộng đồng, dòng sông, con suối…

 

Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu cho các học sinh, sinh viên những hiện vật lịch sử liên quan đến sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp 1858 - 1860 - Ảnh: Hải Châu
Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu cho học sinh, sinh viên những hiện vật lịch sử liên quan đến sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp 1858 - 1860 - Ảnh: Hải Châu

Mấy năm trước, đề thi môn ngữ văn dành cho học sinh lớp Chín của tỉnh Hưng Yên có câu: “Em hãy viết đoạn văn diễn dịch có độ dài không quá 1 trang giấy thi với câu chủ đề: Chúng ta tự hào về đất nước Việt Nam”. Khi chấm thi, cô giáo Đào Ngọc Hà đã bất ngờ với những cảm nhận, suy nghĩ rất hồn nhiên, trong sáng mà sâu sắc, chân thật của học sinh về niềm tự hào dân tộc. 

Từ suy nghĩ, cảm xúc của học trò, cô giáo dạy ngữ văn ấy đã viết: “Tổ quốc là gì, mẹ ơi” và tự trả lời: “Là ruộng đồng, dòng sông, con suối/ Là cỏ cây, hoa lá/ Là ông bà, mẹ cha/ Chiếc khăn quàng trên vai con/ Cũng là Tổ quốc… Tổ quốc mình đẹp lắm/ Những cánh đồng thẳng cánh cò bay/ Những nương ngô xanh bát ngát/ Những nhà máy mọc lên san sát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa…”.

Một em bé rời trường mẫu giáo, nắm tay mẹ, phấn chấn kể: “Hôm nay ở trường, con nhìn thấy cờ đỏ sao vàng treo bên chung cư”. Người mẹ hỏi: “Con có biết vì sao chung cư treo cờ không? Ngày mai, dọc đường về nhà mình, người ta cũng sẽ treo cờ để mừng ngày Quốc khánh đấy. Con có nhớ ngày sinh nhật của con, nhà mình tổ chức rất vui không? Ngày Quốc khánh cũng giống như sinh nhật của con. Đó là sinh nhật của nước Việt Nam mình đấy”. Người mẹ đã cố gắng giải thích về ngày lập quốc bằng góc nhìn trẻ thơ để cho con hiểu.  

Yêu Tổ quốc, yêu đất nước bắt nguồn và tiếp nối từ việc yêu tiếng nói, yêu lời mẹ ru, yêu ruộng đồng, dòng sông, con suối… hay đơn giản là được biết thêm những câu chuyện xung quanh lá cờ Tổ quốc như em bé mẫu giáo kia. 

Thế nhưng, trong những thế hệ phụ huynh hiện tại, có mấy ai thường xuyên quan tâm đến câu chuyện nhỏ bé của con như người mẹ kia? Bây giờ, từ thành thị đến nông thôn, không có nhiều cha mẹ sẵn sàng cho con thời gian và không gian để tìm hiểu, khám phá về đất và người trên chính xã, phường nơi gia đình mình sinh sống, cũng như đất và người nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ, cha. 

Chúng ta lâu nay vẫn nói nhiều về giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ mà dường như quên mất những gì gần gũi nhất với các em. 

Một cô giáo dạy môn lịch sử đã cùng học trò lớp Sáu làm dự án “Em viết lịch sử quê hương”. Quê hương của các em là phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Khi cô và trò đi khắp các con phố của phường Hàng Bài, ăn những món ăn Việt, đến những di tích lịch sử, tìm hiểu nguồn gốc tên gọi từng con đường, ngõ phố, em nào cũng hào hứng hỏi han, khai thác, ghi chép thông tin. Kết thúc dự án, cô giáo nhận được những phản hồi ngoài mong đợi, bởi không chỉ “em thấy thích lịch sử”, mà nhiều em còn “thấy yêu ngõ phố nhà mình hơn”, “trong mắt em, Hàng Bài đẹp hơn trước rất nhiều”.

Ngày tết Độc lập, có lẽ mỗi chúng ta nên và cần nhìn vào cách mà cô giáo dạy sử đã gieo, đã khơi gợi tình yêu quê hương trong mỗi học trò, cũng nên và cần nhìn vào cách các gia đình, các cộng đồng trao truyền ý nghĩa, giá trị lịch sử qua nhiều thế hệ. Đó là gieo từng hạt mầm yêu thương bình dị vào đời sống, tâm hồn con cháu, để các thế hệ trẻ thực sự biết yêu từ bác nông phu đến “những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai”. 

Có như vậy, giáo dục truyền thống mới thực chất và hiệu quả. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI